Quyết liệt, thần tốc kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tác động mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Thứ ba, 25/05/2021 06:55

Năm 2020 và những tháng đầu năm nay, TP Đà Nẵng phải đối mặt muôn vàn khó khăn khi hứng chịu 3 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19. Trong sóng gió, cả hệ thống chính trị và người dân Đà Nẵng cùng đồng lòng, quyết tâm thực hiện hàng loạt giải pháp quyết liệt, thần tốc vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa tạo điều kiện duy trì, phát triển tốt nhất có thể các hoạt động kinh tế, xã hội nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân. Trả lời phỏng vấn Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ông Lê Quang Nam - Phó chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng BCĐ Phòng chống COVID-19 TP Đà Nẵng đã có những trao đổi xung quanh cuộc chiến không ngừng nghỉ vượt qua khó khăn, thách thức của thành phố trong giai đoạn này.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam.

 P.V: Thưa ông, mặc dù trải qua 2 đợt dịch bệnh COVID-19 với nhiều kinh nghiệm về phòng, chống, nhưng khi phải đối diện với đợt bùng phát dịch thứ 3 Đà Nẵng vẫn có những khó khăn nhất định. Ông có thể cho biết nguyên nhân và sự chủ động ứng phó của thành phố trong công tác phòng chống dịch bệnh?

Ông Lê Quang Nam: Đà Nẵng là trung tâm phát triển du lịch, đầu tư, văn hóa, xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên, thu hút số lượng lớn người lao động, khách du lịch, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhưng đây cũng là “điểm đến” của những đối tượng nhập cảnh trái phép với nhiều mục đích khác nhau (tình trạng chung của một số địa phương cả nước) nên nguy cơ lây lan dịch bệnh tại Đà Nẵng luôn tiềm ẩn. Thực tế từ ngày 28-8-2020 đến ngày 2-5-2021, thành phố Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc COVID-19 lây lan tại cộng đồng. Nhưng qua kiểm soát tại các cơ sở y tế, ngày 3-5-2021 thành phố đã phát hiện ca bệnh đầu tiên và qua khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm diện rộng, đến ngày 23-5 đã ghi nhận 151 bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn.

Đúc rút kinh nghiệm từ trước, Đà Nẵng đã và đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm thần tốc và rất khoa học. Ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, toàn hệ thống chính trị với sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Bước đầu đã kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn thành phố (hơn 91% các ca mắc mới đã được cách ly). Đến nay, thành phố đã làm chủ được tình hình bằng các quyết định đúng lúc, kịp thời, hợp lý về biện pháp phòng, chống dịch. Đà Nẵng chủ trương không cực đoan cách ly toàn xã hội một lúc, hay thực hiện nguyên 1 trạng thái phòng, chống dịch mà tùy thuộc vào diễn biến của dịch để ra các biện pháp vừa phòng, chống dịch tốt, vừa không làm biến động đột ngột hoạt động kinh tế, xã hội của người dân; đồng thời cũng phân bổ được lực lượng, nguồn lực cần thiết cho chuẩn bị công tác bầu cử.

Công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm đã và đang được các cấp, các ngành tiếp tục triển khai một cách quyết liệt, thần tốc để cách ly, xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến bệnh nhân; cung cấp thông tin dịch tễ của bệnh nhân đến các tỉnh, thành phố liên quan để phối hợp trong công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Cụ thể: khi phát hiện ca bệnh đầu tiên và các bệnh nhân liên quan đến bar Phương Đông, đã truy vết, cách ly, xét nghiệm 357 F1, 1.292 F2, thực hiện 13.474 xét nghiệm; khi phát hiện trường hợp các bệnh nhân liên quan đến thẩm mỹ viện Amida đã tiến hành truy vết, cách ly, xét nghiệm 1.032 F1, 3.001 F2. Đến nay, thành phố Đà Nẵng tiến hành xét nghiệm cho 197.224 trường hợp.

 P.V: Theo ông, để chủ động kiểm soát hiệu quả, tiến tới ngăn ngừa, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lây lan trong cộng đồng trong thời gian đến, Đà Nẵng cần triển khai quyết liệt những giải pháp nào?

