Quyền lực CEO facebook đang bị đe dọa

Thứ hai, 13/05/2019 08:12

Mark Zuckerberg là người đồng sáng lập, Giám đốc điều hành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm cổ đông lớn của Facebook, mạng xã hội đông người dùng nhất thế giới. Không ai khác ở Thung lũng Silicon có quyền lực tuyệt đối như vậy đối với một Cty công nghệ khổng lồ. Trong nhiều năm qua, ít ai quan tâm đến vấn đề này, nhưng sau đó, mọi thứ bắt đầu trục trặc.

Ông Mark Zuckerberg phát biểu tại hội nghị các nhà phát triển của Cty. Ảnh: BBC

Ngay bây giờ, tôi biết chúng tôi đã để lại tiếng tăm không tốt về dữ liệu riêng tư, nhưng hãy làm mọi thứ nhẹ nhàng hơn đi”, ông Zuckerberg phát biểu trên sân khấu tại hội nghị hàng năm của các nhà phát triển Cty tại San Jose tuần trước. Ông mỉm cười, không hề lúng túng. Nhưng khán giả không cười vì những bê bối gần đây của Facebook khiến người dùng khó chịu, các chính trị gia sôi sục, các nhà quản lý lo ngại và các nhà đầu tư đứng ngoài cuộc.

Trong vụ bê bối Cambridge Analytica, Facebook khai thác trái phép thông tin cá nhân của hơn 87 triệu người dùng, ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Hiện ngày càng có nhiều lời kêu gọi xem xét liệu ông Zuckerberg có khả năng nắm giữ hiệu quả tất cả các vị trí dưới tên của mình hay không. Và, khi Mỹ bước vào cuộc bầu cử tiếp theo, những mong muốn cứng rắn ở Thung lũng Silicon đã khiến các ứng cử viên tổng thống Mỹ kêu gọi xem xét lại quyền lực tuyệt đối của ông Zuckerberg, dù muốn hay không.

Khoản tiền phạt kỷ lục

Đằng sau cánh cửa đóng kín, Facebook và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đang tiến sâu vào các cuộc đàm phán.

FTC đang lên kế hoạch đưa ra số tiền phạt tiền kỷ lục đối với Facebook. Và Facebook đã nói với các nhà đầu tư vào tuần trước rằng Cty đã chuẩn bị ít nhất 3 tỷ USD để dàn xếp vụ việc. Một câu hỏi được đặt ra là: Cơ quan quản lý có thể yêu cầu Facebook những gì? “Tôi nghĩ rằng Facebook đã liên tục xâm phạm mạnh mẽ quyền riêng tư của người dùng”, ông Ash Ashkan Soltani, Cựu Giám đốc công nghệ tại FTC, cho biết. Ông cảm thấy, Facebook cho rằng đây là một rủi ro cần thiết, có thể chấp nhận được để xây dựng doanh nghiệp một cách nhanh chóng như nó đã làm. “Tôi nghĩ rằng Cty này ưu tiên tăng trưởng bằng mọi giá”, ông Soltani nhận định.

Trước tình cảnh này, FTC chịu áp lực đáng kể trong việc đưa ra một hình phạt đối với Facebook. Ngay cả khi mức phạt cao tới 5 tỷ USD, như Facebook đã nói, thì số tiền này cũng chỉ bằng 1/3 số tiền họ kiếm được trong 3 tháng đầu năm nay.

Không thể “một tay che cả bầu trời”

Theo bài viết trên tờ Washington Post và Politico, chi tiết chính cần chú ý trong phán quyết của FTC, là về sự giám sát bổ sung.

Tờ Politico cho rằng, FTC đang xem xét đưa ra phán quyết yêu cầu Facebook bổ nhiệm một chuyên viên giám sát quyền riêng tư được chính phủ phê duyệt. Chuyên viên này sẽ giám sát các hoạt động của Facebook và xác định xem mạng xã hội này có tuân thủ các yêu cầu của FTC hay không. Tiếp theo là đưa việc giám sát vấn đề tiếp cận dữ liệu riêng tư của Facebook lên mức cao nhất. Một ủy ban giám sát độc lập cũng sẽ được thành lập để “cầm cương” Facebook. Các thành viên ủy ban này có thể bao gồm thành viên hội đồng quản trị Facebook và các chuyên gia. Ủy ban sẽ nhóm họp hàng quý. Tờ báo cũng cho biết, ông Zuckerberg sẽ được chỉ định là cá nhân chịu trách nhiệm áp dụng những thay đổi này, một động thái được đưa ra buộc cá nhân ông phải chịu trách nhiệm khi xảy ra bất kỳ vi phạm nào.

Business Insider nhận định, với việc Facebook phải chấp nhận các điều kiện này, quyền lực của ông Zuckerberg sẽ bị xói mòn nghiêm trọng và tỷ phú 35 tuổi sẽ không thể “một tay che cả bầu trời”. Sẽ có các chuyên viên độc lập giám sát mọi hành động của ông và buộc ông phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai sót.

Cuộc nổi dậy của nhà đầu tư

Ông Zuckerberg cũng đang chịu nhiều áp lực từ các nhà đầu tư của Cty.

Một nhóm các nhà đầu tư đang kêu gọi thay thế ông Zuckerberg bằng một Chủ tịch Hội đồng quản trị độc lập. Cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch mới có thể sẽ thất bại, vì cá nhân ông Zuckerberg kiểm soát phần lớn số phiếu bầu, nhưng những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, đây là động thái nhấn mạnh quan điểm của họ. Ông Jonas Kron của Trillium Asset Management, người đang dẫn đầu động thái này cho rằng, cuộc bỏ phiếu được coi là cơ hội để ông Zuckerberg suy nghĩ về vai trò của mình.

Facebook từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này, ngoài việc cho biết phản ứng chính thức đối với đề xuất của cổ đông. “Chúng tôi tin rằng cấu trúc hội đồng quản trị hiện tại của chúng tôi là vì lợi ích tốt nhất của các cổ đông. Do đó, ban giám đốc của chúng tôi khuyến nghị các cổ đông bỏ phiếu chống lại đề xuất này”, tuyên bố của Facebook cho biết.

AN BÌNH