Quyền... lực
(Cadn.com.vn) - Khi thời gian dần trôi đến hết năm 2013 cũng là lúc vấn đề binh sĩ Mỹ ở lại Afghanistan càng thêm bức thiết. Tuy nhiên, tương lai cho vấn đề này vẫn còn nhiều cái phải lo.
Cho đến nay, cả Washington và Kabul vẫn chưa ký được một thỏa thuận cho phép binh sĩ Mỹ ở lại quốc gia Nam Á này. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân là do chính phủ Kabul vẫn chưa thể nhất trí "quyền miễn trừ" cho binh sĩ Mỹ hoạt động trên lãnh thổ nước mình. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 18-10 khẳng định, bất cứ binh sĩ nào ở lại Afghanistan sau khi các lực lượng chiến đấu quốc tế rút đi vào năm 2014 sẽ vẫn thuộc quyền tài phán của Washington.
Theo vị thủ lĩnh ngoại giao của Nhà Trắng, Mỹ vẫn nhất quyết lập trường phải là chính các tòa án Washington xét xử các binh sĩ Mỹ bị cáo buộc phạm tội ở Afghanistan nếu có. "Đó là những gì đang diễn ra ở mọi nơi khác trên thế giới. Họ có một lựa chọn: Hoặc làm theo những gì đang diễn ra hoặc sẽ không có bất cứ lực lượng nào ở đó dưới bất cứ hình thức nào", ông Kerry khẳng định.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng bác bỏ ý kiến cho rằng, điều này sẽ trao cho binh sĩ Mỹ quyền miễn bị truy tố về pháp lý nếu họ phạm tội. Trong 2 ngày đàm phán ở Kabul hồi tuần trước, hai bên đạt được một thỏa thuận về an ninh.
Tuy nhiên, văn kiện này cần phải được hội đồng trưởng lão của Afghanistan thông qua. Vì vậy, rõ ràng, tuyên bố của ông Kerry là một lời "cảnh báo" gửi đến giới hội đồng trưởng lão của Kabul rằng, nếu không có quân đội Mỹ, Afghanistan sẽ rất khốn đốn (hiện, Afghanistan đang hứng chịu làn sóng bạo lực sắc tộc tồi tệ nhất kể từ năm 2008).
Washington mong muốn các thỏa thuận an ninh được ký kết trong tuần này, cho phép liên minh quân sự NATO lên kế hoạch rút 87.000 quân chiến đấu khỏi Afghanistan vào tháng 12-2014. Một thỏa thuận an ninh của Mỹ tương tự với Afghanistan trong năm 2011 đã sụp đổ vì vấn đề miễn trừ truy tố cho binh sĩ Mỹ.
Thanh Văn