Rộn ràng mùa Nobel

Thứ ba, 07/10/2014 08:26

(Cadn.com.vn) - Mùa Nobel 2014 đang gây nhiều tranh cãi về giải thưởng Nobel Hòa bình có thể được trao cho “kẻ bán đứng” Nhà Trắng Edward Snowden.

Đến hẹn lại lên, tuần lễ trao giải Nobel năm nay (từ ngày 6 đến 13-10) lại rộn ràng ở Thụy Điển và thu hút sự chú ý trên toàn thế giới.

Trong khi tuần Nobel bắt đầu với 3 giải thưởng khoa học - y học, vật lý và hóa học - hầu hết các suy đoán tập trung ở giải Nobel Hòa bình danh giá, vốn lập kỷ lục với 278 đề cử, bao gồm nhân vật gây tranh cãi: cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden.

3 nhà khoa học được tôn vinh ở giải Nobel Y học hôm 6-10, mở màn mùa giải Nobel 2014.  Ảnh: Reuters

Nobel Hòa bình - nhiều tranh cãi

Hồi tháng 1, hai chính trị gia Na Uy đề nghị đưa Snowden vào danh sách đề cử nhận giải Nobel Hòa bình khi cho rằng, việc cựu nhân viên tình báo này tiết lộ các tài liệu mật của Mỹ giúp góp phần làm thế giới yên bình hơn.

Theo Kristian Berg Harpviken, Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình Oslo (PRIO), Snowden là lựa chọn gây tranh cãi bởi nhiều người vẫn xem anh là “kẻ phản bội và tội phạm hình sự”. Tuy nhiên, Nobel luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ. Và tất nhiên 5 thành viên của Ủy ban Nobel Na Uy vẫn có thể chọn Snowden nhằm “nhấn mạnh sự độc lập” dưới sức ép của các nhà chức trách Mỹ và Na Uy.

Đức Giáo Hoàng Francis cũng là lựa chọn gây tranh cãi. “Đức Giáo Hoàng Francis quan tâm đến số phận người nghèo, có công đưa ra cách tiếp cận mới để phát triển và tái cơ cấu kinh tế”, ông Harpviken nhận định. Nhưng nhiều nhà phê bình lập luận, Nobel cho Đức Giáo Hoàng sẽ làm bùng nổ làn sóng phản đối tương tự như việc trao giải thưởng này cho Tổng thống Barack Obama năm 2009 -  chưa đầy 1 năm sau khi ông chủ Nhà Trắng lên nắm quyền.

Người ta cho rằng, Ủy ban Nobel chỉ trao giải cho “tương lai” chứ không phải là bất cứ thành tựu nào mà ông Obama đã làm được vì thời gian lên nhậm chức quá ít. Đức Giáo Hoàng Francis cũng vậy, ông chỉ mới nhậm chức từ tháng 3-2013.

Trong khi các nhà phân tích cho rằng, cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine làm tan biến giấc mơ Nobel Hòa bình cho những ai liên quan, Ủy ban Nobel có thể gây bất ngờ khi tôn vinh Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), (như cách họ làm hồi năm 2013 khi trao giải cho Tổ chức cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW), để có thể “tập trung suy nghĩ của người dân” về cách giải quyết xung đột đang hoành hành ở Ukraine.

Khác với các giải thưởng khác, người được tôn vinh Nobel Hòa bình, sẽ được công bố vào ngày 10-10 tới, đến nhận giải tại Oslo (Na Uy) vào ngày 10-12, ngày mất Alfred Nobel - người sáng lập ra giải thưởng này.

Nobel Y học - Tôn vinh những phát hiện tế bào não bộ

Có thể nói, mùa giải Nobel hằng năm là một trong những dịp hiếm hoi để các nhà khoa học được tỏa sáng.

Ngày 6-10, giải Nobel đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển (RSAS) công bố. Trong đó, 3 nhà khoa học là John O’Keefe - người Anh gốc Mỹ, cùng hai người Na Uy là May-Britt Moser và Edvard Moser trở thành chủ nhân của Giải Nobel Y học nhờ những phát hiện về tế bào cấu tạo hệ thống định vị trong não bộ.

Dự đoán gương mặt sẽ mang về giải Nobel Vật lý là giáo sư Charles Kane và Shoucheng Zhang, người Mỹ và Laurens Molenkamp, người Hà Lan, với nghiên cứu về chất cách điện tôpô, với những tác động thực tế cho máy tính. Giải thưởng về hóa học có thể sẽ thuộc về nhà di truyền học người Thụy Điển Svante Paabo với công trình nghiên cứu về DNA Neanderthal cùng với nhà di truyền học Craig Venter, một trong những người đầu tiên lập bản đồ hệ gen con người.

Với chỉ 4 người con của Châu Phi đoạt giải trong lịch sử Nobel Văn học từ năm 1901, nhà văn người Kenya Ngugi wa Thiong và nhà văn người Algeria Assia Djebar được cho sẽ giúp đánh dấu sự trở lại của văn học Châu Phi tại Nobel năm nay. Giải thưởng kinh tế - vốn do người Mỹ thống trị - sẽ kết thúc một mùa giải Nobel nhiều bất ngờ vào ngày 13-10, trong đó mỗi giải thưởng kèm theo 8 triệu Krona Thụy Điển (1,11 triệu USD).

Khả Anh