Rượu – bia & góc nhìn trái (2)

Thứ năm, 24/10/2013 13:07

* BÀI 2: TỬ VÌ MA MEN

(Cadn.com.vn) - Tử vì rượu bia ở đâu cũng có. Cả nước ngày nào cũng có hàng trăm người tử vì nhậu. Và cũng có nhiều kiểu tử lắm. Rượu nhiều sinh bệnh - chết. Rượu say xỉn, ngã xe mà chết. Rượu vào lời ra rồi đâm nhau mà chết. Uống phải rượu độc mà chết. Lại có chuyện ở Huế xảy ra vụ án mạng do mấy cậu choai choai tranh nhau trả tiền nhậu, không ai chịu nhường ai nên tức khí đâm bạn... Nhưng "tử vì rượu" đáng sợ nhất là nó làm tha hóa, biến chất những cán bộ công chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước...

Chuyện ngoài xã hội

Đọc báo, xem tivi thấy trong Nam, ngoài Bắc, ở Trung ngày nào cũng có người uống phải rượu độc tử nạn. Các làng rượu nổi tiếng của Việt Nam như Làng Vân (Bắc Giang), Ba Đồn (Quảng Bình), Chuồn (Thủy Dương, Huế), Bầu Đá (Bình Định), Kim Long (Quảng Trị)... sở dĩ rượu ngon, uống không đau đầu vì họ có loại men riêng, tự làm, rất an toàn. Loại men rượu có mấy cái vỏ trấu dính bên ngoài là men rượu thủ công dân ta tự làm lấy. Đó mới là men rượu an toàn. Còn men rượu Trung Quốc bán khắp nơi bây giờ màu trắng phau đủ dạng cả viên cả bột. Men này lên men cơm rượu rất nhanh, tỷ lệ rượu đạt rất cao, rượu trong văn vắt, độ rượu rất nồng, nhưng uống rất đau đầu. Đã có không ít người tử vong hoặc bị liệt vì loại rượu nấu từ men này. Các đệ tử Lưu Linh nên từ bỏ rượu cất từ loại men rượu nguy hiểm này.

Đơn cử như ở thôn Liên Sơn, Ninh Phước, Ninh Thuận vào một chiều tháng 5-2013, từ đầu đến cuối thôn bao trùm cờ trắng lẫn trong tiếng khóc than ai oán bởi chỉ trong vòng mấy ngày đã có tới 9 người đàn ông chết do ngộ độc rượu. Anh Nguyễn Văn Ngà - người may mắn thoát khỏi lưỡi hái "độc tửu"cho biết: "Tôi và mấy người bạn khi có tiệc vui hay liên hoan thường mua rượu ở quán Năm Mùa. Hôm 2-5, tôi cùng Mang Cạch, Mang Dương sang mua mấy lít rượu, khi uống được mấy ly thì thấy nôn nao, ói mửa nên về trước. Về đến nhà, tôi bỗng dưng sùi bọt mép và co giật từng cơn, may nhờ gia đình đưa vào viện cấp cứu kịp thời nên mới thoát chết". Đầu năm nay, ở tỉnh V. có vụ án con giết cha rất lãng xẹt. Trưa, đứa con trai là T. thấy cha là ông L.V.L (1966) say rượu nằm ngủ nên lấy chiếc xe máy của gia đình đi chơi. Thức dậy, ông L. nói em trai của T. đi tìm anh về. Chỉ có thế nhưng hai bố con cùng lớn tiếng mắng chửi nhau, T. say rượu rượt đánh rồi đâm chết bố.

Nhà hàng-quán nhậu M. trên đường Hoàng Sa, Đà Nẵng luôn là "điểm hẹn"
của đủ các thành phần từ cán bộ công chức đến dân thường. Ảnh: N.M

Chuyện trong cơ quan Nhà nước

Chuyện "tử vì rượu" ở cơ quan càng thực sự đau lòng. Có chuyện thật như đùa là ở một cơ quan Nhà nước có "quy định ngầm" là tuyển cán bộ vào việc phải là "người nhậu giỏi". Nếu không như vậy thì làm sao "thuyết phục được đối tác". Làm trợ lý cho vị này, vị kia thì càng phải biết nhậu vì phải "đỡ đòn" cho thủ trưởng khi tiếp khách. Ở một số nơi, người ta bàn chuyện dự án, đấu thầu, hợp tác làm ăn trên... bàn nhậu nên bây giờ "bia rượu là đầu câu chuyện" chứ không phải "miếng trầu" như xưa nữa.

