Ráo riết “săn lùng” bất động sản ven biển miền Trung

Thứ bảy, 07/12/2019 08:54

Đang có những cuộc săn lùng ráo riết quỹ đất mặt tiền biển, đất nền ven biển từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại duyên hải miền Trung, nơi đang sở hữu nhiều bãi biển đẹp vang danh khắp hành tinh.

Phối cảnh "đại" đô thị Nhơn Hội New City do Công ty Bất động sản Danh Khôi và Tập đoàn Phát Đạt đầu tư, phát triển.

Khan hiếm đất biển

Phó giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Phú Yên ông Nguyễn Xuân Hùng buông thõng một câu khiến người nghe hơi bị… “sốc”: “Chưa khi nào Phú Yên đón nhiều nhà đầu tư đến khảo sát và tìm hiểu đầu tư khu vực ven biển nhiều như thời gian qua. Điều này đã chứng minh mảnh đất này ngày càng hấp dẫn. Dẫu vậy, việc cùng lúc nhiều nhà đầu tư đến đã khiến cho đất biển của Phú Yên rơi vào khan hiếm. Có lần, đưa nhà đầu tư đi nguyên một ngày khảo sát nhưng không tìm ra được mặt bằng”. Trong khi đó, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Trung Trần Ngọc Thành cũng nhìn nhận: “Phú Yên là thị trường mới nổi trong 2-3 năm gần đây, nhiều dự án bất động sản du lịch có thương hiệu đã bắt đầu nhập cuộc và nhanh chóng sở hữu những vị trí đẹp ven biển. Chính vì vậy, việc các nhà đầu tư đến sau bị “việt vị” là điều dễ hiểu. Đồng nghĩa với điều này, giá đất ven biển cũng sẽ tăng ở mức phi mã”. Điều ông Thành nói đã được chứng minh tại các thị trường Đà Nẵng, Nha Trang. Hai địa phương này vốn là thị trường đầy tiềm năng để phát triển du lịch nên quỹ đất cho đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cũng từ đó khan hiếm và tăng vọt thời gian qua. Tại Đà Nẵng, tuyến ven biển Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa nếu 10 năm trước đây, giá đất ven biển nơi cao nhất chỉ chừng 5 triệu đồng/m2 thì nay cũng vị trí này đã tăng lên 250 triệu-350 triệu đồng/m2. Dẫu vậy, không dễ để tiếp cận và sở hữu những vị trí “vàng” ven biển. Trong khi đó tại Nha Trang, giá đất biển khu vực tuyến ven biển Trần Phú và từ Nha Trang đi sân bay Cam Ranh hiện nay cũng đang rơi vào khủng hoảng thiếu. “Nếu có còn, thì giá cũng đã rất cao nên chỉ dành cho những nhà đầu tư nào có nhiều tiền và có kinh nghiệm phát triển, đầu tư dự án”.

Ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time: Thật ra, bất động sản ở các khu đô thị hay bất động sản ở ven biển đều có quy luật phát triển của nó, trong đó điểm chung mà các phân khúc hướng đến là khi nhu cầu ngày càng gia tăng thì giá trị sử dụng, khai thác ngày càng lớn. Và khi cầu lớn hơn cung thì giá tăng cao trở thành quy luật của thị trường.

Bất động sản ven biển trong những năm gần đây có sự phát triển vượt bậc. Điều này cũng dễ hiểu, bởi nhu cầu du lịch của du khách quốc tế lẫn nội địa không ngừng tăng cao, trong đó điểm đến được hầu hết du khách lựa chọn đều là những khu vực có biển đẹp. Như chúng ta đã thấy, hiện nay vào những dịp cuối tuần, ngày lễ, tại các sân bay thường trở nên quá tải với lượng hành khách không chỉ là những người giàu mà ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều đối tượng. Nói điều này để cho thấy rằng, nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng đã trở thành thiết yếu với đại đa số người dân Việt Nam. Vấn đề này, ông Trần Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Việt Nam Thịnh Vượng cho rằng: “Ven biển các địa phương hiện nay gần như không còn quỹ đất của nhà nước sở hữu mà phần lớn đã cấp cho các nhà đầu tư”. Điều này, đúng với thực tế tại các địa phương khi mà các nhà đầu tư đến sau đều phải ngậm ngùi rút lui vì “hoa” đã có chủ. Và, trên đà đi lên của thị trường bất động sản, đến sau không sở hữu được thì bắt tay cùng phát triển để khai thác lĩnh vực đầy tiềm năng và hấp dẫn này.

