Rộn ràng những chuyến biển được mùa

Thứ tư, 13/09/2017 12:48

Có mặt tại cảng cá Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, H. Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), trước mắt chúng tôi là hàng trăm tàu, thuyền vừa cập bến với những khoang thuyền đầy ắp cá, tôm. Vừa trở về từ chuyến đi biển dài ngày ở ngư trường Bạch Long Vỹ, ngư dân Tôn Đức Vinh (thôn Tân Hải, xã Cẩm Nhượng), chủ tàu vỏ thép HT 96719 TS công suất 829CV cho biết: Từ khi hạ thủy (tháng 3-2017) đến nay, tàu đã cho lãi ròng 800 triệu đồng. Riêng chuyến ra khơi đầu tiên trong 5 ngày, tàu đánh bắt được 6 tạ hải sản, thu về 80 triệu đồng. Chuyến này đi 7 ngày thu được gần 1 tấn, chủ yếu là cá thu trồi, với giá bán từ 180.000 đồng/kg.

Thuyền về đầy ắp cá trên cảng cá Cửa Nhượng. 

Mới cập bến chưa đầy một giờ đồng hồ, tất cả số hải sản đánh bắt về tại cảng Cửa Nhượng đã được thương lái thu mua hết. Từ những con tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67/CP, ngư dân Cẩm Nhượng vô cùng phấn khởi, tự tin vươn khơi, ra biển lớn. Tại xã Cẩm Nhượng, việc cải hoán tàu công suất lớn đang được người dân chú trọng. Toàn xã có 248 tàu, thuyền, trong đó có tới 80 tàu công suất từ 90CV trở lên. Từ đầu năm 2017 đến nay, ngư dân Cẩm Nhượng đã đăng ký đóng mới thêm 13 tàu công suất lớn. Ông Nguyễn Sỹ Huyền, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng vui mừng chia sẻ: 8 tháng đầu năm, sản lượng hải sản thu được của toàn xã đạt 2.600 tấn, thu nhập trên 145 tỷ đồng, trong đó tàu xa bờ chiếm khoảng 35%. Riêng sản lượng 6 tháng đầu năm nay bằng của cả năm 2016. Năm nay, xã phấn đấu đạt sản lượng bằng năm 2015, tức là khoảng 3.800 tấn.

Để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, ngày 18-8-2017 UBND xã Cẩm Nhượng đã quyết định thành lập Tổ khai thác hải sản xa bờ Cẩm Nhượng. Tổ có 6 tàu (250 CV trở lên) với 35 lao động, do chủ tàu vỏ thép Tôn Đức Vinh làm tổ trưởng. Tổ hoạt động với mục đích hỗ trợ liên kết sản xuất, tìm kiếm cứu nạn, vừa khai thác hải sản xa bờ, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo, đoàn kết nhau lại để hoạt động chuyên nghiệp hơn. Không riêng Cẩm Nhượng, tại các vùng biển khác của Hà Tĩnh như Nghi Xuân, Lộc Hà, Kỳ Anh, ngư dân đang dần thay đổi thói quen sản xuất. Bằng nguồn tiền đền bù sự cố môi trường biển, ngư dân Trần Thế Cậy (52 tuổi, trú thôn Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng, H. Lộc Hà) và anh trai đã chung vốn đóng tàu 285CV hết 850 triệu đồng thay cho chiếc tàu cũ chỉ 105CV. Ông Cậy cho biết: Với 400 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi tự tin đóng tàu mới với công suất lớn hơn.

Với chiếc tàu to, kiên cố này, chúng tôi không ngại vươn ra ngư trường lớn. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, 8 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác trên biển của tỉnh Hà Tĩnh đạt 16.715 tấn, với tổng giá trị hơn 435,6 tỷ đồng, tăng hơn 168% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 54 tổ đội khai thác hải sản trên biển với tổng số tàu là 295 chiếc, 2 nghiệp đoàn nghề cá và 15 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ. Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Hà Tĩnh đánh giá năm nay thời tiết tương đối thuận lợi cho các đội tàu đánh bắt thủy sản. Nghề khai thác thủy sản tại Hà Tĩnh đã khôi phục trở lại, sản lượng tàu khai thác ven bờ đạt từ 65% - 70%, tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi đạt tỷ lệ từ 85% - 90%. Ngoài việc khai thác ở vùng biển Hà Tĩnh, ngư dân đang vươn ra các ngư trường lớn như vùng biển quanh đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.

H.N