Chỉ một cú chạm ly, tặc lưỡi là xong! Hằng ngày, đọc tin tức nhậu nhẹt trên báo giấy, báo mạng mà tái mặt. Báo điện tử VietnamNet viết: "Cách đây vài năm, ở tỉnh Đ., vị cán bộ to nhất tỉnh chết vì uống rượu là ông L.P.L. Chuyện thật mà như đùa, rằng lúc cơ cấu lên ghế chánh văn phòng, ngoài khả năng chuyên môn không đến nỗi nào, ông L. có "ưu điểm" được đánh giá cao hơn là "khả năng nhậu tốt, có thể tiếp khách các nơi về mà không say! Nhìn quanh, ít có ứng cử viên nào nhậu giỏi như ông L.".

Đã 23 giờ 30 nhưng quán Tr. trên đường Trường Sa, Đà Nẵng vẫn đông khách.  Ảnh: N.M

Tôi có anh bạn vốn là trợ lý của vị Chủ tịch UBND một tỉnh H. có tài viết diễn văn, soạn thảo văn bản cho lãnh đạo nhưng rất kỳ quặc là phải có rượu tê tê thì mới "viết ra chữ". Thế mà mấy đời Chủ tịch dùng anh làm trợ lý, đi đâu cũng "kéo" anh theo để "trợ lực", "đỡ đòn" cho Chủ tịch khi tiếp khách. Vì vậy, anh gần như suốt ngày chìm đắm trong men rượu.

Lại có cuộc họp ở huyện mà chủ tịch say, mọi người phải ngồi chờ cho Chủ tịch hết say để họp. Ở các vùng nông thôn, miền núi, chuyện các cán bộ cấp xã đi ăn sáng từ 7 giờ đến 10 giờ là "chuyện thường ngày...". Mới sáng ra đã hò nhau "giết sâu bọ". Ban đầu cụng vài chén cho vui, lai rai uống thêm vài chén nữa, đến khi về phòng làm việc, nhiều người đắp áo ngủ hết trưa chờ tỉnh rượu. Ngoài lãng phí thời gian, tiền bạc, nhậu nhẹt còn khiến một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất.

Đối tượng say rượu, dùng búa đánh chết vợ tại đường ray tàu hỏa phải hầu tòa. Ảnh: Q.H

Nghị quyết cấm uống rượu ra đời. Ngành CA cấm CBCS uống rượu, bia trong giờ hành chính. Nhiều tỉnh cấm cán bộ, đảng viên uống rượu bia trong giờ làm việc. Người dân nghe chỉ thị cấm uống rượu mà mừng... Nhưng thực tế thì CBCC say xỉn không giảm. Vì dân nhậu cũng có cách "lách luật" một cách khôn khéo để không bị lệnh "cấm" chi phối.

Trong chuyện tử vì ma men, rượu bia không chỉ quật chết người cán bộ nọ, chàng trai kia, mà còn làm cho sinh hoạt cơ quan, Đảng, công đoàn rối bời. Rượu còn tạo ra môi trường khuyến khích tiêu cực, tham nhũng, hủ hóa. Trong cơ quan, những quan chức ham ăn, ham nhậu sẽ sinh ra hối lộ, tham ô. Đó là logic. Vì tất cả các cuộc bàn làm ăn, mánh mung đều đặt trên bàn rượu. Con ma men nó dẫn phần xác và phần hồn đi vào mê trận của sự u mê, tối tăm, dục vọng. Tình trạng công chức uống rượu bia thái quá, say xỉn liên miên gây ra nhiều dư luận bất bình trong nhân dân đang là một tệ nạn chưa dẹp được. Đó mới chính là tác hại ghê gớm nhất. Rượu đã giết chết nhân cách công chức, giết chết kỷ cương, nền nếp cơ quan Nhà nước!

(còn nữa)

Ngô Minh