Rắc rối quanh cái chết của Tổng thống Uzbekistan
(Cadn.com.vn) - Cố Tổng thống Uzbekistan, Islam Karimov, qua đời do đột qụy hôm 2-9, song còn đó nhiều câu hỏi xung quanh cái chết của ông, về nhà lãnh đạo tương lai và hướng đi của đất nước.
Qua đời khi nào?
Thông báo đầu tiên của nội các về cái chết của ông Karimov xuất hiện ngay sau tuyên bố chính thức của bệnh viện vào ngày 28-8 song không nêu chi tiết về bệnh tật của ông. Ngày 29-8, trang web độc lập Fergananews đăng tải thông báo đầu tiên về cái chết của Tổng thống Karimov, cho biết ông qua đời khoảng 15-16 giờ (giờ địa phương) ngày 29-8. Tuy nhiên, các nguồn tin giấu tên của chính quyền tổng thống và nguồn tin thân cận với gia đình ông Karimov bác bỏ thông tin này. Trước khi chính phủ chính thức thông báo ông Karimov qua đời vào tối 2-9, một số nhà lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi lời chia buồn tới Uzbekistan. Báo cáo y tế chi tiết về bệnh tình của ông Karimov cũng được phát trên đài truyền hình nhà nước tối 2-9 sau thông báo chính thức.
Đấu tranh giành quyền lực
Theo các nhà phân tích, Uzbekistan kéo dài thời gian thông báo cái chết của Tổng thống nhằm ngăn chặn một cuộc đảo chính có thể xảy ra. Một số người cho rằng, các quan chức Uzbekistan chưa bao giờ gặp phải tình huống như vậy nên không kịp chuẩn bị và không biết cách đối phó với cái chết bất ngờ của Tổng thống. Một cựu thành viên của chính quyền Karimov nói với BBC rằng, các nhóm đấu tranh giành quyền lực muốn có một thỏa thuận rõ ràng về người kế nhiệm trước khi chính thức tuyên bố Tổng thống qua đời.
Uzbekistan chính thức tuyên bố ông Karimov (ảnh nhỏ) qua đời hôm 2-9. Ảnh: BBC |
Ai kế nhiệm?
Theo hiến pháp Uzbekistan, nếu tổng thống qua đời hoặc không thể thực hiện nhiệm vụ, quyền lực tạm thời được trao cho người đứng đầu Thượng viện cho đến khi tổ chức bầu cử trong vòng 3 tháng.
Các quan chức Uzbekistan vẫn chưa chính thức công bố quyền tổng thống hoặc thời điểm tổ chức bầu cử, song điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn tới “người đứng đầu Thượng viện kiêm Tổng thống lâm thời Nigmatilla Yuldoshev”. Tuy nhiên, ông Yuldoshev, cựu Bộ trưởng Tư pháp, được cho là không thể nắm quyền.
Thủ tướng Shavkat Mirziyoyev và phó thủ tướng thứ nhất Rustam Azimov từ lâu được cho là có khả năng thay thế ông Karimov. Ông Mirziyoyev, 59 tuổi, là thủ tướng nắm quyền lâu nhất Uzbekistan. Ông được cho là có liên kết chặt chẽ với các chính trị gia hàng đầu của Nga và là người phụ trách ngành nông nghiệp trọng điểm của đất nước. Ông thân thiết với ông Putin khi nhà lãnh đạo Nga là thủ tướng giai đoạn 2007-2011.
Trong khi đó, nhiều người tin rằng, khi Uzbekistan bước vào thời kỳ hậu Karimov, quyền lực thực sự nằm trong tay Rustam Inoyatov, người đứng đầu Cơ quan an ninh SNB. Tài liệu ngoại giao của Mỹ bị rò rỉ năm 2008 mô tả, ông là “người gác cổng chính cho Tổng thống Karimov”. Một nhân vật quan trọng khác trong chính quyền tổng thống là ông Zelimkon Haydarov cũng có khả năng kế nhiệm.
Quan hệ quốc tế
Cho đến nay, chính phủ Uzbekistan chưa đưa ra phát biểu quan trọng nào về chính sách đối ngoại trong tương lai.
Khi còn lãnh đạo, ông Karimov cố gắng cân bằng giữa lợi ích khu vực của các cường quốc lớn và chống lại những nỗ lực của Nga nhằm đưa Uzbekistan vào các khối kinh tế và an ninh của Moscow.
An Bình
(Theo BBC)