Quy hoạch đô thị Đà Nẵng: Cần một cuộc “đại phẫu”? (Bài 2: Cần nhận diện thách thức để kịp thời điều chỉnh)

Thứ ba, 18/09/2018 15:00

Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, Đà Nẵng đang sở hữu một giang sơn đủ cho một quốc gia. Đà Nẵng đang là chủ một Việt Nam thu nhỏ, chớ nên vội vã và vắt kiệt vùng đất ven biển, hãy để cho Sơn Trà là một quỹ dự trữ, hãy đắn đo khi chiếm lĩnh những khoảng không gian giữa thành phố và vùng rừng núi... Nếu biết giữ và nâng niu, Đà Nẵng sẽ là mảnh đất hứa, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị toàn cầu kết nối với đô thị các nước, thậm chí còn nhiều hơn với đô thị trong nước...

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Diện mạo kiến trúc đôi bờ sông Hàn ở đâu, có nét nào riêng, ấn tượng cho Đà Nẵng?   Ảnh: C.KHANH

Phá vỡ cảnh quan, di sản tự nhiên bị xâm hại

Không thể phủ nhận, cho đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương - là hạt nhân tăng trưởng phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Đà Nẵng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hàng loạt các khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng ra đời cùng với hệ thống hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ. Đời sống người dân từng bước được cải thiện, nâng cao, bộ mặt đô thị ngày một khang trang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng nóng trong thời gian qua của thành phố cũng để lại nhiều hệ lụy, như áp lực gia tăng dân số kéo theo nhu cầu nhà ở tăng cao đột biến; hạ tầng đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển đã dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông, ngập úng, lấn chiếm đất công, xây dựng không phép và sai phép, ô nhiễm môi trường...

Đặc biệt, theo ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), việc phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng theo kiểu phong trào, nhất là các khu cảnh quan tự nhiên và dọc các bãi biển thiếu quy hoạch tổng thể chung dẫn đến việc mất đi các không gian sinh hoạt cộng đồng, phá vỡ cảnh quan, di sản tự nhiên bị xâm hại. “Việc khai thác quá mức các dự án nghỉ dưỡng trải dài dọc bãi biển dẫn đến nguy cơ sụt lún do mực nước ngầm bị hạ thấp, kéo theo tình trạng phát triển thiếu bền vững... Thêm vào đó, mục tiêu phát triển đô thị Đà Nẵng đến năm 2030 dự báo khoảng 2,5 triệu dân (gần gấp đôi so với dân số hiện nay) là những thách thức lớn mà Đà Nẵng phải đối mặt”, ông Chiến nhìn nhận.

Theo TS.KTS Trương Văn Quảng (Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), trong quy hoạch và phát triển đô thị, có nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù thời gian rất ngắn, nhất là sau khi trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những biến đổi to lớn, không ngừng, phát triển theo định hướng chung đã vạch ra nhiều năm trước đó và quy hoạch chung được điều chỉnh theo nhu cầu phát triển mới... Tuy nhiên, phía trước Đà Nẵng vẫn còn nhiều việc phải làm, phải suy ngẫm thấu đáo mới nhận hết vấn đề. “Liệu chúng ta đã thật hài lòng với những gì đã có? Thực tế, còn có ý kiến nghi ngờ về sự phát triển bền vững của đô thị này”, KTS Trương Văn Quảng nói.

Ông Quảng cũng đưa ra nhận định, bởi Đà Nẵng dường như có thời gian phát triển quá mạnh, quá “bạo”, hệ quả là làm mất đi hoặc biến dạng hệ sinh thái nội và ngoại vùng. “Liệu Đà Nẵng có mắc phải những tồn tại giống như các đô thị khác (Nha Trang, Vũng Tàu) khi mở những tuyến đường đô thị quá lớn và đi quá gần sát với mép biển, tạo nên sự ngăn cách giữa biển và công trình (dịch vụ du lịch khách sạn, nhà hàng)? Diện mạo kiến trúc Đà Nẵng, kiến trúc đôi bờ sông Hàn ở đâu, nhất là kiến trúc trên tuyến đường mới mở dọc theo sông Hàn và ven biển ở phía Đông, có nét nào riêng, ấn tượng cho Đà Nẵng? Các dự án quy hoạch đô thị, du lịch (nhất là du lịch) có bị xé nhỏ, khu biệt làm ảnh hưởng đến tổng thể chung và liệu có được nhanh chóng lấp đầy? Các lợi thế của một đô thị biển quan trọng của Việt Nam và khu vực đang được khai thác, nâng cao giá trị tới đâu trong quá trình phát triển?”, KTS Trương Văn Quảng đặt vấn đề.

