Vụ phá rừng phòng hộ Sông Tranh tại xã Trà Bui (H. Bắc Trà My, Quảng Nam): "Bất kỳ ai vi phạm cũng phải xử lý nghiêm"
(Cadn.com.vn) - Ngay sau khi Báo Công an TP Đà Nẵng có loạt bài phản ánh về tình trạng phá rừng ở xã Trà Bui (H. Bắc Trà My, Quảng Nam), ngày 5-10, đoàn kiểm tra liên ngành UBND tỉnh Quảng Nam do ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi thực tế kiểm tra vấn đề trên. Đi cùng đoàn có đại diện CA tỉnh, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh, Chi cục Kiểm lâm…
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nghe các ngành chức năng báo cáo vụ việc |
"Điểm nóng" phá rừng
Trong buổi kiểm tra thực tế, đoàn công tác đã thâm nhập hiện trường một số điểm khai thác gỗ. Qua kiểm tra cho thấy việc phá rừng ở đây đang diễn ra rất nghiêm trọng, tạo thành "điểm nóng" tại địa phương. Tại khu vực khoảnh 1, tiểu khu 724 (thuộc thôn 2, xã Trà Bui) có đến hơn chục gốc cây gỗ to đường kính gần 2m bị đốn hạ. Gỗ tròn, gỗ phách nằm rải rác khắp nơi. Đặc biệt, ngay tại điểm gỗ bị đốn hạ có một nhà dân kiên cố được dựng lên trong lâm phận thuộc rừng phòng hộ Sông Tranh. Qua nhận định ban đầu, đoàn công tác cho rằng có thể đây là khu "hậu cứ" để "lâm tặc" hoạt động phá rừng lấy gỗ. Cách đó khoảng 5km, tại khu vực thôn 6 (xã Trà Bui), ngày 4-10 các ngành chức năng tiếp tục phát hiện 11m3 gỗ được tập kết xung quanh hai nhà dân địa phương. Điều đáng nói, khi các ngành chức năng yêu cầu lập biên bản vụ việc thì lãnh đạo Đội cơ động của Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sông Tranh không chịu hợp tác, bàn giao hồ sơ...
Đại diện CA tỉnh Quảng Nam ghi nhận vụ việc tại hiện trường. |
Cán bộ BQL tiếp tay cho "lâm tặc"?
Sau khi kiểm tra thực tế, ngay trong buổi trưa cùng ngày, đoàn công tác do ông Lê Trí Thanh chủ trì đã có buổi họp khẩn với các ban ngành liên quan. Tại cuộc họp, đa số các ý kiến cho rằng chính sự buông lỏng quản lý của BQL rừng phòng hộ Sông Tranh, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Tranh đã dẫn đến rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, những nội dung báo chí phản ánh trong những ngày qua là hoàn toàn có cơ sở. Đến thời điểm này, các ngành chức năng của tỉnh đã bắt giữ 150m3 gỗ.
"Đó là số gỗ bị phát hiện bắt giữ, còn thực tế rất có thể số lượng gỗ bị lâm tặc vận chuyển trót lọt lớn hơn nhiều. Tôi khẳng định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nội bộ BQL rừng phòng hộ Sông Tranh có vấn đề. Tại sao Trạm quản lý bảo vệ rừng của Ban lại không có nhiệm vụ dừng xe ô-tô trong lâm phận mình quản lý để kiểm tra? Chỉ thị 20 của Tỉnh ủy đã nêu rõ, chỉ có Chủ tịch UBND huyện mới có thẩm quyền cho phép các đơn vị, cá nhân đưa phương tiện, máy móc vào rừng. Như vậy các anh đã không nắm rõ các quy định hoặc các anh có vấn đề. Bên cạnh đó, thời gian qua, mối quan hệ giữa các đơn vị liên quan chưa được phối hợp hiệu quả, chủ rừng không tạo được mối quan hệ, không phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan. Các trạm quản lý, bảo vệ rừng hoạt động không hiệu quả, xây trạm lên nhưng không có người trực. Nhiều vụ phát hiện gỗ lậu nhưng BQL không bàn giao hồ sơ cho Hạt Kiểm lâm xử lý theo thẩm quyền. Chính sự buông lỏng quản lý của BQL đã dẫn đến vụ việc trên."- ông Đức khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Nhuần-Phó Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My khẳng định, một số cán bộ của BQL rừng phòng hộ Sông Tranh thiếu trách nhiệm trong công việc. Bên cạnh đó, có người còn bộc lộ những tiêu cực. "Khi phát hiện các điểm tập kết gỗ lậu, anh Phan Văn Dự, Đội phó Đội cơ động của BQL rừng phòng hộ Sông Tranh không chịu bàn giao hồ sơ cho đơn vị chức năng. Theo nguồn tin tôi nắm được, anh Dự còn đề nghị các đối tượng kéo gỗ ra hai điểm tập kết tại nhà dân"- ông Nhuần cho biết...
Nhà dân xây dựng trái phép trong rừng phòng hộ để phá rừng |
Xử lý nghiêm
Sau khi nghe ý kiến của các ngành chức năng, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: Trong thời gian qua, BQL rừng phòng hộ Sông Tranh và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Tranh thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó công tác vận động, giáo dục ý thức bảo vệ rừng cho người dân còn kém; xử lý chậm và chưa nghiêm túc đối với các vụ phá rừng đã xảy ra; việc phối hợp giữa các ban ngành còn yếu, chồng chéo giữa các đơn vị chức năng. "Chính sự buông lỏng, phó mặc cho lâm tặc đã dẫn đến tình trạng phá rừng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn. Qua đây tôi đề nghị BQL rừng phòng hộ Sông Tranh nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 20 và Chỉ thị 17 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Khẩn trương hoàn thiện quy chế phối hợp, tuần tra rừng khu vực giáp ranh. Chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị rà soát lại các tuyến đường lâm tặc hay đi, nếu cần thiết phải phá hủy.
Việc BQL rừng phòng hộ để người dân vào rừng phòng hộ dựng nhà ở là không chấp nhận được. Không loại trừ một số hộ dân dựng nhà ở trong đó để tiếp tay cho lâm tặc, do vậy thời gian tới phải tăng cường vận động, thuyết phục, di chuyển người dân ra khỏi rừng phòng hộ; đề nghị Chi cục Kiểm lâm nghiên cứu thành lập trạm Kiểm lâm tại Trà Bui để tăng cường quản lý, bảo vệ rừng; khảo sát các vị trí để lập barie chốt chặn, không cho xe, các phương tiện trái phép vào rừng; đề nghị BQL rừng bàn giao thực địa, phương tiện để kiểm lâm thuê lực lượng, phương tiện vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Nếu vận chuyển khó khăn thì tiêu hủy tại chỗ. Không để gỗ tiếp tục lọt vào tay lâm tặc. Đề nghị BQL và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Tranh tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc trong việc thiếu trách nhiệm và phải làm rõ có tiêu cực hay không? Tôi rất nghi ngờ việc có cán bộ tiếp tay cho lâm tặc. Do đó các đơn vị chức năng kiểm tra, hoàn chỉnh lại hồ sơ, vụ nào xử lý hành chính thì xử lý, vụ nào xử lý hình sự phải khởi tố, bất kỳ ai vi phạm cũng phải xử lý nghiêm...
Bão Bình