 Ông Lê Quang Nam: Trong giai đoạn hiện nay, cả hệ thống chính trị, từng người dân thành phố phải tiếp tục triển khai quyết liệt, đầy đủ, chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND thành phố; nhất là thực hiện tốt 5 chiến lược kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế: ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, chủ động phát hiện sớm (giám sát chủ động, giám sát phát hiện sớm thông qua xét nghiệm), truy vết thần tốc, cách ly và khoanh vùng khẩn trương, điều trị hiệu quả; thực hiện tuyên truyền, vận động, yêu cầu và có biện pháp kiểm tra, giám sát... Đặc biệt, cần phát huy cao tinh thần đồng thuận chấp hành, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về 5K, các biện pháp giãn cách xã hội của thành phố đã ban hành, nhất là trong khai báo y tế, tiếp xúc gần. Tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ công tác kiểm soát, phòng, chống dịch; tích cực, khẩn trương nâng cao năng lực công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng, vận chuyển, cách ly các trường hợp bệnh nhân F1, F2 và các trường hợp liên quan khác trên địa bàn. Đặc biệt là công tác điều tra, truy vết, không để đối tượng nguy cơ chưa được cách ly, xét nghiệm kịp thời. Cải thiện, nâng cao các phương pháp, quy trình, cách thức để đẩy mạnh tốc độ nhập số liệu, lấy mẫu xét nghiệm, gửi mẫu xét nghiệm, trả lời kết quả xét nghiệm. Rà soát, giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn và các trường hợp đến từ các địa phương có dịch để kịp thời cách ly, xét nghiệm, áp dụng các biện pháp can thiệp y tế phù hợp. Quyết liệt kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp như thành lập ngay các “Tổ An toàn COVID-19”, để tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc theo quy định của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo thành phố Đà Nẵng. Tăng cường các biện pháp truyền thông cho người dân tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19, tuân thủ nguyên tắc 5K, khai báo y tế; kịp thời cung cấp thông tin để lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ; truy vết, cách ly các trường hợp có dịch tễ nguy cơ cao. Tích cực huy động các nguồn lực Nhà nước và tư nhân tìm kiếm nguồn vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và hướng đến tiêm chủng diện rộng cho người dân thành phố.

Cơ quan chức năng tiến hành xét nghiệm, truy vết ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

 P.V: Ba đợt dịch bùng phát đã tác động không nhỏ đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung và đời sống doanh nghiệp, người dân nói riêng. Thành phố có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn trong và sau đợt dịch này như thế nào?

Ông Lê Quang Nam: Đợt dịch bệnh COVID-19 lần này bùng phát vào đầu tháng 5-2021, hiện nay các ngành đang thực hiện việc khảo sát, đánh giá và rà soát các số liệu. Tiếp nối những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra năm 2020, dịch bệnh lần này ảnh hưởng tiêu cực đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021, đặc biệt là đối với các lĩnh vực: du lịch, công nghiệp, thương mại, vận tải, thu chi ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm...

Để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021, ổn định đời sống nhân dân, Thành ủy, UBND TP và các ngành chức năng xây dựng, ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn trong và sau đợt dịch. Quan điểm xuyên suốt là tạo mọi điều kiện tối đa để giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi và duy trì, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; nhất là đảm bảo khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tránh làm gián đoạn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong suốt thời gian xảy ra dịch COVID-19.

Đối với hoạt động doanh nghiệp, thành phố ký ban hành thực hiện nhiều Quyết định, Nghị quyết để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các chính sách khuyến khích xã hội hóa và hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ đăng ký kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp về các lĩnh vực lao động, công nghiệp, nông nghiệp... Đặc biệt, về hỗ trợ lãi suất, vay vốn: Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô tương đối lớn và liên tục để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Cụ thể: lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên trong đó có cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay tối đa ở mức 4,5%/năm. Thành phố đã đề nghị NHNN Việt Nam và NHNN chi nhánh thành phố Đà Nẵng thường xuyên kiểm tra, giám sát, yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai giải pháp hỗ trợ đến toàn bộ doanh nghiệp, phổ biến rộng rãi đến toàn bộ doanh nghiệp và đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả theo 2 Thông tư nêu trên. Ngân hàng Chính sách xã hội và Bảo hiểm xã hội thành phố đang thực hiện việc cho vay hỗ trợ doanh nghiệp trả lương ngừng việc cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cục Thuế thành phố cũng hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân thụ hưởng các chính sách như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm các loại phí, lệ phí, thuế; ban hành danh mục các lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025.

Đối với người dân, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, một số cơ chế chính sách để hỗ trợ bổ sung đối với các nhóm đối tượng đặc thù của thành phố. Cụ thể, từ tháng 4-2020 đến tháng 6-2020 (đợt 1): hỗ trợ 153.595 lượt người, với tổng kinh phí hơn 160 tỷ đồng. Từ tháng 8-2020 đến tháng 9-2020 (đợt 2): hỗ trợ cho 160.006 lượt người, với tổng kinh phí hơn 132 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2020, Sở Công Thương đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện tổng cộng hơn 230 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; tham mưu UBND thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ miễn, giảm 2 tháng tiền sử dụng diện tích bán hàng và các dịch vụ khác tại chợ do giãn cách xã hội cho tiểu thương trong thời gian dịch bệnh diễn ra tại thành phố với tổng kinh phí là 5,86 tỷ đồng...

P.V: Xin cảm ơn ông!

QUANG HUY (thực hiện)