Quyết “nhổ cỏ tận gốc”
(Cadn.com.vn) - Chính phủ Iraq hôm 19-6 đã xác nhận thông báo về một chiến thắng quan trọng trước tổ chức Hồi giáo cực đoan IS tại thành phố Fallujah, sau khi quân đội nước này được Mỹ hỗ trợ đã tiến công thần tốc về trung tâm thành phố và chiếm lại được trụ sở chính quyền.
Dù chưa giành lại được quyền kiểm soát hoàn toàn nhưng đây là động thái tượng trưng cho sự kiểm soát toàn bộ thành phố này của chính quyền Baghdad. Hiện các lực lượng Iraq đang tiếp tục truy quét phiến quân thánh chiến cố thủ ở những khu vực khác và được cho là sẽ sớm giành chiến thắng hoàn toàn.
Chiến thắng ở Fallujah là “quả ngọt” sau 25 ngày quân đội Iraq phát động cuộc chiến giành lại thành trì bị IS chiếm giữ lâu nhất này (IS chiếm nơi này từ tháng 1-2014). Rõ ràng, nhóm IS đã nhận đòn giáng nặng nề khi các lực lượng Iraq chiếm được hầu hết Fallujah, một trong hai thành trì cuối cùng của nhóm cực đoan này ở Iraq. Chiến thắng quan trọng sẽ giúp đoàn kết các phe phái Iraq đang bị phân chia rộng rãi khi họ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị không có dấu hiệu kết thúc.
Tuy nhiên, vẫn còn chặng đường dài và những trận đánh khốc liệt chờ đợi quân đội non trẻ của Iraq ở phía trước để có thể “tiêu diệt tận gốc” nhóm cực đoan này. Fallujah, cách thủ đô Baghdad khoảng 50km về phía tây và là pháo đài của các nhóm nổi dậy chống chính phủ sau năm 2003, là một trong những thành phố lớn đầu tiên ở Iraq rơi vào tay IS vào tháng 1-2014. Kể từ đó đến nay, nơi đây là một cơ sở quan trọng để IS khởi động các cuộc tấn công chết người ở Baghdad.
Về mặt chiến lược, sự thành công của quân đội Iraq tại Fallujah lần này giúp họ đẩy nhóm cực đoan này ra xa thủ đô Baghdad hơn nữa. Về mặt thực tế, việc giải phóng thành trì này cũng đồng nghĩa với việc IS mất đi một vị trí có ảnh hưởng lớn ở trung tâm Iraq, vốn cho phép các chiến binh thánh chiến làm bệ phóng tiến vào các khu vực phía bắc và phía nam của đất nước từ biên giới Iraq-Syria.
Hơn nữa, việc giành lại được Fallujah cũng được xem cú đánh mạnh đối với IS do vị trí biểu tượng của thành phố này, đó là trung tâm của sự kháng cự của nhóm cực đoan này với liên quân do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, việc giành lại được Fallujah sẽ không có nghĩa là đặt dấu chấm hết cho sự hiện diện của IS, khi thành phố lớn thứ hai Mosul, cũng như các sa mạc rộng lớn ở miền tây và tây bắc của đất nước, vẫn còn trong tầm kiểm soát của nhóm cực đoan này. Các trận chiến ở tỉnh Anbar vẫn sẽ tiếp tục khi các chiến binh có khả năng sẽ di dời thành trì đến sa mạc rộng lớn, nơi mà các lực lượng chính phủ không thể kiểm soát.
Thách thức hơn nữa là cần có câu trả lời cho câu hỏi, liệu chiến thắng mới nhất hoàn toàn có thể giải quyết những khác biệt chính trị đang làm tê liệt công cuộc cải cách của chính phủ, khi đất nước đang phải vật lộn để chiến đấu IS trong khu vực phía bắc và phía tây. Trong những tháng gần đây, Iraq chứng kiến loạt các cuộc biểu tình và sự hỗn loạn nổ ra chống tham nhũng trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang phải từng ngày giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế do giá dầu sụt giảm.
Thanh Văn