Rưng rưng chuyện kể về Người
Cuối tháng 7-2019, tôi may mắn được tham gia chuyến về nguồn do Sở Thông tin-Truyền thông TP Đà Nẵng tổ chức cho các nhà báo về thăm các “Địa chỉ đỏ” tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ 27-7. Mỗi địa chỉ đến thăm, dâng hương đều để lại trong chúng tôi những ấn tượng sâu sắc, nhưng sâu đậm nhất, lắng lòng nhất là những câu chuyện được nghe kể về Bác Hồ tại chính quê hương Bác, mỗi lần nhớ lại đều thấy rưng rưng.
Du khách xúc động khi nghe hướng dẫn viên kể những câu chuyện về Bác Hồ. |
Nơi nuôi dưỡng một nhân cách lớn
Thuyết minh tại Khu di tích Hoàng Trù - quê ngoại của Bác Hồ, cô hướng dẫn viên kể: Khi về thăm ngôi nhà của Bác, không ít người ngỡ ngàng, xúc động vì không nghĩ nơi sinh ra một vị lãnh tụ mà cả thế giới biết đến và kính trọng lại đơn sơ, bé nhỏ đến như thế. Trong ngôi nhà tranh 3 gian nép mình dưới khóm tre xanh, gian nhà ngoài dành riêng làm nơi học tập, nghỉ ngơi của cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh ra Bác nhưng khi nào có khách bộ phản lại được dùng làm nơi tiếp khách gia đình. Chiếc giường tre là nơi mẹ Bác Hồ đã sinh hạ 3 chị em Bác: Người chị đầu là bà Nguyễn Thị Thanh hơn Bác 6 tuổi, anh thứ hai là ông Nguyễn Sinh Khiêm hơn Bác 2 tuổi. Bác Hồ đã cất tiếng khóc chào đời vào buổi sáng ngày 19-5-1890 giữa mùa sen ngào ngạt. Khung cửi là nơi mẹ Bác tần tảo thâu đêm dệt vải, ban ngày thì một nắng hai sương trên đồng ruộng, đêm về bà Hoàng Thị Loan, mẹ Bác lại gò mình bên khung cửi, có những đêm thức trắng. Người cùng làng hỏi vì sao thì bà trả lời: Gắng thức cho chồng có bạn lúc học bài, vả lại có cái để nuôi con nữa. Mỗi lần con khóc, mẹ dừng thoi, kéo võng ru con ngủ bằng những làn điệu dân ca ngọt ngào xứ Nghệ: “Con ơi mẹ dặn câu này. Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm. Làm người đói sạch rách thơm. Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”. Tuổi thơ Bác Hồ được lớn lên trong lời ru của mẹ và lời ru đó theo Bác suốt cả cuộc đời.
Lúc Bác 5 tuổi, mẹ Bác Hồ tạm biệt ngôi nhà vào Huế với mong muốn theo chồng, giúp chồng ăn học nhưng nhà Bác nghèo, không có tiền thuê xe ngựa nên phải đi bộ ròng rã hơn 1 tháng trời từ Nghệ An vào Huế. Mẹ Bác đi đôi dép mo cau, trên vai đôi quang gánh, khi nào Bác mỏi chân quá thì mẹ cho ngồi vào một đầu gánh. Mẹ Bác Hồ mất khi bà chưa tròn 33 tuổi, 11 tuổi Bác mồ côi mẹ, đứa em cũng mất vì thiếu sữa mẹ, bố Bác Hồ đau lòng bồng bế các con từ Huế trở về quê cũ để nương nhờ những người thân yêu. Gửi các con lại cho ông bà ngoại, nén đau thương, ông Sắc lại đi bộ từ Nghệ An vào Huế để thực hiện tiếp ước mơ đèn sách. Khoa thi Hội năm Tân Sửu 1901, ông đậu Phó bảng dưới triều Nhà Nguyễn. Làng Sen đã xuất quỹ công mua một ngôi nhà gỗ 5 gian về dựng trên mảnh đất công của làng để mừng ông Phó bảng và đã xuống làng Hoàng Trù mời ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cùng các con là Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tên thuở nhỏ của Bác Hồ) về sống tại làng Sen. Cả một đời bôn ba lo việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân tới nhiều quốc gia, nhiều miền quê trên khắp đất nước Việt Nam, thế nhưng Người chỉ có điều kiện trở về quê ngoại làng Hoàng Trù được một lần duy nhất vào ngày 9-12-1961 cho đến lúc đi xa.
