Ra trận cùng bóng hình của mẹ

Thứ sáu, 20/10/2017 09:00

Thiếu tướng AHLLVTND Nguyễn Văn Trí, nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ), nguyên Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Quốc phòng), đại biểu Quốc hội khóa IX và X, sinh ra ở làng Giáng La, Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam. Suốt những năm tháng chiến đấu, dù ở đâu, ông cũng luôn mang theo hình bóng người mẹ quê hương ra trận.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí (thứ 2 từ phải sang) cùng các CCB tham gia giữ Thành cổ Quảng Trị.   

Mới 6 tuổi, Nguyễn Văn Trà (tên “cúng cơm” của Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí) đã xót xa chứng kiến cha mình qua đời vì ngã bệnh không có thuốc chữa khi Tây càn quét. Đứa em gái út cũng mất trong thiếu thốn. Những lần tản cư chạy Tây lên Vinh Huy, Tý-Sé cứ tiếp diễn, cho đến một ngày thân thể bé bỏng, thiếu dinh dưỡng của Trà không còn bước được nữa vì những cơn sốt rét hành hạ. Trà nói với mẹ là bà Trần Thị Ca: “Mẹ đưa anh Hai chạy đi, kẻo không kịp. Con còn nhỏ chúng không làm gì đâu”. Người mẹ ngần ngừ, gạt nước mắt chạy theo đoàn người. Bọn Tây vào làng, đi đến đâu bắn giết, hãm hiếp đến đó, không chừa một thủ đoạn tàn ác nào. Chúng ập vào, thấy Trà đang lên cơn sốt phủ manh chiếu rách, bèn giật mạnh làm thân thể cậu rơi bịch xuống đất. Thấy một đứa bé gầy trơ xương đang sốt run, bọn chúng bỏ đi, tiếp tục đốt phá các nhà khác. Đây chính là mối căm thù sâu sắc nhất để Trà sau này cầm súng đánh đuổi quân xâm lược. Có lẽ khi nỗi đau lên đến tận cùng thì cơ thể tạo ra sức mạnh. Từ hôm đó, Trà bỗng hết sốt và và phục hồi rất nhanh làm không chỉ mẹ Trà mà hàng xóm cũng vô cùng ngạc nhiên bởi cậu bé lâu nay vốn quặt quẹo.

10 tuổi, Trà bám theo các chú, các anh du kích học đánh giặc, làm địch vận. Ban đêm hát bài chòi kêu gọi binh lính địch quay súng. Bà Ca thì đi buôn lấy tiền mua thuốc men, lương thực tiếp tế cho vùng giải phóng. Sau này khi Mỹ- Diệm đàn áp, gia đình bà tiếp tục là nơi nuôi giấu bảo vệ cán bộ của Tỉnh ủy, Huyện ủy. Trà mới 15 tuổi đã biết đóng giả kết giao với ác ôn để đằng mình trừ khử những tên này. Rồi bọn địch cũng đánh hơi cậu bé Trà và mẹ làm cách mạng. Đó là khi chúng khui hầm bí mật chứa đầy súng cách nhà Trà hơn 100 m, lập tức vây đến bắt. Người mẹ nghe tin tất tả đi tìm người báo cho con trai đang làm hợp pháp ở xưởng gỗ. Nhờ thông minh, lanh trí, Trà thoát khỏi vòng vây khép chặt. Tối hôm đó, sau khi lòng vòng trốn địch, Trà về, mẹ mừng quá ôm cậu vào lòng. “Con đã lộ rồi, phải đi thôi. Anh con đã đi bộ đội, nay con cũng xa nhà, con xin gửi mẹ cho bà con chăm sóc giúp”. Mọi người ai cũng khóc trước lời nói của Trà. Sau này thiếu bàn tay vun vén của mẹ, thiếu bát bắp hạt do mẹ nấu hay bữa cơm có bông bí luộc chấm với mắm cái mẹ làm rất ngon nhưng được sống trong đùm bọc của nhân dân, Trà càng thêm quý những ngày ở bên mẹ hiền.