KTS Hoàng Sừ, nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam nhìn nhận, bờ biển phía đông từ Sơn Trà đến giáp tỉnh Quảng Nam dài khoảng 16km, đồ án quy hoạch chỉ bố trí tập trung một bãi tắm Mỹ Khê, còn lại hơn 10km từ đầu đường Trần Quốc Hoàn đến giáp Quảng Nam dày đặc các chuỗi khách sạn, biệt thự, resort,... chắn ngang toàn bộ mặt biển, mãi tít tắp giáp Quảng Nam mới có một vệt nhỏ nối với sân golf Đà Nẵng thông ra biển. “Không có một khoảng không gian mặt biển nào được bố trí dành cho nhu cầu của người dân hưởng thụ biển, càng đáng lo ngại hơn khi khu vực Hòa Xuân, Hòa Quý... sẽ chứa cả triệu dân vào năm 2030. Họ sẽ tắm biển, sinh hoạt giải trí biển ở đâu?”, KTS Hoàng Sừ băn khoăn.

Bên cạnh đó, theo KTS Hoàng Sừ, việc định hướng mô hình phát triển đô thị cơ bản thấp tầng và đô thị sinh thái thời gian qua là “sai lầm to lớn của quy hoạch chung TP Đà Nẵng”. Sai lầm này là nguyên nhân chính dẫn đến sau 20 năm thực hiện xây dựng theo quy hoạch chung, thành phố phát triển nhanh nhưng đồng thời cũng gần như cạn kiệt quỹ đất. “Đừng nói gì đến tương lai xa, ngay tại lúc này thật khó tìm ra một khu đất vài chục héc-ta thuận lợi về địa điểm để xây dựng trung tâm thành phố mới hay trung tâm thương mại mua sắm tập trung. Khi dân số thành phố tăng gấp đôi, gấp ba hiện nay, câu hỏi về đất đai đô thị khó có lời giải”, KTS Hoàng Sừ nêu vấn đề.

Dọc các bãi biển thiếu quy hoạch tổng thể chung dẫn đến việc mất đi các không gian sinh hoạt cộng đồng, phá vỡ cảnh quan, di sản tự nhiên bị xâm hại. (Trong ảnh: Một góc bãi tắm tại Q. Ngũ Hành Sơn “may mắn” được giữ lại).

Đã nhận ra sai lầm và sửa sai?

Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 diễn ra vào ngày 13-7-2018 vừa qua, trong phát biểu tiếp thu, giải trình các vấn đề được nêu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã nói rằng: “Tất cả những điều mà chúng ta thảo luận, có những vấn đề gay gắt là xuất phát từ việc chúng ta còn hạn chế, thậm chí sai lầm về mặt quy hoạch trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội và không gian phát triển”.

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, TP Đà Nẵng đang phát triển nhanh và thay đổi từng ngày, song hành với đó là các vấn đề phát triển, đô thị, đời sống của người dân cũng đặt ra nhiều thách thức. Nhiều bất cập đang diễn ra và một số đang trở nên gay gắt. Sự gia tăng nhanh chóng của số lượng du khách, các bất cập đặt ra với công trình dịch vụ, du lịch; khối lượng chất thải nhanh chóng vượt qua năng lực xử lý; trường học, các cơ sở khám chữa bệnh luôn trong tình trạng quá tải; nhiều khu dân cư xuống cấp, nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhiều hơn so với các dự báo; đời sống văn hóa tinh thần của người dân hạn chế... Cùng với đó là hàng loạt các vấn đề đô thị khác cũng trở nên thách thức hơn như tệ nạn xã hội, các loại tội phạm, buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề an ninh trật tự, văn hóa xã hội... “Các điểm yếu, những thiếu sót trong quản lý, quy hoạch đô thị đã đến lúc bộc lộ rõ và gay gắt”, ông Thơ nói. Cụ thể là tầm nhìn về kiến trúc một đô thị hiện đại còn nhiều bất cập, thiếu các khu vực dành cho sinh hoạt công cộng như công viên, cây xanh, bãi đỗ xe, trường học, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại... Đồng thời cho biết, “việc khắc phục các thiếu sót này đã trở thành những công việc vô cùng đắt đỏ và khó khăn trong thời điểm hiện nay”.

Theo Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, những thách thức trong sự phát triển mới của thành phố được Đảng bộ và chính quyền nhận thức và đặt ra quyết tâm “xây dựng lại những nền tảng chiến lược phát triển một thành phố hiện đại, trong đó dành ưu tiên cho việc hoạch định, xây dựng lại chiến lược – quy hoạch phát triển”.

Ông Thơ cũng cho biết, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2018 và cả năm 2019 và những năm tiếp theo sẽ bao gồm các công việc quan trọng là tổng kết, đánh giá thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của thành phố về xây dựng, phát triển thành phố. Từ đó thành phố sẽ hoạch định cho mình và kiến nghị Trung ương về các định hướng chủ yếu chính sách, cơ chế và giải pháp phù hợp nhất cho thời kỳ phát triển mới.

(còn nữa)

DOÃN HÙNG