Quy định về xóa án tích trong BLHS 2015 (SĐ-BS): Nhiều điểm mới có lợi cho các đối tượng đã từng phạm tội tái hòa nhập cộng đồng

Thứ hai, 30/04/2018 15:00

Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 (BLHS 2015, SĐ-BS ) được đánh giá là có nhiều điểm mới trong các quy định về xóa án tích theo hướng có lợi cho các đối tượng đã từng phạm tội, tái hòa nhập cộng đồng...

Công dân làm thủ tục cấp Phiếu LLTP tại Sở Tư pháp TP Đà Nẵng.

Trao đổi với PV Báo Công an TP Đà Nẵng về những điểm mới trong xóa án tích của BLHS 2015, SĐ-BS so với BLHS năm 1999, ông Huỳnh Bá Hảo- Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho biết: Điểm mới mà cũng là điểm quan trọng và nổi bật của BLHS 2015, SĐ-BS so với BLHS 1999 là quy định thời điểm để tính thời hạn xóa án tích đã được giảm xuống, sớm hơn, có lợi hơn cho người phạm tội so với BLHS năm 1999 theo hướng kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án; theo đó rút ngắn thời hạn để được xóa án tích còn 2 năm (đối với trường hợp bị phạt tù đến 5 năm); 3 năm (đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 5 năm đến 15 năm) và 5 năm (đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án) (khoản 2, 3 Điều 70). Đặc biệt, BLHS 2015, SĐ-BS quy định thẩm quyền cấp chứng nhận xóa án tích cho các đối tượng đương nhiên được xóa án tích, đã được chuyển giao cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP) bao gồm Trung tâm LLTP Quốc gia - Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà không phải Tòa án cấp Giấy chứng nhận xóa án tích như trong BLHS năm 1999 (trừ Điều 71 BLHS 2015). Trung tâm LLTP quốc gia - Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu LLTP xác nhận không có án tích nếu có đủ điều kiện theo quy định của BLHS 2015. Luật LLTP năm 2009 cũng có quy định liên quan đến việc xóa án tích, tại  Điều 33 Luật này quy định: Trung tâm LLTP quốc gia - Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp có nhiệm vụ cập nhật, xử lý thông tin LLTP trong trường hợp người bị kết án được xóa án tích, cụ thể: khi xác định một người có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định của BLHS thì ghi "đã được xóa án tích" hoặc "không có án tích" vào LLTP của người đó.

Ngoài ra BLHS 2015, SĐ-BS còn quy định 5 trường hợp bị kết án nhưng không được coi là có án tích bao gồm: Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng (Điều 69); người được miễn hình phạt (Điều 69); người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 107); người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý (Điều 107); người dưới 18 tuổi bị kết án áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 107).

Tại Đà Nẵng, bắt đầu từ tháng 1-2017, sau khi có công văn hướng dẫn thực hiện đương nhiên xóa án tích của Trung tâm LLTP quốc gia - Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp  TP Đà Nẵng đã triển khai việc cấp Phiếu LLTP cho 262 trường hợp có án nhưng đã được đương nhiên xóa án tích trong tổng số 12.093 trường hợp đã được cấp phiếu LLTP.  Để Sở Tư pháp cấp Phiếu LLTP xác nhận không có án tích, công dân đến Sở Tư pháp đăng ký thủ tục yêu cầu cấp phiếu LLTP theo quy định. Sau khi có kết quả trả lời từ Trung tâm LLTP  quốc gia- Bộ Tư pháp hoặc Phòng Hồ sơ CATP Đà Nẵng, Sở Tư pháp gửi văn bản yêu cầu xác minh hoặc trực tiếp xác minh tại UBND xã, phường nơi người bị kết án từng cư trú hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án) để xác minh việc người đó có thực hiện hành vi phạm tội mới hay không. Ngay sau khi nhận được văn bản thông báo kết quả xác minh của UBND xã, phường hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng, Thi hành án, Sở Tư pháp sẽ giải quyết việc cấp Phiếu LLTP cho công dân. Trên thực tế, để phục vụ việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích, bảo đảm thời hạn cấp Phiếu LLTP cho cá nhân theo quy định của Pháp luật, cần thiết phải bổ sung quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan Thi hành án, UBND cấp xã...

Theo ông Huỳnh Bá Hảo, hiện nay việc phối hợp tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP tại Đà Nẵng thực hiện tốt. Tuy nhiên, các trường hợp có án tích đã từng bị kết án trên phạm vi cả nước, liên quan đến 63 tỉnh thành và nhiều cơ quan liên quan khác trên cả nước nên việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích của Sở gặp rất nhiều khó khăn và phụ thuộc toàn bộ vào kết quả trả lời của các cơ quan tiến hành tố tụng, Thi hành án, UBND xã, phường và một số cơ quan liên quan khác. Trong khi đó Luật LLTP vẫn chưa quy định chế tài đối với các cơ quan nói trên khi không thực hiện đúng thời hạn việc cung cấp, trao đổi, xác minh thông tin LLTP dẫn đến tình trạng trễ hạn thời gian cấp Phiếu LLTP cho công dân, nhiều trường hợp người dân khi nhận kết quả trễ hạn đều phản ứng tiêu cực và quy trách nhiệm cho Sở Tư pháp. Đây là khó khăn lớn nhất trong công tác cấp phiếu LLTP hiện nay.

Có thể thấy rằng, BLHS 2015, SĐ-BS với những quy định mới thuận lợi hơn cho người từng phạm tội. Trong đó, với quy định khi đã được đương nhiên xóa án tích, công dân sẽ được cấp Phiếu LLTP ghi "không có án tích" đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, ổn định để làm ăn, sinh sống.

TRANG TRẦN