Quốc hội sẽ giám sát “tới nơi tới chốn” về quy hoạch và chống lãng phí

Thứ sáu, 05/11/2021 06:43

Ngày 4-11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 với Đoàn Đại biểu quốc hội 63 tỉnh, thành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo đó, trong năm 2022, Quốc hội sẽ tiến hành 4 cuộc giám sát, trong đó giám sát tối cao 2 chuyên đề về công tác quy hoạch và việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giám sát 2 chuyên đề về giải quyết khiếu nại tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021.

Theo kế hoạch chi tiết giám sát tối cao chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội sẽ làm rõ tránh nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu nếu để xảy ra thất thoát, lãng phí, đồng thời kiến nghị hình thức xử lý. Phạm vi mà chuyên đề giám sát tập trung sẽ là việc sử dụng ngân sách nhà nước (lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công); việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác tập trung vào các dự án trọng điểm ngành giao thông, dầu khí, điện, than; việc quảng lý tài sản nhà nước, tập trung vào sắp xếp lại nhà, đất công vụ, trụ sở làm việc, mua sắm máy móc, phương tiện.

Cũng trong chuyên đề giám sát này, Quốc hội sẽ tập trung vào việc sắp xếp, tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó giám sát chi tiết việc quản lý, sử dụng và tinh giảm biên chế khối sự nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đặc biệt, việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, nhất là việc sắp xếp phương án sử dụng đất của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước; việc quản lý sử dụng đất nông nghiệp, lâm trường, đất dịch vụ và chuyển đổi mục đích sử dụng đất; việc quản lý cấp phép quyền sử dụng đất… cũng được Quốc hội tập trung giám sát trong chuyên đề này.

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì tham gia hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc giám sát sẽ được thực hiện đến nơi đến chốn, theo tận cùng vấn đề. Phương thức giám sát sẽ tiến hành đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương, ở tỉnh, thành phố nào thì giám sát ở đó đồng thời sẽ có kiểm tra chéo lẫn nhau. Việc giám sát tiến hành từ tổng thể đến chi tiết, huy động tổng lực các cơ quan tham gia. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, trong giám sát phải có bằng chứng cụ thể, đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và phải theo dõi thực hiện các giám sát này. Qua giám sát phải xác định được trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu. Có như vậy, việc giám sát mới tạo chuyển biến căn bản trong từng vấn đề. Chẳng hạn trong chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phải giám sát đúng, trúng, chỉ rõ trách nhiệm, tạo chuyển biến căn bản về chống lãng phí. Đất nước còn nghèo, nguồn nhân lực, vật lực còn khó khăn, đòi hỏi phải tiết kiệm. Những thất thoát, lãng phí đôi khi chẳng kém gì tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội đặt ra hàng loạt câu hỏi về yêu cầu giám sát phải tạo chuyển biến căn bản. Chẳng hạn sau giám sát, có tạo chuyển biến căn bản trong phân bổ, sử dụng nguồn lực không, có tránh được lãng phí không? Sau giám sát có tạo ra chuyển biến căn bản về đất đai không, hay ở đâu đó còn để đất hoang hóa, sai phạm trong quản lý đất nông nghiệp? Các địa phương đã có quy hoạch, sử dụng đất đai chưa hay vẫn để lãng phí, dân vẫn thiếu đất sản xuất, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số? Tương tự, sau giám sát có tạo chuyển biến căn bản trong xóa bỏ quy hoạch treo hay không, cái này lãng phí vô cùng. Rồi dự án đầu tư nào kém hiệu quả, dự án nào làm xong không sử dụng được, trong khi nguồn lực còn khó khăn, có được chỉ rõ sau giám sát để tạo chuyển biến không?

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong quá trình giám sát, nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Chủ tịch Quốc hội nói: “Lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu nếu trong quá trình giám sát có phát hiện những dấu hiệu sai phạm đối với tất cả lĩnh vực thì sẽ chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng. Đây không phải là giám sát đưa ra ý kiến để ai thực hiện thì làm, không thực hiện thì thôi. Phải cụ thể hóa được trách nhiệm của từng tổ chức và cá nhân”.

HẢI QUỲNH