Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cấp sơ thẩm là có căn cứ
(Cadn.com.vn) - Vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Hương Giang (1971, trú 89/9- Phạm Văn Nghị, Đà Nẵng) với bị đơn là ông Trần Văn Danh (1967) và bà Cao Thị Tú (1981, cùng trú số 447- Nguyễn Lương Bằng, Đà Nẵng) đã qua cấp xét xử phúc thẩm nhưng xung quanh vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng liệu có sự "bắt tay" để thực hiện hành vi tẩu tán tài sản?
Nội dung vụ án như sau: Vợ chồng ông Danh, bà Tú nhiều lần vay mượn tiền của bà Giang, gồm tiền gốc và lãi lên đến 550.169.425 đồng. Tại Bản án sơ thẩm số 33/2014/DS-ST ngày 15-12-2014, TAND Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng) tuyên buộc vợ chồng ông Danh có nghĩa vụ trả cho bà Giang số tiền nêu trên. Để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bà Giang đã có đơn yêu cầu TA áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời đối với tài sản của vợ chồng ông Danh, bà Tú.
Ngày 21-4-2014, TAND Q. Liên Chiểu có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) về việc phong tỏa tài sản (thửa đất số 124, tờ bản đồ số 26 và tài sản gắn liền trên đất tại số 447- Nguyễn Lương Bằng) của người có nghĩa vụ là ông Danh, bà Tú. Đến ngày 30-12-2014, vợ chồng ông Danh đã có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Qua xem xét toàn bộ vụ án, Tòa cấp phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của ông Danh và Tú và sửa bản án sơ thẩm số tiền vay còn 485.057.500 đồng gồm gốc và lãi.
Điều đáng nói ở đây, vụ án dân sự tưởng chừng như đã được giải quyết thì xuất hiện những vấn đề mâu thuẫn nhau. Thứ nhất, quá trình tố tụng, bà Giang có đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT và sau khi ban hành quyết định áp dụng BPKCTT, tòa cấp sơ thẩm đã tống đạt quyết định cho các đương sự, kể cả Ngân hàng TMCP Quân đội- Chi nhánh Đà Nẵng (MB Đà Nẵng) với tư cách là người có liên quan.
Các đương sự tại phiên tòa xét xử cấp phúc thẩm. |
Tại Công văn số 882/TB-MB-ĐNA ngày 12-8-2014, do ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc chi nhánh MB Đà Nẵng, xác nhận: "MB Đà Nẵng đã thực hiện giải chấp tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn Danh và bà Cao Thị Tú... MB Đà Nẵng đã thực hiện đầy đủ các thủ tục bàn giao và đăng ký xóa thế chấp... Giấy chứng nhận QSD đất số AN820919 do UBND Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng) cấp ngày 10-11-2008 đã được giao lại cho vợ chồng ông Danh bà Tú và đã có biên bản giao nhận có chữ ký của bà Tú ngày 10-2-2014. Do đó, hiện tại MB Đà Nẵng không có quyền, nghĩa vụ nào phát sinh đối với tài sản này".
Như vậy, khi áp dụng BPKCTT nhà đất bị áp dụng BPKCTT không liên quan đến MB Đà Nẵng. Sau khi được ngân hàng giải chấp, trả lại Giấy chứng nhận QSD đất, ông Danh bà Tú có tiến hành xóa chấp tại Văn phòng Đăng ký QSD nơi có bất động sản hay không, chỉ là thủ tục hành chính nhưng không có nghĩa là tài sản thế chấp vẫn thuộc ngân hàng.
Điều khó hiểu ở đây, ở cùng một vụ án, cấp sơ thẩm tống đạt quyết định và được MB Đà Nẵng trả lời như trên nhưng cũng vụ án này đến cấp phúc thẩm, ngày 23-4-2015, MB Đà Nẵng lại có công văn cũng do ông Nguyễn Văn Đông ký lại yêu cầu đưa MB Đà Nẵng vào tham gia tố tụng với tư cách người liên quan đồng thời yêu cầu hủy quyết định áp dụng BPKCTT đối với tài sản trên (?).
Đối với việc chuyển nhượng nhà đất giữa ông Danh, bà Tú với ông Nguyễn Văn Thiện, bà Trần Thị Tám thể hiện tại Hợp đồng chuyển nhượng lập ngày 31-12-2013 nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Không chỉ vậy, hợp đồng lập ngày 31-12-2013 nhưng nội dung của hợp đồng thể hiện ngày 23-1-2014 và ngày 24-1-2014 ông Thiện bà Tám mới hoàn thành việc chuyển tiền cho ngân hàng (?). Căn cứ các quy định pháp luật, tài sản chuyển quyền sở hữu kể từ khi bên nhận chuyển nhượng, đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan có thẩm quyền nhưng giữa ông Thiện, bà Tám và ông Danh bà Tú chưa thực hiện theo quy định do đó tài sản khi áp dụng BPKCTT vẫn thuộc quyền sở hữu của ông Danh bà Tú.
Như vậy có thể thấy rằng, suốt quá trình áp dụng BPKCTT đến thời điểm xét xử phúc thẩm, tài sản này vẫn thuộc sở hữu của ông Danh bà Tú không liên quan đến ngân hàng MB Đà Nẵng cũng như không liên quan đến ông Thiện bà Tám. Quyết định áp dụng BPKCTT không gây thiệt hại quyền lợi cho MB Đà Nẵng cũng như ông Thiện bà Tám và quyết định này chỉ là biện pháp để đảm bảo thi hành án. Vì vậy, khẳng định rằng cấp sơ thẩm ban hành Quyết định áp dụng BPKCTT để phong tỏa tài sản của ông Danh, bà Tú đối với thửa đất số 124, tờ bản đồ số 26 và tài sản gắn liền với đất tại số 447-Nguyễn Lương Bằng là có căn cứ.
Trang Trần