Quy hoạch danh thắng Ngũ Hành Sơn: Nỗ lực giữ gìn "hồn cốt" cho mai sau

Thứ hai, 08/11/2021 17:42

Trước sự tác động của thời gian cũng như quá trình đô thị hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đang cho thấy sự xuống cấp, có khó khăn trong công tác quản lý. Ngày 16-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nghiên cứu lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh thắng này. Hiện nay, Đà Nẵng đang nỗ lực hoàn thiện Đồ án quy hoạch trong đó chú trọng đến việc giữ lại "hồn cốt" văn hóa, lịch sử, tâm linh và tín ngưỡng của quần thể Ngũ Hành Sơn cho thế hệ mai sau.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn nhìn từ trên cao. 

Hài hòa giữa bảo tồn di tích và phát triển kinh tế

Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch tại danh thắng Ngũ Hành Sơn có diện tích 1.049.701 m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của di tích, thuộc địa bàn P. Hòa Hải. Cụ thể, phạm vi ranh giới lập quy hoạch được xác định phía đông giáp tuyến đường Trường Sa và các khu vực ven Biển Đông; phía tây giáp sông Cổ Cò; phía nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; phía bắc giáp tuyến đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, dịch vụ du lịch; trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của Đà Nẵng, điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch "Con đường Di sản miền Trung". Đồng thời, làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị đặc trưng, hệ sinh thái nguyên gốc của di tích. Bên cạnh đó, định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật của khu vực di tích; bảo đảm kết nối hài hòa, đồng bộ với cảnh quan, môi trường xung quanh, với quy hoạch chung Đà Nẵng và các quy hoạch khác có liên quan.

Quyết định quy hoạch nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ bởi trên thực tiễn danh thắng Ngũ Hành Sơn đã và đang phải chịu những tác động từ sự phát triển quá "nóng" cả về mặt đô thị lẫn du lịch gây nên nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ di sản, nhất là trong điều kiện hiện nay chưa có quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ di tích; chưa cắm mốc di tích; các công trình có giá trị trong khu vực danh thắng đang có hiện tượng xuống cấp, đặc biệt là các nhà cổ thuộc tư nhân. Những tác động về môi trường sinh thái từ hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt thường ngày đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng cảnh quan chung.

Hiện, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ sở tôn giáo, đại diện người dân bị ảnh hưởng đã tham gia đóng góp ý kiến vào Đồ án quy hoạch. Toàn bộ dự thảo hồ sơ của Đồ án đã tuân thủ quan điểm chỉ đạo của TP và hướng dẫn của ngành văn hóa; các tài liệu thể hiện có sự điều tra, thu thập tư liệu nghiêm túc, chu đáo… và theo đánh giá của các nhà chuyên môn là hồ sơ Đồ án được chuẩn bị khá đầy đủ, công phu, cụ thể và đảm bảo yêu cầu đề ra.

Vẻ đẹp huyền bí của danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Kỹ lưỡng trong quy hoạch

Ông Bùi Văn Tiếng - Phó Chủ tịch không chuyên trách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn VH-XH, UBMTTQ Việt Nam TP cho rằng cần gìn giữ các di sản văn hóa, kiến trúc cổ trong quá trình bảo tồn; không được làm mất yếu tố gốc của hiện vật, tránh tình trạng sau trùng tu phục hồi không còn nhận diện là di vật có liên quan lịch sử hình thành của vùng đất Ngũ Hành Sơn từng tồn tại cả trăm năm qua. Những cổ vật dưới lòng đất trong các khu di chỉ khảo cổ học ở Ngũ Hành Sơn là di chỉ nam Hòn Thổ Sơn và di chỉ Vườn đình Khuê Bắc cần có tính toán để mở rộng diện tích khai quật, vì đây chính là nơi phát tích quan trọng của cư dân bản địa Đà Nẵng, liên quan tới văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh.

Để đạt được mục tiêu giữ "hồn cốt" cho mai sau, việc quy hoạch vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Theo ông Nguyễn Đình Phúc- Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật, cần xem xét chọn một số dãy phố trọng điểm để cải tạo thành các dãy phố có kiến trúc mặt đứng hấp dẫn theo xu hướng gần gũi thiên nhiên và truyền thống làng nghề nhằm tạo thêm sự hấp dẫn cho du khách, có chính sách hỗ trợ cải tạo mặt đứng kiến trúc chung cho các hộ dân để tạo sự đồng bộ.

  Về định hướng quy hoạch, ông Nguyễn Đăng Hải- Phó Chủ tịch không chuyên trách, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBMTTQ Việt Nam TP cho rằng, Đồ án cơ bản xoay chung quanh trục: Núi - Biển - Sông- Chùa - Làng để thực hiện việc bảo quản, tu bổ, phục hồi; đồng thời cần quy hoạch có tầm nhìn dài hạn trong việc quy hoạch Đồ án và không vì những cản trở trước mắt mà làm ảnh hưởng những nội dung quan trọng của Đồ án. Ông lưu ý không nên định hướng quy hoạch và đầu tư các loại hình công trình kiến trúc như công trình phục vụ du lịch sát núi và ven sông Cổ Cò.

Liên quan đến cách ứng xử của đường Lê Văn Hiến đối với toàn bộ khu danh thắng, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Theo ông Nguyễn Đình Phúc, nên nghiên cứu làm hầm chui cho đường Lê Văn Hiến, lúc đó mới kết nối được không gian tổng thể của 5 ngọn núi. Trong khi đó, ông Trần Hoàng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng đề xuất nên hạ cao trình đường này, xây dựng các tuyến đường đi bộ phía trên, sử dụng dây leo, cây xanh để hòa đồng thiên nhiên.

Riêng về định hướng kè sông Cổ Cò, ông Huỳnh Vạn Thắng- nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng cao trình đỉnh kè nên chọn là +1.00m, thấp hơn 1m so với cao trình, đỉnh kè cũ. Phía sau lưng kè vuốt mái đến vỉa hè đường ven sông. Đất đắp sau lưng kè đến đường là loại đất giàu sét, kết dính tốt, chống xói lở tốt và được trồng cỏ trên mái. Giữ nguyên cao trình đường ven sông hiện tại, đoạn đầu từ Núi Gềnh đến chùa Quán Thế Âm là +1.50m và đoạn tiếp theo là +2.00m đến +2.50m. Do bề ngang từ mép sông đến núi Dương Hỏa Sơn và núi Âm Hỏa Sơn là rất hẹp, vì thế tuyến kè đoạn này nên được phép dịch chuyển về phía sông đồng thời giảm bề rộng và tăng chiều sâu của đống đá đổ hộ chân để tăng mỹ quan bờ sông. Mở rộng tuyến đường ven sông từ 3.0m lên thành 5.5m bằng bê tông, có lề đường.

Ông Trần Việt Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP cho biết, việc triển khai thực hiện Đồ án dựa trên nguyên tắc tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, môi trường, tài nguyên, bảo tồn bảo tàng, di tích lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo và những vấn đề khác có liên quan. Các kiến nghị cụ thể của các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ được ghi nhận, tổng hợp cụ thể trước khi gửi UBND TP và Sở VH-TT xem xét tiếp thu, chỉnh sửa.

Phi Nông