Rừng dừa Cẩm Thanh kêu cứu

Thứ bảy, 20/05/2017 10:44

(Cadn.com.vn) - Cùng với việc rừng dừa nước Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam) trở thành điểm đến của rất nhiều du khách, thì khu rừng dừa ngày càng bị xâm phạm để xây dựng các công trình phục vụ du lịch.

Nhiều công trình kiên cố đã mọc lên ở rừng dừa Cẩm Thanh.

“Bê-tông hóa” rừng dừa

Theo thống kê, trong năm 2016 có hơn 65 nghìn lượt khách đến tham quan trải nghiệm tại khu rừng dừa Cẩm Thanh, bình quân mỗi ngày đón khoảng 200 lượt khách, những ngày lễ tết số lượng khách tăng lên khoảng 1.000 lượt. Với số lượng khách lớn như vậy, nên thật dễ hiểu khi ngày càng có nhiều cơ sở nghỉ dưỡng, vui chơi mọc lên ngay giữa rừng dừa. Thế nên rừng dừa Bảy Mẫu bị chặt phá để lấy đất xây dựng nhà hàng, khách sạn, xây biệt thự kiên cố ... Những mảng xanh của rừng dừa dần bị thay thế bằng bê-tông cốt thép, rừng dừa ngày càng teo tóp. Không những vậy, không gian tĩnh lặng của rừng dừa thuở nào cũng chẳng còn, khi mà các nhà hàng khách sạn mở nhạc vũ trường, nhảy gangnam style trên những chiếc thúng chai để mua vui cho du khách. Theo lãnh đạo TP Hội An, rừng dừa Bảy Mẫu rộng 120 ha. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, thành phố đã trồng mới thêm vài chục héc-ta. Chủ trương khai thác du lịch kết hợp nuôi trồng thủy sản khu vực rừng dừa Bảy Mẫu của chính quyền thành phố Hội An tạo điều kiện để cộng đồng cùng hưởng lợi. Tuy nhiên, việc quản lý thiếu chặt chẽ nên xảy ra tình trạng doanh nghiệp, hộ kinh doanh lợi dụng giấy phép được cấp tự ý cơi nới, lấn chiếm, xây dựng các công trình kiên cố bằng bê-tông, cốt thép. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An khẳng định hầu hết các công trình xây dựng tại rừng dừa nước Cẩm Thanh đều không được cấp phép. Cũng theo ông Nguyễn Văn Dũng, nguyên nhân xảy ra tình trạng xây dựng tràn lan phá nát rừng dừa nước Cẩm Thanh là do lãnh đạo xã Cẩm Thanh buông lỏng quản lý địa bàn. Ngoài ra, các phòng như TN-MT, Quản lý đô thị hay Thương mại – du lịch không thể vô can khi mà hoạt động vận chuyển vật liệu, thi công công trình diễn ra ào ạt ngay giữa ban ngày. Chính quyền thành phố Hội An đã thống kê có 19 trường hợp vi phạm xây dựng ở rừng dừa và đã ra quyết định xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Hiện nay một số trường hợp đã khắc phục nhưng một số trường hợp vẫn còn chậm, sắp tới thành phố sẽ có biện pháp đôn đốc, nhắc nhở những trường hợp chây ỳ chưa thực hiện quyết định. Những trường hợp nào ngoan cố, không thực hiện sẽ có biện pháp cưỡng chế để từng bước trả lại cảnh quan cho rừng dừa.

Người dân địa phương tham gia đối thoại bảo vệ rừng dừa Cẩm Thanh.

Cứu lấy rừng dừa

Việc rừng dừa Cẩm Thanh bị xâm hại thật sự đã tạo ra nhiều hệ lụy cho du lịch của Hội An, biến một miền quê thanh bình trở nên nhốn nháo, môi trường sinh thái bị đe dọa.  Một khi rừng dừa Cẩm Thanh không còn giữ được môi trường sinh thái tự nhiên của mình thì chẳng còn gì để thu hút du khách. Tại buổi đối thoại “Quan điểm của các bên liên quan tới sự hài hòa giữa bảo tồn – phát triển rừng dừa Cẩm Thanh và vùng cửa sông Thu Bồn” được tổ chức ngày 18-5, đã chỉ ra những tác hại to lớn khi xâm hại rừng dừa. Cuộc đối thoại hướng tới các vấn đề liên quan trực tiếp đến việc khai thác, phát triển rừng dừa nước Cẩm Thanh trong thời gian qua. Vì vậy, đã thu hút sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân sống nhờ vào rừng dừa. Theo Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm thì rừng dừa Bảy Mẫu đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ riêng Hội An mà cả vùng biển Cù lao Chàm, trong sự đa dạng sinh học ở hệ thống sông Thu Bồn. Nếu rừng dừa bị tác động sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân và cả các doanh nghiệp. Theo tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, chuyên gia về bảo tồn hệ sinh thái biển thì tại vùng đệm rừng dừa Bảy Mẫu có tổng cộng 92 loài thủy sản. Trong đó, nổi bật nhất là cá chình và mòi cờ. Hằng năm, sau mùa sinh sản, không ít loài ở vùng đệm này di cư ra vùng lõi Cù lao Chàm và góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học cho khu dự trữ sinh quyển thế giới. “Tuy nhiên, việc khai thác theo kiểu tận diệt bằng cách dùng xung điện đánh bắt đã phá vỡ hệ sinh thái vốn có nơi đây. Đã đến lúc, cơ quan nhà nước cần đưa ra định hướng phát triển nguồn thủy hải sản, bởi đây là một phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của rừng dừa Bảy Mẫu”, tiến sĩ Trinh nhấn mạnh. Còn ông Lê Nhương, một người dân địa phương đã thẳng thắn nêu lên thực trạng về  diện tích rừng dừa Bảy Mẫu đã suy giảm đáng kể thời gian qua. “Hiện lợi ích của người dân sống nhờ vào con cá, con tôm ở rừng dừa và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp không hài hòa. Chúng tôi thiết nghĩ các cấp lãnh đạo cần có giải pháp bảo vệ rừng dừa, bảo vệ sự hài hòa giữa doanh nghiệp với người dân”, ông Nhương nói. Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, rất đau xót khi thấy rừng dừa Cẩm Thanh dần mất đi nhiều thứ. Ông Hùng cho biết, thời gian đến chính quyền địa phương sẽ tổ chức khoanh vùng quản lý rừng dừa nước và đề ra quy chế xây dựng phù hợp với Cẩm Thanh, quy định cụ thể hoạt động nào cho phép và bị cấm tại rừng dừa. “Tôi nhớ trước đây, rừng dừa có rất nhiều loài chim đến trú ngụ, nhưng bây giờ thì lại thưa vắng, điều đó cho thấy hệ sinh thái của rừng dừa không đảm bảo. Chúng ta cần phải khôi phục lại sinh cảnh ngày xưa của rừng dừa, lúc đó sẽ tạo ra rất nhiều dịch vụ du lịch để các doanh nghiệp khai thác, người dân cũng sẽ hưởng lợi. Cùng nhau làm, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được, tạo sự phát triển bền vững và hài hòa cho rừng dừa Cẩm Thanh”, ông Hùng nói.

Hoàng Anh