Rừng phòng hộ Sông Tranh bị tàn phá nghiêm trọng: Những “bất thường” cần được làm rõ

Thứ hai, 23/11/2015 10:51

(Cadn.com.vn) - Sau khi vụ phá rừng phòng hộ (RPH) Sông Tranh tại xã Trà Bui (H. Bắc Trà My, Quảng Nam) được phản ánh, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp kiểm tra, đề nghị làm rõ những tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong khi chờ đợi kết quả điều tra từ các cơ quan chức năng, ngày 17-11, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng trở lại “điểm nóng” này và ghi nhận những dấu hiệu “bất thường” tại đây. Điều đáng nói, người dân cho biết chính cán bộ của Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Trà Bui bắt tay với người ngoài địa phương mua trâu để chung khai thác gỗ trái phép.

Như chúng tôi đã đề cập, ngày 5-10, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Quảng Nam do ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi thực tế kiểm tra tại khu vực RPH này. Tuy nhiên, trong chuyến kiểm tra thực tế, BQL RPH Sông Tranh (chủ rừng) không dẫn đoàn công tác vào những khu vực bị tàn phá ghê gớm mà dẫn vào một khu vực ít “nhạy cảm” hơn(?).

Rừng Trà Bui chưa hết “nóng”

Theo phản ánh của người dân, ngày 17-11, chúng tôi trở lại khu vực này và được người dân dẫn vào một trong những “điểm nóng”. Từ UBND xã Trà Bui, sau 30 phút chạy xe máy và thêm 15 phút đi bộ men theo con suối Thùng Phuy, chúng tôi vào khu vực rừng bị phá. Những cây cổ thụ đường kính 1 - 1,5m bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Nếu như những khu vực chúng tôi thâm nhập trước đó và khu vực đoàn liên ngành của UBND tỉnh Quảng Nam tiếp cận chỉ còn trơ trọi lại những gốc cây, thì khu vực này hiện trường gỗ được cưa xẻ giữa rừng như những xưởng cưa lớn vẫn còn nguyên vẹn.

“Do bị động nên họ chưa đưa gỗ ra khỏi rừng. Khu vực này cán bộ quản lý, bảo vệ rừng đã biết nhưng không hiểu sao họ không lập biên bản” - anh T., người dẫn đường cho chúng tôi đặt câu hỏi. “Vì sao anh biết cán bộ quản lý, bảo vệ rừng biết mà không lập biên bản?”. Anh T. lý giải: Hàng chục cây gỗ như thế này bị đốn hạ, người dân chúng tôi biết chẳng lẽ chủ rừng lại không biết. Trong khi đó, điểm phá rừng này không xa Trạm Quản lý bảo vệ rừng, bên cạnh đó tiếng máy cưa lốc nổ vang trời sao họ không biết được. “Không nói gian, nhiều khi lâm tặc cưa cây đó, cán bộ bảo vệ rừng đi ngang qua mà họ không phản ứng gì. Rừng thì của Nhà nước, cán bộ bảo vệ rừng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, nhưng rừng bị xâm hại họ vẫn ngó lơ. Vậy người dân chúng tôi biết phản ánh sự việc cho ai đây?” - anh T. bức xúc cho biết thêm.

Theo lời anh T., dù gỗ được cưa ra quy cách nằm chất đống khắp nơi, nhưng chúng tôi quan sát thì không thấy bất kỳ ký hiệu nào được cán bộ bảo vệ rừng hoặc kiểm lâm ghi trên những phách gỗ đó. Điều đó chứng tỏ khu vực này chưa được các ngành chức năng lập biên bản. Qua quan sát sơ bộ, chỉ một khu vực khoảng vài nghìn mét vuông nhưng có đến gần 20 cây chò đường kính 1-1,5m bị đốn hạ. Số gỗ phách bị cưa xẻ ra còn lại ở hiện trường khoảng hơn 50 phách, khối lượng không dưới 30m3.

Cách đó vài trăm mét, bên kia sông Bui hàng trăm cây chò, dổi, xoan đào bị triệt hạ. “Khu vực này trước đây rừng cây cổ thụ nguyên sinh nằm san sát nhau, nhưng khoảng 2 tháng lại đây đã bị lâm tặc cưa sạch. Do gần đường nên gỗ đã được đưa ra và chở về xuôi hết rồi. Chừ bên đó có qua xem cũng chỉ còn gốc thôi chứ không còn gỗ đâu” - anh T. cho biết thêm.

