Rộng mở lối về

Thứ sáu, 08/12/2017 08:49

Sau thời gian thụ án tại trại giam vì tội buôn bán trái phép chất ma túy, năm 2012, T.P.K (tổ 48, P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) trở về địa phương. Tưởng như K. sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc, thậm chí một cuộc khủng hoảng về tinh thần. Song, chỉ sau ít ngày có mặt tại địa phương, K. đã được lãnh đạo CAP Hòa Khê, các hội, đoàn thể đến thăm hỏi, động viên và tìm hiểu để tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ. Khi biết K. cần một ít vốn để mở tiệm sửa chữa xe máy, CAP Hòa Khê đã đề xuất với lãnh đạo phường cho K. vay 20 triệu đồng. Với số tiền này, K. tự tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định.

Một buổi gặp mặt, hỗ trợ kinh phí cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng của Chi cục Phòng, chống TNXH TP Đà Nẵng.

N.X.Q (trú tổ 9, P. Hòa Khê) cũng là người từng dính líu đến ma túy. Năm 2016, từ cơ sở cai nghiện tập trung trở về địa phương, Q. được Hội Cựu chiến binh  phường nhận cảm hóa, giúp đỡ, đề xuất UBND phường hỗ trợ 5 triệu đồng. Q. mua máy ép nước mía và mở quầy tạp hóa nhỏ. Sắp tới, nguyện vọng được hỗ trợ vay 20 triệu đồng để mua sắm phương tiện sinh kế của K. sẽ được đáp ứng. Có việc làm, lại cho thu nhập ổn định, đến nay Q. có thể yên tâm với mái ấm gia đình mình và đoạn tuyệt vĩnh viễn với ma túy... 

Đây chỉ là 2 trong tổng số hàng chục người lầm lỗi nhận được sự giáo dục, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể qua 5 năm triển khai mô hình "1 hướng, 2 quản, 3 tự giác" trên địa bàn P. Hòa Khê theo Nghị định 80 của Chính phủ.  Theo Thiếu tá Huỳnh Mến- Trưởng CAP Hòa Khê, từ khi mô hình này ra đời, đến nay trên địa bàn Hòa Khê đã có 114 trong số 119 đối tượng mãn hạn tù, người nghiện sau cai trở về địa phương tiến bộ, có việc làm ổn định, từ bỏ con đường cũ. Cũng theo Thiếu tá Mến, mô hình "1 hướng, 2 quản, 3 tự giác" là một trong những mô hình mang tính thực tiễn và có giá trị nhân văn sâu sắc. Thông qua mô hình này, cả hệ thống chính trị từ phường đến khu dân cư bằng các biện pháp tuyên truyền, vận động, tập hợp những người từng lầm lỗi trở về địa phương, qua đó đối thoại, tư vấn, cảm hóa, giúp đỡ tìm kiếm việc làm để họ ổn định cuộc sống, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tái phạm. "Trở ngại lớn nhất đối với công tác giúp những người lầm lỡ tái hòa nhập là sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng. Với người từng có quá khứ lầm lỡ, họ cần sự bao dung, độ lượng, yêu thương. Và nếu chúng ta dang tay ra đón họ, tất nhiên họ sẽ trở về với chúng ta", Thiếu tá Huỳnh Mến nhìn nhận.

Được biết đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 1 đề án và 13 mô hình, cách làm hay về tái hòa nhập cộng đồng phát huy hiệu quả. Ngoài mô hình "1 hướng, 2 quản, 3 tự giác" của P. Hòa Khê, có thể kể đến các mô hình như "Hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh" của Hội Liên hiệp Phụ nữ P. Khuê Mỹ (Q. Ngũ Hành Sơn); mô hình "2 gặp, 3 biết" của UBND P. Mân Thái (Q. Sơn Trà); mô hình "5+1" của P. Tam Thuận (Q. Thanh Khê)... Từ các mô hình này, xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù và người đặc xá tha tù về địa phương cư trú sớm ổn định cuộc sống, góp phần chống vi phạm pháp luật, tái phạm tội.

D.H