Từ hoạt động ở địa phương, Nguyễn Văn Trà đăng ký tòng quân vào đơn vị Đ.62 Quảng Đà rồi sau đó đầu quân vào Tiểu đoàn R20 ngày đầu thành lập và đổi tên là Nguyễn Văn Trí. Mang theo hình bóng mẹ suốt cuộc trường chinh, qua những Gò Hà (Đà Nẵng), Gò Nổi, vùng B Đại Lộc, biền dâu Xuyên Thanh (Duy Xuyên), đến đâu ông cũng lập chiến công. Sự thông minh của cậu bé làng Giáng La năm xưa và người chỉ huy quyết đoán trong những trận chiến sau này đã làm nên tên tuổi người anh hùng. Đặc biệt ở trận Xuyên Thanh, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Văn Trí, ngày 27-1-1967, Đại đội 1 với vai trò chủ công đã loại khỏi vòng chiến đấu Tiểu đoàn 2 thủy quân lục chiến Mỹ. Đây là trận đánh làm lẫy lừng uy danh R20. Từ chiến sĩ lên đến Tiểu đoàn trưởng R20, dấu ấn ông để lại mỗi trận đánh đó là “còn một người còn chiến đấu”, biết “chuyển bại thành thắng” trong bất cứ tình huống nào.

Năm 1968, trên đường hành quân đánh căn cứ biệt kích Mỹ đóng ở núi Non Nước, Tiểu đoàn trưởng Trí nhận hung tin mẹ bị quân Mỹ càn quét vào làng và bắn chết. Trái tim ông ngỡ như không đập được nữa vì đau đớn. Nếu như không có chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Văn Thông ôm lấy ông và cho lệnh dừng chân 10 phút để chia sẻ thì gần như ông không chịu nổi. Ông lau nước mắt nói thầm với mẹ: “Mẹ ơi, con đi chiến đấu để báo hiếu với nhân dân, với mẹ. Nay mẹ đi rồi, trả ơn mẹ sinh thành, trước linh hồn mẹ, con nguyện hiến đời mình cho Đảng, cho Tổ quốc”. Trận đánh thắng lợi, đơn vị trở về, buổi trưa, trên đường qua Điện Thọ, Nguyễn Văn Trí cải trang thành phụ nữ đội nón lá ra thắp hương cho mẹ, bất ngờ pháo từ La Nghi bắn đến cấp tập. Ông nằm ôm mộ mẹ, tưởng đã dính pháo địch nhưng may mắn thoát chết. Được lệnh ra Bắc đi học, nhưng chưa ra khỏi Hòn Tàu thì cả đoàn 5 người bị bom B52 vùi dập, chỉ còn hai. Không chỉ trận này, mà rất nhiều lần ông luôn thoát chết ngoạn mục. Ông bảo, có lẽ đó là nhờ mẹ luôn che chở và bảo vệ ông. Không đi ra Bắc nữa, ông ở lại Nam chiến đấu, làm Trung đoàn phó Trung đoàn 36, Trung đoàn phó Trung đoàn 141, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 với nhiều chiến công dồn dập, góp phần đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Nhớ nhất là trận đánh chi khu Vĩnh Điện, khi ông là Trung đoàn phó Trung đoàn 36. Về lại quê hương Điện Thọ khi mẹ mất đã giáp năm, ông thắp hương và khấn trước nấm mồ mẹ nằm trên ruộng của đất làng: “Mẹ linh thiêng nâng bước con đi. Trận đánh này con xin dâng chiến công lên mẹ”. Hôm đó, đơn vị ông đã diệt 3 đại đội bảo an và dân vệ, lui quân trong niềm hân hoan của bà con trong vùng.

Trên bước đường hành quân, may mắn ông gặp lại anh mình, cũng là người thân duy nhất còn lại. Đó là cuối  năm 1971, khi ông là Trung đoàn  trưởng Trung đoàn 38. Trong đêm tĩnh mịch của chiến trường, đoàn cán bộ treo võng ngủ qua đêm ở một cánh rừng trên cung đường giao liên. Có hai người trước, sau treo võng ở một thân cây. Hai đầu võng nối nhau, tình cờ hỏi thăm quê quán và hai anh em Thà và Trà (Trí) nhận ra nhau. Cuộc hội ngộ bất ngờ sau 10 năm  làm cả hai nghẹn ngào. Họ nói về mẹ với bao cảm xúc bồi hồi, lòng nhớ thương da diết. Sau ngày quê hương giải phóng, cả hai anh em đã ra thăm mộ cha, mẹ, rưng rưng nhớ về những ngày chạy giặc Tây, mẹ nhịn đói nhường cơm cho hai anh em đang sức lớn...

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí nói rằng, ông luôn mơ thấy mẹ trong vóc dáng những người mẹ quê hương đã đùm bọc ông và đồng đội trong những ngày khó khăn, ác liệt nhất, càng thấy chiến công của mình nhỏ nhoi so với sự hy sinh to lớn của đồng bào. Sau này khi có điều kiện, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí và gia đình đã dành dụm tặng nhà tình thương, tình nghĩa cho bà con các huyện Điện Bàn, Đại Lộc. Ơn nghĩa ấy, theo ông mãi mãi.

 HỒNG VÂN