Sắc xuân trên vùng đất lở (Kỳ cuối: Niềm tin Trà Bui)
Rời Khe Chữ men theo dốc núi về đập thủy điện Sông Tranh cách xã Trà Bui (H. Bắc Trà My, Quảng Nam), nơi xảy ra đợt lở núi kinh hoàng vừa qua chỉ tầm 50km nhưng phải mất 2 giờ chinh phục bùn lầy mới đến nơi. Ở Trà Bui bây giờ, cuộc sống người dân vẫn còn trắc trở, chưa thể dựng nhà mới nhưng tất cả đều vững một niềm tin về một cái Tết ấm cúng...
Vợ chồng anh Thiện chuẩn bị đầy đủ mọi thứ đón Tết. |
Sẽ không bỏ Tết
Đường về Trà Bui lầy lội, nhiều vết thương của đợt núi lở chưa kịp hàn gắn nên giao thông cách trở. Thế nhưng, rất may tôi lại gặp được người đồng hành là anh Nguyễn Văn Thiện, người làng Trà Bui, "nhân chứng sống" của đợt sạt lở vừa qua. Trên con đường men theo sườn núi vào xã anh Thiện kể tôi nghe rất nhiều chuyện, nhưng đại ý vẫn là: "Dân Trà Bui còn cực, nhiều hộ chưa có nhà nhưng Tết đến ai cũng cố sắm sửa, chuẩn bị thật chu đáo". Chưa hết câu chuyện thì Trà Bui đã hiện ra trước mắt. Hiện trường vụ sạt lở vẫn còn đó, người dân đã được sơ tán đi nơi khác. Số thì dựng lều tạm, số thì ở nhờ nhà người dân. Có một điểm đặc biệt là người dân Trà Bui sẵn sàng giang tay cưu mang nhau trong cơn hoạn nạn. Đứng bên bờ sạt lở nhìn xuống, anh Thiện chỉ tay về nơi ngôi nhà cũ của anh nay đã biến mất trong đợt sạt lở kinh hoàng. Anh bảo: "Nhà mất rồi nhưng không sao, mọi chuyện vẫn có thể làm lại, quan trọng bây giờ là chuẩn bị mọi thứ đón Tết. Dứt lời, anh mời tôi vào nhà, là nhà bố mẹ vợ của anh. Anh kể, từ khi nhà cũ bị vùi lấp, cả gia đình anh chuyển qua ở nhờ nhà bố mẹ vợ, có gì ăn nấy. Nhờ sự giúp sức, chung tay của các nhà hảo tâm, có quà, có gạo nên vợ chồng anh không lo đói. Hỏi anh "Tết này thế nào?", anh cười: "Vẫn thế chứ sao. Có con gà, con lợn, ít rượu là có Tết. Không bỏ được".
Cùng hoàn cảnh với anh Thiện, anh Hồ Văn Hùng cũng đang ở tạm nhà người quen. Những ngày cận Tết, cùng với chủ nhà, vợ con anh tất bật lo toan, thu xếp. Cả gia đình anh có 5 thành viên, vợ chồng anh và ba đứa con. Từ lúc dọn về ở nhà người quen anh được mọi người giúp đỡ, hỗ trợ rất nhiều. Hôm chúng tôi đến vợ anh vừa lên xã nhận quà về. Cầm trên tay một triệu đồng, vợ anh thốt lên: "Có tiền rồi mình đi mua gà, rượu, bánh kẹo đón Tết thôi". Dạo quanh một vòng nơi đây, chính tại hiện trường vụ sạt lở, tôi không hề cảm nhận được nỗi đau buồn vẫn còn lẩn quất bởi niềm tin đã giúp người dân Trà Bui qua cơn bĩ cực. Tiếp tục men theo sườn núi đến tận nơi nhà tạm, vài hộ dân vẫn ở đó, suốt mấy tháng qua vì chưa thể dựng nhà mới. Anh Đinh Văn Cảnh thấy tôi lăn tăn về điều liệu Tết này người dân đón Tết ở đâu, anh xởi lởi: "Không lo gì cả, có nhà là có Tết, dù là nhà tạm, đơn sơ thôi nhưng sẽ không thua mọi năm. Hoàn cảnh đưa đẩy con người vào ngõ cụt, nhưng trong ngõ cụt chỉ cần có niềm tin, ánh sáng sẽ dẫn lối".
Nhiều hộ dân ở Trà Bui chưa thể dựng nhà nhưng vẫn sẽ không bỏ Tết. |
Khẩn trương dựng nhà
Thực tế, việc chưa thể dựng nhà cho người dân cũng là nỗi trăn trở của các cấp, các ngành và lãnh đạo huyện Bắc Trà My. Bởi, dù mấy tháng đã qua nhưng do điều kiện địa hình phức tạp nên chưa tìm ra phương án, địa điểm thích hợp tập trung người dân về nơi tái định cư mới. Trên hết, đây phải là một cuộc di dân lịch sử, phải chọn nơi thật sự ổn định để di dời một lần. Theo ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, hiện vẫn còn 70 hộ ở hai thôn 8 và 9 chưa thể dựng nhà mới, phải ở nhà tạm và ở nhờ nhà dân. Chính quyền xã đã khảo sát, chọn được vài nơi phù hợp đang chờ ý kiến của người dân để có thể triển khai thực hiện. "Hiện nay, xã đang kêu gọi các nguồn hỗ trợ, sự chung tay của cộng đồng để không một trường hợp nào thiếu ăn, thiếu mặc, tất cả phải có một cái Tết đủ đầy. Sắp tới, khi đã thống nhất địa điểm tái định cư toàn bộ các hộ dân sẽ được tập trung về đây dựng làng", ông Tiến nói.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My cho biết, huyện cũng đang huy động tất cả các nguồn lực cùng người dân khắc phục khó khăn. "Điều quan trọng trên hết là phải lo cho dân no, dân ấm, có đủ đầy điều kiện đón Tết Nguyên đán sắp đến. Huyện cùng các đơn vị luôn đồng hành, sát cánh cùng người dân bất kể trong trường hợp nào để kịp thời giúp họ vơi bớt nhọc nhằn, dần ổn định cuộc sống". Trời chập choạng tối, đồng bào Ca Dong, Co có lời mời tôi ở lại nhưng vì đường xa phải về. Men theo lối cũ đến lưng chừng núi, ngoảnh đầu nhìn lại mọi thứ mờ dần nhưng trong đáy mắt, một Trà Bui đầy niềm tin, hy vọng vẫn rõ nét, mang sắc xuân ấm áp vô cùng...
Phi Nông