Ấm tình quê nội
Bác Hồ sống ở quê nội Làng Sen từ năm 11 tuổi đến năm 16 tuổi. Trong ngôi nhà do làng làm tặng, 4 bố con sống quây quần bên nhau, bữa cơm hàng ngày do chị gái Bác là bà Nguyễn Thị Thanh lo liệu và thường được dọn lên chiếc mâm tre đạm bạc. Về Làng Sen, bà Thanh khi ấy đã là một thiếu nữ 17 tuổi, vừa đẹp người đẹp nết, được nhiều cậu ấm con quan đến ngỏ lời cầu hôn nhưng bà có nỗi niềm tâm sự rằng: Mẹ tôi thì mất sớm, bố không lấy vợ nữa, là người con gái lớn trong nhà, đạo làm con tôi xin nguyện ở vậy, phụng dưỡng bố, chăm sóc các em thay mẹ. Bà Thanh là người có công trong gia đình Bác, bà đã bí mật đưa hài cốt của mẹ là bà Hoàng Thị Loan từ Huế về mai táng tại Làng Sen. Bà cũng là người duy nhất trong gia đình được vào Cao Lãnh (Đồng Tháp) thắp hương cho người bố kính yêu. Năm 1946, khi tin vui đã về khắp xóm làng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Tất Thành, bà Thanh tâm sự với bà con trong dòng họ rằng: Tôi ra Hà Nội tìm gặp xem Chủ tịch Hồ Chí Minh có phải là em tôi không, rồi không đợi cấp trên thu xếp, một mình bà đã lặng lẽ xuống ga Vinh, mua vé tàu ra Hà Nội để thăm Bác Hồ. Hai chị em đã gặp nhau, ăn với nhau bữa cơm cuối cùng tại nhà giáo sư Đặng Thai Mai. Chia tay em ra về, bà Thanh bồi hồi hỏi Bác Hồ rằng: Bao giờ em về thăm nhà? Chị và bà con họ hàng rất nhớ em. Bác trả lời: Nhất định em sẽ về nhưng bận việc nước có lẽ còn lâu.
Khi bà Thanh trở về rồi, ông Khiêm cũng ra Hà Nội thăm em. Ngày đó, ông Khiêm đã đến Bắc Bộ Phủ, nơi Bác Hồ làm việc và nhờ đồng chí cảnh vệ chuyển vào cho Bác mẩu giấy có ghi dòng chữ: “Đạt thăm Thành”. Tất Đạt và Tất Thành là tên của anh em Bác Hồ khi về sống tại Làng Sen và đã được ông Nguyễn Sinh Sắc ghi vào sổ họ cho các con. Nhận được mẩu giấy, Bác Hồ rất xúc động, sau bao năm xa cách, anh vẫn gọi em bằng cái tên quen thuộc ngày xưa. Hai anh em Bác gặp nhau mừng mừng, tủi tủi ôn lại kỷ niệm được hơn 1 giờ đồng hồ sau đó ông Khiêm lại trở về quê nhà sống cuộc đời bình dị. Năm 1950, ông Khiêm qua đời tại quê nhà, lúc đó Bác Hồ đang chỉ đạo Chiến dịch Biên giới không về được. Nhận được tin anh trai mất, Bác Hồ đau đớn xót xa vô cùng, từ núi rừng Việt Bắc xa xôi, nén đau thương, Bác chỉ kịp gửi về bức điện chịu tang cùng gia đình. Bác viết: “Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu, vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi, tôi xin chịu tội trước linh hồn anh, xin bà con quyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”. Nỗi đau anh mất chưa nguôi, năm 1954 thì chị gái của Bác lại qua đời. Người thân cuối cùng trong gia đình Bác đã ra đi, Bác cũng không thể về được, mãi đến năm 1957 Bác mới có dịp trở về thăm làng Sen lần đầu tiên.
Cô hướng dẫn viên cho biết: Lúc đó, di tích ngôi nhà của Bác đã có một số thay đổi bởi vì một thời gian dài cả hai ngôi nhà này đều không có người ở nên đã được dời đi hai nơi, sau này năm 1956, Đảng Nhà nước có chủ trương phục hồi di tích, đã chuộc lại ngôi nhà lớn về dựng lại trên nền đất cũ. Khi đón Bác về thăm lần đầu tiên, Bác nói với bà con rằng: “Ngày trước, nhà Bác còn có một ngôi nhà ngang nữa nhưng Bác nói thế thôi, các cô các chú đừng có chuộc về mà tốn tiền của của nhân dân”. Sau này, theo nguyên tắc quản lý di tích, tỉnh Nghệ An vẫn chuộc ngôi nhà 3 gian về nhưng tiếc rằng khi sử dụng nhà này, người ta đã tháo gian nhà cuối để làm chuồng nuôi trâu nên khi chuộc về vết tích đục đẽo vẫn còn trên cả 4 cây cột. Ngày phục chế lại di tích, cổng ra vào của nhà Bác được mở bên hồi nhà ngang, khi Bác về thăm, Bác nói rằng: Trước đây cổng nhà Bác mở theo lối đằng kia (lối hiện nay).
Bác còn nhớ rõ đường vào cổng ngày xưa một bên có hàng rào chè mạn hảo, một bên có hàng dâm bụt, trước cổng nhà có một cây ổi đào quả rất sai và ngọt, trước sân có cây bưởi, sau nhà có một hàng cau rất đẹp. Sau này, theo lời nhắc của Bác, Ban quản lý di tích đã trồng cây rồi mở cổng lại đúng như nguyên trạng ngày xưa. Cũng trong lần Bác về, một đồng chí cán bộ xin phép Bác trồng hoa trong vườn cho đẹp, Bác cười vui rồi bảo rằng: “Hoa khoai cũng đẹp”, ý Bác bảo rằng tăng gia sản xuất vừa có cái ăn lại vừa có hoa đẹp. Sau này hiểu lòng Bác rồi, mùa nào thức ấy, những người quản lý khu di tích đã tăng gia sản xuất trên mảnh vườn nhà Bác. Ngày 9-12-1961, Bác về thăm Làng Sen lần thứ 2, và cũng là lần cuối cùng Người trở về thăm quê hương.
K.T