Những dư địa mới

Trên thực tế cuộc “thâu tóm” dự án đất biển đã diễn ra hơn chục năm trước tại các thành phố có tiềm năng về du lịch ở duyên hải miền Trung. Đầu tiên phải kể đến Nha Trang (Khánh Hòa) sau đó là bùng nổ tại Đà Nẵng, lan vào trung tâm du lịch Quy Nhơn (Bình Định) và nay thì hiệu ứng đó đang trải đều khắp các địa phương miền Trung có tiếp giáp với biển.

Trong khi quỹ đất biển không “sinh sôi” thêm mà các nhà đầu tư ai cũng muốn sở hữu để triển khai các dự án nhằm đón đầu du khách ngày càng gia tăng tại duyên hải miền Trung nên hệ quả là những địa phương nào có dư địa phát triển lớn, tầm nhìn quy hoạch lâu dài sẽ chiếm lĩnh vị thế thượng phong. Đơn cử, Quy Nhơn vốn là đô thị có diện tích hẹp lại bị kẹp bởi phía sau là núi, phía trước là biển. Do vị trí địa lý không thuận lợi nên một thời gian dài Quy Nhơn dù là đô thị loại 2 từ lâu nhưng vẫn không bứt phá ra khỏi vòng kìm tỏa của biển và núi nên định hướng phát triển Quy Nhơn theo đô thị nén đã manh nha từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, càng nén thì Quy Nhơn càng trở nên chật hẹp và bức bối buộc lòng lãnh đạo tỉnh Bình Định phải tìm hướng đi mới.

Một không gian đô thị rộng lớn, dư địa phát triển đô thị và bất động sản đô thị nội đô và đô thị ven biển đã thực sự bùng nổ khi Bình Định xây dựng cầu Nhơn Hội vượt biển tạo liên thông giữa bán đảo Phương Mai nơi có Khu kinh tế Nhơn Hội và thành phố Quy Nhơn. Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực quy hoạch tổng thể, đầu tư các tuyến vành đai kết nối mở rộng không gian đô thị tạo ra dư địa lớn cho các nhà đầu tư. Những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Bình Định đã và đang đưa đô thị Quy Nhơn phát triển lan tỏa theo các hướng khác nhau, nhất là trục Quy Nhơn, An Nhơn, Phù Cát và Hoài Ân. Ở các khu vực này, khi hạ tầng giao thông được đầu tư, thị trường bất động sản đã lập tức sôi động, nhất là ở phân khúc đất nền ven biển. Gần đây, thị trường bất động sản Quy Nhơn đã thực sự dậy sóng khi tỉnh Bình Định tiến hành đấu giá hàng loạt các phân khu thuộc Khu đô thị Nhơn Hội và các dự án này rơi vào tay các nhà đầu tư uy tín: Phát Đạt, Hưng Thịnh, Danh Khôi… Với vai trò là nhà phát triển dự án, Danh Khôi khiến cho thị trường phát sốt khi hàng ngàn sản phẩm đất nền sổ đỏ ven biển vừa công bố đã được nhà đầu tư đón nhận. Theo phân tích của các chuyên gia, đây mới chỉ là câu chuyện khởi đầu cho một xu hướng bùng nổ thật sự của thị trường bất động sản ven biển ở Nhơn Hội   nói riêng và nhiều khu vực khác nói chung.

Để “trải thảm đỏ” thu hút nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước, tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh chiến lược phát triển hạ tầng tại Quy Nhơn với nhiều dự án giao thông đường bộ đang được triển khai thực hiện như tuyến Ngô Mây nối dài, tuyến Quốc lộ 1D, tuyến Quốc lộ 19B. Song song đó, Cảng hàng không Phù Cát, nằm cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 35 km về hướng Tây Bắc đang được nâng cấp mở rộng với công suất thiết kế 1,5 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng để nâng công suất lên 2,4 triệu hành khách/năm. Dự kiến, cảng sẽ mở chuyến bay quốc tế đầu tiên từ sân bay Phù Cát trong tháng 9 tới…

H.M