Rộ tin đảo chính, Tổng tư lệnh quân đội nắm quyền, Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Thứ hai, 01/02/2021 11:00

Rạng sáng 1-2, nhiều nhà lãnh đạo của đảng NLD bị quân đội bắt giữ. Những người bị bắt giữ bao gồm Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều thành viên chủ chốt của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).

Theo các nguồn tin của Reuters, binh sĩ đã được triển khai bên ngoài tòa thị chính ở thành phố lớn nhất Myanmar, Yangon, vào ngày 1-2. Quân đội cũng hiện diện ở thủ đô ở Naypyitaw.

Rạng sáng 1-2, nhiều nhà lãnh đạo của đảng NLD bao gồm Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint đã bị quân đội bắt giữ.

Bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint bị bắt

Trích lời phát ngôn viên Myo Nyunt của NLD, nguồn tin trên cho biết bà Suu Kyi, TT Win Myint và các lãnh đạo đã bị “bắt”. Những nỗ lực tiếp cận các phát ngôn viên của Liên minh trên không thành công, nhiều hãng truyền thông cho rằng thông tin liên lạc ở thủ đô Naypyitaw bị gián đoạn.  Đây là một động thái diễn ra trong bối cảnh lo ngại về một cuộc đảo chính do căng thẳng gia tăng giữa chính phủ dân sự của bà và quân đội hùng mạnh của đất nước.

Binh sĩ và xe quân đội đã được triển khai ngoài tòa thị chính thành phố Yangon.

Sau đó, theo Tân Hoa Xã, Văn phòng Tổng thống Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm. Sắc lệnh này do quyền Tổng thống U Myint Swe (trước đó là phó tổng thống thường trực) ký ban hành. Sắc lệnh xác nhận quyền lực nhà nước sẽ được chuyển giao cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing. Theo đoạn băng được phát trên đài truyền hình thuộc sở hữu của quân đội Myanmar, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing đã lên nắm quyền sau khi quân đội bắt các nhà lãnh đạo chính phủ. Reuters dẫn lời đài truyền hình quân đội Myanmar cho biết việc bắt giữ các nhà lãnh đạo là biện pháp phản ứng trước gian lận bầu cử.  Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ của Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi - từng được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1991 và trở thành Cố vấn nhà nước Myanmar vào năm 2016 - giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm ngoái nhưng đảng Liên minh Đoàn kết và phát triển đối lập dưới sự ủng hộ của quân đội từ chối công nhận kết quả bầu cử vì cho rằng có gian lận.

Quân đội và các phe phái chính trị đã yêu cầu nhà chức trách điều tra các cáo buộc gian lận bỏ phiếu hàng loạt. Ủy ban bầu cử của Myanmar tuần trước cho rằng cuộc bỏ phiếu là minh bạch và công bằng. Các nhà lãnh đạo quân sự đã ám chỉ về việc nắm quyền, tổng tư lệnh tuần trước đã đưa ra ý tưởng thu hồi hiến pháp. Bên cạnh đó, một phát ngôn viên từ chối loại trừ khả năng về cuộc đảo chính. Tuy nhiên, ngày 30-1, quân đội Myanmar cam kết bảo vệ và tuân thủ hiến pháp và hành động theo đúng luật pháp, đồng thời cho rằng, truyền thông hiểu sai lời của Tổng tư lệnh, đại tướng Min Aung Hlaing về khả năng đảo chính. Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và các đại sứ quán phương Tây tại Myanmar bày tỏ quan ngại trước nguy cơ đảo chính tại một quốc gia từng do quân đội nắm quyền trong suốt 49 năm sau cuộc đảo chính năm 1962.

Trạm kiểm soát của cảnh sát Myanmar trước lối vào tòa nhà quốc hội ở Naypyitaw vào ngày 30-1. Ảnh: Reuters

Đài phát thanh truyền hình nhà nước phải ngừng phát sóng

Đài phát thanh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV sáng 1-2 thông báo đang gặp sự cố kỹ thuật nên không thể phát sóng.

Thông tin này đã được xác nhận trên trang Facebook của đài và được đưa ra chỉ vài giờ sau khi đảng cầm quyền NLD tuyên bố Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và một số quan chức cấp cao đã bị quân đội Myanmar bắt giữ. Đầu giờ sáng nay, các cuộc gọi đến thủ đô Naypyitaw cũng không thể kết nối.

T.V