Quý IV -2017, phải tăng trưởng tối thiểu 7,23%

Thứ hai, 14/08/2017 09:16

Rà lại kế hoạch năm 2017 qua 7 tháng thực hiện, đề ra các giải pháp hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là nội dung chủ đạo của cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty sáng 12-8 tại Trụ sở Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần kích cầu tiêu dùng nội địa,
tạo niềm tin thị trường để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quý II vừa qua, GDP tăng đột phá đã nâng mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm của cả nước lên 5,73% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ngành dịch vụ đạt cao nhất từ 2012, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung (2,59 điểm phần trăm), nhất là các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hoạt động kinh doanh bất động sản. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong kỳ nghỉ hè đạt 7,24 triệu khách, tăng 28,8% so với cùng kỳ. Trong khi công nghiệp khai khoáng giảm sâu, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phục hồi tăng 2,65%. CPI bình quân 7 tháng tăng 3,91%, dưới mức Quốc hội giao 4%.

Để đạt kịch bản 6,7%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý III phải đạt tối thiểu mức tăng trưởng GDP 7,23% và quý IV phải đạt 7,57%.  Đây là mức khá cao và là nhiệm vụ rất khó khăn.

Lưu ý về chỉ tiêu xuất khẩu năm 2017, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các bộ, ngành chú ý giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, xu hướng bảo hộ thương mại tại các thị trường Mỹ và Châu Âu. Bên cạnh đó là tăng cường giải ngân ODA để đạt chỉ tiêu 60 ngàn tỷ trong năm nay. Phó Thủ tướng cũng đề nghị tận dụng cơ hội tổ chức sự kiện APEC để thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp vào giá trị GDP của cả nước.

Lắng nghe các ý kiến đưa ra tại buổi làm việc, trong phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quyết tâm chính trị của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty với những cơ sở cụ thể nhằm hướng đến hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 6,7% GDP của năm 2017, nhất là việc các ngành có kế hoạch bù đắp sản lượng đối với những mặt hàng suy giảm để đảm bảo giá trị tăng trưởng chung.  “3 trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, và đặc biệt là 31 sản phẩm chủ lực đều có mức tăng trưởng tốt so với quý I và tháng 7 gần đây”, Thủ tướng nhận định.

Tuy nhiên, khẳng định nhiệm vụ còn rất nặng nề trước diễn biến khó lường của mùa mưa bão và tình hình khu vực và thế giới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan. “Chúng ta nêu một quyết tâm hoàn thành xuất sắc toàn diện 13 chỉ tiêu chủ yếu của Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao cho Chính phủ điều hành. Đây là một quyết tâm cụ thể đến tận bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và người dân”.

Đề cập đến việc để đảm bảo tăng trưởng, Thủ tướng lưu ý cần kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo niềm tin thị trường; tăng cường đầu tư sản xuất kinh doanh; phấn đấu tăng trưởng tín dụng hơn 21%; giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, giảm chi phí doanh nghiệp. Cùng với đó là thúc đẩy mạnh mẽ việc tái cấu trúc lại doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn trong những tháng còn lại của năm 2017.

Thủ tướng chỉ đạo phân bổ các khoản chi khẩn trương hơn trong đó có chương trình biến đổi khí hậu, đẩy mạnh giải ngân tổng mức đầu tư theo kế hoạch; tránh giật cục trong điều hành. Đi liền với đó là nâng cao hiệu quả thu ngân sách và tiết kiệm chi, kể cả các cấp, các ngành, Nhà nước và doanh nghiệp.

Đối với mục tiêu tăng xuất khẩu phải vượt mức 205 tỷ USD của năm 2017 và hiện vẫn còn gần 90 tỷ USD phải cố gắng đạt được từ nay đến cuối năm, để hạn chế nhập siêu, ngoài việc giải quyết vấn đề thủ tục 1 cửa quốc gia, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường xuất khẩu dịch vụ tại chỗ, nhất là du lịch. Phân loại rõ các thị trường, mặt hàng trọng điểm; cải thiện mạnh mẽ về thủ tục để giảm thiểu kiểm tra chuyên ngành xuất khẩu. Có biện pháp giảm nhập khẩu, nhất là những hàng rào kỹ thuật cần thiết, đúng pháp luật, nâng cao chất lượng hàng nội địa thay thế hàng nhập khẩu và quyết liệt phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Q.V

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Thuê tư vấn quốc tế xây dựng phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về chủ trương và phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 để thuê tư vấn chuyên ngành quốc tế nghiên cứu, rà soát, đánh giá việc sử dụng đất cho ngành hàng không, xây dựng phương án mở rộng và lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch Cảng hàng không, các quy hoạch liên quan tại khu vực Cảng hàng không - sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (cả về phía Bắc và phía Nam, không bị giới hạn về quy hoạch sử dụng đất) nhằm nâng cao công suất khai thác kết cấu hạ tầng, phù hợp với tốc độ phát triển giao thông vận tải hàng không.

Bộ Giao thông Vận tải quyết định việc giao cơ quan chủ trì lập quy hoạch, đơn vị làm chủ đầu tư và chỉ đạo thực hiện việc lựa chọn nhà thầu tư vấn chuyên ngành quốc tế, bảo đảm các yêu cầu về uy tín, năng lực, kinh nghiệm theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật; đồng thời, tiếp thu ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính, quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ đầu tư phát triển của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam để thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương tập trung chỉ đạo, thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin cung cấp, việc đề xuất, lựa chọn nhà thầu tư vấn quốc tế và các quyết định về những vấn đề nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12-2017.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------