Chúng tôi trở ra thì thấy tuyến độc đạo từ thượng nguồn suối Thùng Phuy trở ra Trạm Quản lý bảo vệ rừng dấu lốp ô-tô còn mới tinh, in hằn lên những hố bùn lầy lội. Ven đường, những vỏ bao mì tôm, một đống tro tàn, bên cạnh là một chiếc ách trâu bị hỏng nằm chỏng chơ. Anh T. giải thích: “Tối qua xe lại vào chở gỗ ra đấy. Đây là điểm tập kết gỗ nên lâm tặc ngồi nghỉ ngơi để bốc gỗ lên xe. Gỗ từ trong rừng sẽ được trâu kéo ra đến đây, đủ chuyến, xe sẽ vào chở về xuôi”.

Mỗi điểm hàng chục phách gỗ như thế này nhưng chưa được lập biên bản.

Cán bộ bảo vệ rừng chính là “lâm tặc”?

Sau những ngày thâm nhập thực tế, chúng tôi được biết việc phá rừng lấy gỗ ở đây thời gian qua diễn ra công khai. Những cán bộ bảo vệ rừng nào chung trâu kéo để khai thác gỗ với ai, người dân đều nắm rõ. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi tại sao không tố cáo lên các ngành chức năng, người dân lại thở dài: “Tố cáo không biết họ có bị chi không, nhưng mình thì bị tai vạ là điều khó tránh khỏi”.

Anh V. nhà gần khu vực bị lâm tặc xâm hại nên nắm rõ vụ việc. Anh cho biết: Chính cán bộ của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Trà Bui chung tiền mua trâu với người ngoài địa phương để khai thác gỗ trái phép gần 2 năm qua. “Ông T. chung với bà Th. mua 3 con trâu kéo ở dưới Trà Dương để khai thác gỗ. Mới đây họ đã bán 1 con. Việc làm của ông T. thì người dân ở đây ai cũng biết, nhưng không dám báo cấp trên vì ổng là cán bộ, còn mình chỉ là dân” - anh V. tiết lộ.

Qua những gì chúng tôi tìm hiểu và nắm được, tại khu vực Trà Bui có đến vài chục điểm phá rừng. Rừng từ Tiểu khu 742 (thuộc thôn 2) đến Tiểu khu 738 (thôn 5), Tiểu khu 736 (thôn 6)… đều bị tàn phá đến mức báo động. Nhiều khu vực khi phát hiện gỗ, đã lập biên bản nhưng không vận chuyển ra khỏi rừng nên đã bị “lâm tặc” tẩu tán. Đơn cử như tại Tiểu khu 736 có 17 phách chò được phát hiện nhưng đã bị mất; Tiểu khu 742 có 20 phách gỗ xoan đào thì đến nay đã mất 19 phách...

“Việc phá rừng bị bại lộ, rồi “cực chẳng đã” chủ rừng mới lập biên bản. Nhưng theo nguyên tắc lập biên bản thì phải báo lên cấp trên, vài ba vụ thì họ báo, nhưng đến vài chục vụ thì họ không thể báo được, vì như thế cấp trên sẽ quy trách nhiệm vì buông lỏng quản lý. Vậy nên họ chỉ lập biên bản vài vụ cho có lệ, còn lại họ sẽ ém. Và cuối cùng thì gỗ vẫn về tay lâm tặc” - một người dân địa phương nhìn nhận.

Dấu xe của lâm tặc vào chở gỗ đêm 17-11.

Cần xử lý nghiêm

Qua sự việc trên, dư luận cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Trà Bui. Việc cán bộ ở đây có “bắt tay” với “lâm tặc” hay không, các ngành chức năng điều tra sẽ rõ, nhưng trách nhiệm để gỗ lọt ra khỏi địa bàn từ tuyến độc đạo trước trạm thì cán bộ trạm là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, đối với Giám đốc BQL RPH Sông Tranh, đơn vị được Nhà nước giao quản lý rừng nhưng lại buông lỏng, thiếu trách nhiệm. “Sau khi đi kiểm tra nhiều vụ phá rừng về, nhưng lãnh đạo BQL RPH  Sông Tranh không lập biên bản, không báo cáo lên cấp trên. Nhiều vụ đã lập biên bản, bàn giao cho Trạm Quản lý bảo vệ rừng Trà Bui quản lý, đơn vị này lại để mất gỗ nhưng lãnh đạo BQL không có hình thức xử lý” - một cán bộ của BQL RPH Sông Tranh bức xúc nói.

Thiết nghĩ, từ những thông tin trên, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cần khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ. Cán bộ nào bắt tay hoặc tiếp tay cho “lâm tặc”, lãnh đạo nào buông lỏng quản lý để rừng bị tàn phá nghiêm trọng cần xử lý nghiêm. Có như thế người dân mới tin tưởng sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời góp phần giữ được những cánh rừng nguyên sinh ít ỏi còn sót lại.

Bão Bình