Rong rêu một thuở

Thứ năm, 13/05/2021 19:12

Ngày ấy quê còn nghèo lắm, quanh năm người làng bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Những bờ giậu chè tàu không phải vách ngăn, dây tơ hồng leo đầy quấn quýt như tình làng nghĩa xóm. Lối đi chung là con đường đất đầy hoa cỏ may, dùng chung cái giếng. Giếng luôn đầy nước trong xanh, mát lành tưới tắm cây xanh hơn, tình quê hương khắng khít hơn, ước mơ của tụi nhỏ cũng lớn dần hơn.

Giếng làng một thuở...

Những ngày nắng nóng, trời nung lửa thì giếng nước chỉ vơi đi một ít, những cơn mưa rào bất chợt lại làm đầy giếng. Mặt giếng được lát gạch nung. Buổi chiều rộn rã tiếng cười nói của các bà, các mẹ, các chị, các em kẻ gánh người giặt đồ vui như hội. Cái sân giếng bao giờ cũng ướt nhẹp, rong rêu đầy mép sân.

Có hôm cô tôi ra giếng gánh nước, tránh mẹ đang ngồi giặt đồ nên đi sát mép sân thì là bị vồ ếch ngã sóng soài trong tiếng cười hồn nhiên của mấy đứa bạn. Tôi đã từng ngã vài lần, làm bong tróc cả một mảng rêu lớn, đau lắm nhưng vẫn cố vì sợ mẹ lo, ngày mai chân xước sưng to. Vậy mà chỉ ít bữa rêu lại phủ đầy như không muốn rời xa giếng. Nên những hôm trời mưa ba lại không cho chị em tôi ra giếng, chỉ sợ rong rêu làm đau mấy đứa.

Một buổi sáng nắng đẹp trời trong, lũ bạn lại xúm nhau ra giếng hái rêu để làm gà đá. Tiếng cười giòn tan, vô tư cứ thế theo thời gian. Đám rêu ướt mềm, mát lạnh đã khiến bao nhiêu đứa trẻ trượt chân ngã, trán sưng vêu, áo quần dính đầy rêu. Có hôm lại bị ba la vì không nghe lời, trốn ngủ trưa để ra ngoài giếng chơi cùng lũ bạn, đuổi bắt quanh giếng rồi đạp trúng đám rêu nằm dài trên mặt đất, mặt mũi lấm lem nhưng vẫn gượng cười để khỏa lấp cái đau.

Lớn lên chúng tôi xa rời làng quê để học tập, rồi lập gia đình ở phương xa. Lâu rồi chưa ghé về thăm giếng làng. Đường rải nhựa phẳng lì thay cho con đường đất thuở trước. Nước máy, giếng bơm nhà nào cũng có nên giếng buồn thiu. Cũng có lúc cúp điện, nhà chưa kịp chuẩn bị nên ra giếng múc dăm ba gàu nước để dùng tạm rồi thôi. Những đứa trẻ bây giờ làm sao cảm nhận được dòng nước mát lạnh khi tắm giếng?. Thế rồi cứ vậy xa dần giếng làng ơi!

Giếng bây giờ không còn ai giặt đồ nữa. Rêu chết nhiều, từng mảng nằm ưỡn cong trên mặt đất. Tôi về quê cũng hay ra giếng múc nước rửa mặt, thả chiếc gàu xống không còn những cọng rêu xanh thẫm lẫn trong làn nước trong xanh sóng sánh. Lối đi về không còn là lối đi của cỏ may. Không hiểu sao ngày xưa lại thích đi qua đi lại để cỏ ghim đầy như ghim nỗi nhớ, ghim lời nhắc nhở, ghim một tình vụng dại ngây ngô khi đứng thẫn thờ nhìn nhau, gặp đôi mắt ấy trong như nước giếng thế mà cỏ không ghim thêm điều ước... Có những chiều ngồi gỡ cỏ may thả theo chiều gió...

Giờ xóm xưa đã chuyển mình. Con đường chẳng còn chỗ để cỏ may mọc nữa rồi. Tụi nhóc ngày xưa giờ đã như chim tung cánh bay đi khắp nơi. Có đứa bay đến tận phương trời Tây. Đứa nào cũng bon chen với cuộc sống. Không biết tụi nó có nghĩ giống mình không?. Tôi nợ mảnh đất này rất nhiều, nơi luôn đầy ắp tiếng cười, nơi tôi luôn đón nhận tình yêu thương trọn vẹn nhất, nơi bình yên ai đi xa rồi cũng trở về.

Chiều nay trời lắm gió, rong ruổi với chiếc xe đạp ra bờ đê đón nhận không khí trong lành, yên bình của quê hương. Lại miên man nhớ những bông cỏ may ven đường, nhớ những con gà đá bằng rêu, nhớ tiếng cười hồn nhiên của lũ bạn, nhớ ánh mắt ai kia... Lòng vòng rồi cũng quay về. Ra giếng mượn chiếc gàu rửa mặt, chầm chậm cảm nhận nước thấm vào da thịt mát rượi. Nhìn xuống giếng, à vẫn còn một đám rêu nhỏ xinh đang cố bám mình bên những bụi dương xỉ lực lưỡng. Tôi ngẩn ngơ... À thì ra rêu vẫn còn tồn tại ở đó. Lấp loáng nụ cười, soi mình để thấy rong rêu thuở ấy sao nhớ đến lạ lùng.   

PHẠM THỊ MỸ LIÊN