Rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các vụ TNGT đường bộ
(Cadn.com.vn) - Liên quan đến những vụ TNGT có yếu tố rượu, bia và những hệ lụy lâu dài, để lại những ám ảnh đối với không ít gia đình và trở thành gánh nặng của xã hội, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng chung quanh nội dung nói trên.
Ông Nguyễn Hữu Cường |
P.V: Với công việc hiện nay, ông có đánh giá như thế nào về sự ảnh hưởng của rượu, bia trong các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn TP Đà Nẵng?
Ông Nguyễn Hữu Cường: Tai nạn giao thông đường bộ (TNGTĐB) là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao trên thế giới. Tổ chức WHO ước tính mỗi năm có 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương vì TNGTĐB. Thực tế, TNGTĐB đã trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu và là nguyên nhân thứ 9 gây tử vong đối với thanh niên từ 15 đến 29 tuổi. Tại Việt Nam, TNGTĐB trung bình mỗi năm làm hơn 9.000 người chết và gần 30.000 người bị thương.
Ở Đà Nẵng trung bình mỗi năm xảy ra 227 vụ, làm chết 120 người và làm bị thương 195 người, gây thiệt hại về tài sản hàng tỷ đồng, để lại hậu quả lâu dài và nặng nề cho gia đình và xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, trong đó say rượu bia và điều khiển phương tiện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố, trong 9 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn thành phố có 66 người chết và 121 người bị thương vì TNGTĐB, trong đó nguyên nhân do lạm dụng rượu bia điều khiển phương tiện gây tai nạn có 5 vụ, làm chết 3 người và bị thương 2 người.
Tuy nhiên, nhiều vụ TNGT do phóng nhanh vượt ẩu, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, không chú ý quan sát khi chuyển hướng..., nạn nhân trước đó cũng đã ít nhiều đều có sử dụng rượu, bia. Khi đã sử dụng rượu, bia quá mức thì người điều khiển phương tiện thường không làm chủ tốc độ, xử lý tình huống lái xe trên đường không còn chính xác; và đây chính là nguyên nhân dễ gây TNGT nhiều nhất.
P.V: Thưa ông, tại sao hiện nay mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn được cho là khá nghiêm khắc nhưng số vụ TNGT liên quan đến bia, rượu vẫn còn khá cao. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Ông Nguyễn Hữu Cường: Theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014 quy định xử phạt người lái xe có sử dụng rượu, bia như sau: Người lái xe ô-tô uống rượu, bia lái xe bị phạt từ 2 triệu đồng đến 15 triệu đồng, bị tước Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 2 tháng và bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày. Người lái xe mô-tô, xe gắn máy uống rượu, bia lái xe bị phạt từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng, bị tước Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 2 tháng và bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.
Từ đầu năm 2014 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố tổ chức nhiều chiến dịch kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe, kể cả người điều khiển ô tô và xe máy, xử phạt hơn 116 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn theo quy định. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng rượu bia rồi lái xe trong thực tế vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương gây nguy hiểm đến an toàn giao thông, nguyên nhân là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, không lường hết hậu quả có thể xảy ra do lạm dụng rượu, bia quá mức khi lái xe.
Lực lượng CSGT CATP Đà Nẵng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vào ban đêm. |
P.V: Trước thực trạng này, Ban ATGT TP Đà Nẵng đã đề ra chương trình hành động gì để có thể giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ TNGT có nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen uống bia, rượu của người tham gia giao thông?
Ông Nguyễn Hữu Cường: Trong thời gian qua, hưởng ứng Chương trình "Hành động toàn cầu phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn" của Liên Hiệp quốc, Ban An toàn giao thông thành phố đã tích cực phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia và Trung tâm Quốc tế về chính sách chất có cồn (ICAP) đã triển khai Dự án "Sáng kiến cải thiện tình trạng sử dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện" trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng, Ban ATGT TP đã xây dựng các kế hoạch tổ chức thực hiện theo từng chiến dịch; đồng thời, có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, vì vậy Dự án được hưởng ứng và triển khai quyết liệt. Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban Điều hành ICAP Việt Nam và Ban ATGT TP Đà Nẵng đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhất là tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, tuyên truyền và cưỡng chế cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn giao thông từ thành phố đến cơ sở một cách kịp thời, bài bản, phổ biến những kiến thức phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, theo dõi, đánh giá hoạt động của dự án.
Công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, nội dung ngắn gọn, các cơ quan truyền thông tăng thời lượng, tin bài, phóng sự; Ban ATGT TP cung cấp các tài liệu, tờ rơi, lắp đặt pa-nô đến các địa phương, tạo được sự thống nhất và thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Công tác tuần tra, kiểm soát được đổi mới, trang bị các thiết bị kiểm tra đầy đủ, có sự phối hợp với nhiều lực lượng, phân công rõ trách nhiệm của từng đội, trạm; tập trung theo chuyên đề; vừa kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn vừa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...
Chính vì vậy, kết quả sau hơn 3 năm triển khai Dự án "Sáng kiến cải thiện tình trạng sử dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện" trên địa bàn TP Đà Nẵng đã cơ bản đạt được hiệu quả và mục tiêu đề ra. Cụ thể: hiệu lực trong công tác quản lý Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác bảo đảm trật tự ATGT được đẩy mạnh; nâng cao được nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là đối tượng mục tiêu của Dự án (là thanh niên và nông dân) có sự chuyển biến đáng kể về tác hại và hiểm họa của việc lạm dụng chất có cồn khi tham gia giao thông; ý thức thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông trên địa bàn TP chuyển biến tích cực...
Đặc biệt là tình hình tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn TP trong 3 năm (2011-2013) giảm mạnh cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Đơn cử, năm 2011, xảy ra 189 vụ, làm chết 128 người và làm bị thương 153 người; so với năm 2010, giảm 36 vụ (giảm 16%), chết giảm 36 người (giảm 22%) và bị thương giảm 15 người (giảm 9%). Năm 2012, xảy ra 158 vụ, làm chết 109 người, làm bị thương 113 người; so với năm 2011, giảm 31 vụ (giảm 16,4%); chết giảm 19 người (giảm 14,8%), và bị thương giảm 40 người (giảm 26%). Năm 2013 xảy ra 227 vụ, làm chết 120 người và bị thương 195 người; so với cùng kỳ năm 2012, giảm 23 vụ (giảm 9,2%).
Từ hiệu quả rõ rệt của việc triển khai Dự án "Sáng kiến cải thiện tình trạng sử dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện" trên địa bàn TP Đà Nẵng trong giai đoạn 2011-2013 đã góp phần làm giảm đáng kể số vụ TNGT. Chính vì vậy, Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban Điều hành ICAP Việt Nam, UBND TP Đà Nẵng và Ban ATGT TP thống nhất tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để duy trì và đẩy mạnh việc triển khai dự án này trên toàn địa bàn TP trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Phương Kiếm
(thực hiện)