Rửa tay sạch: “Vắcxin” phòng nhiều bệnh hiệu quả
Ngày 13-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng với chủ đề Rửa tay với xà phòng- Cùng hành động vì sức khỏe Việt Nam. Sự kiện có sự tham gia của 2.500 học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Nhiều bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao có thể phòng bằng cách rửa tay với xà phòng. |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rửa tay với xà phòng giúp cứu nhiều mạng sống hơn bất kỳ loại văcxin nào. Rửa tay đúng cách với xà phòng là biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả, dễ thực hiện, ít tốn kém. Nhiều nghiên cứu chứng minh bàn tay không sạch có thể chứa hàng triệu vi khuẩn và rất nhiều tác nhân gây bệnh. Báo cáo năm 2017 của Quỹ Nhi đồng LHQ cũng cho thấy trên thế giới vẫn còn khoảng 3 tỷ người không được tiếp cận với công trình rửa tay, hoặc có nhưng lại thiếu xà phòng và nước sạch. Khoảng 66% dân số nông thôn không có công trình rửa tay cơ bản nhất. Tỷ lệ rửa tay trong nhóm người giàu nhất cao gấp đôi so với nhóm người nghèo nhất.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, thuỷ đậu. Gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất này là những bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường và đặc biệt là các hành vi vệ sinh cá nhân gồm rửa tay với xà phòng.
Rửa tay với xà phòng trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh có thể ngăn chặn sự lan truyền của mầm bệnh. Nó giúp giảm gần 50% các trường hợp mắc tiêu chảy, hơn 20% các ca nhiễm khuẩn đường hô hấp và giảm 15% các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi, 40% các trường hợp nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,1 triệu trẻ tử vong do tiêu chảy và 1,2 triệu trẻ mất đi sự sống do các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nhưng theo Thứ trưởng Sơn rửa tay với xà phòng tưởng như rất đơn giản nhưng hiện nay vẫn còn nhiều người chưa thực hiện được điều này.
Thực tế, rất ít người rửa tay đúng cách. Nhiều người rửa tay thường xuyên nhưng không có tác dụng diệt khuẩn vì chỉ rửa với nước. Có người rửa tay với xà phòng nhưng lại bỏ qua những vùng kín đáo trên bàn tay như các kẽ ngón tay, đầu ngón tay, ngón tay cái. Vì thế, Thứ trưởng cho rằng, cần tập trung đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu được lợi ích của việc rửa tay với xà phòng trong phòng chống dịch bệnh. Đồng thời cần đảm bảo tất cả các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, cơ sở y tế, trường học, những nơi công cộng có các điểm rửa tay có đủ nước sạch, xà phòng hay chất tẩy rửa phù hợp.
D.T (st)