Sách giáo khoa mới & nỗi lo mới!
Hè 2020, dpo ảnh hưởng dịch Covid-19 nên HS cả nước chỉ nghỉ hè 1 tháng rồi bước vào năm học mới 2020-2021. Năm học mới này, cả nước triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM) theo hình thức cuốn chiếu với sự khởi động đầu tiên dành cho HS khối lớp 1 bậc tiểu học.
Cán bộ quản lý và GV các trường TH tại Đà Nẵng tham khảo các bộ SGK do các NXB giới thiệu tại Đà Nẵng vào tháng 1-2020. Ảnh: P.T |
Theo Thông tư 01 của Bộ GD-ĐT, việc lựa chọn SGK lớp 1 cho năm học 2020-2021 thuộc quyền lựa chọn của các trường học; các địa phương không được can thiệp, tác động đến quá trình lựa chọn SGK của các trường. Tuy nhiên, đến năm học tiếp theo (2021-2022), việc chọn lựa SGK sẽ thuộc quyền quyết định của UBND các tỉnh, TP. Dư luận xã hội cho rằng, việc thay đổi chủ thể được quyền quyết định chọn lựa SGK theo CTGDPTM sẽ không chỉ gây lãng phí về tiền của mà còn gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, đào tạo của ngành GD-ĐT các địa phương.
Tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX diễn ra vào chiều 7-7, liên quan đến vấn đề này, một số đại biểu có ý kiến đóng góp, để tránh gây lãng phí trong vấn đề chọn lựa và sử dụng SGK theo CTGDPTM, TP nên lựa chọn bộ SGK mà đa số các trường đã chọn trong năm học đầu tiên triển khai thực hiện để áp dụng chung trên địa bàn TP cho những năm tiếp theo. Có như thế mới tránh gây lãng phí. Bên cạnh đó, TP cần có ý kiến đóng góp với Bộ GD-ĐT về vấn đề này.
Qua trao đổi với bà Lê Thị Bích Thuận- Giám đốc Sở GD-ĐT TP- được biết, để chuẩn bị cho sự thay đổi này, ngay từ đầu năm 2020, ngành GD-ĐT TP đã nỗ lực khắc phục khó khăn bởi ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch để triển khai việc lựa chọn SGK lớp 1 theo đúng tuần tự các bước quy định của Bộ GD-ĐT và Luật GD mới. Theo đó, việc lựa chọn SGK lớp 1 phục vụ năm học 2020-2021 đã được toàn ngành tiến hành khá bài bản, kĩ lưỡng, công bằng, công khai và minh bạch.
Trong quá trình chuẩn bị cho việc triển khai đổi mới CT, SGK lớp 1 năm học 2020-2021, ngành GD-ĐT TP cũng đã lường trước những khó khăn, thách thức mà ngành cũng như phụ huynh (PH), HS phải đối mặt trong việc lựa chọn và sử dụng SGK lớp 1 theo Thông tư 01 của Bộ GD-ĐT. Khó khăn đầu tiên thuộc về PHHS, bởi so với bộ SGK cũ, giá thành của bộ SGK mới cao hơn (chưa kể sách bài tập, sách tham khảo, dụng cụ học tập...). Điều này ảnh hưởng đến đời sống người dân nói chung và người lao động nghèo nói riêng. Đặc biệt hơn, khi HS vì lý do nào đó buộc phải chuyển trường sẽ phải mua lại SGK mới nếu như trường mới không sử dụng bộ sách giống như ở trường cũ. Đối với ngành GD-ĐT cũng sẽ gặp khó khăn không ít trong công tác thanh, kiểm tra, dự giờ thăm lớp của các trường học.
Nhận thức được những khó khăn phải đối mặt này, ngay khi bắt đầu các bước trong chọn lựa SGK lớp 1 theo đúng quy định của Nhà nước, trên cơ sở họp bàn, lắng nghe ý kiến đóng góp từ cơ sở, Sở GD-ĐT TP đã đề ra các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn trên. "Trước hết, chúng tôi nghiên cứu, hướng dẫn kĩ việc sinh hoạt chuyên môn ở các trường: căn cứ khung chương trình để nhận xét đánh giá; đặc biệt lưu ý việc sinh hoạt cụm chuyên môn ở các trường sử dụng những bộ SGK khác nhau... Sở GD-ĐT cũng đã có kế hoạch làm việc với các nhà xuất bản cũng như có văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT về chính sách hỗ trợ giá SGK cho HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn... Nghiên cứu việc lựa chọn SGK cho năm học 2021-2022 hiệu quả nhất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến PH và HS"- bà Lê Thị Bích Thuận chia sẻ.
Mọi sự thay đổi, đổi mới luôn nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Đó là quy luật tất yếu trong cuộc sống. Đến thời điểm này, khi "gạo" đã nấu gần chín "thành cơm" thì việc "bàn ra" đối với CT, SGK lớp 1 mới cũng không thể giải quyết được vấn đề gì. Vì thế, để việc chọn và sử dụng SGK lớp 1 theo CTGDPTM đi vào ổn định, tránh gây lãng phí, làm xáo trộn và tạo nên dư luận không tốt trong xã hội, điều mà ngành GD-ĐT cũng như các địa phương trong cả nước cần làm ngay đó là phải có những ý kiến đóng góp xác đáng với Bộ GD-ĐT về dự thảo Thông tư mới hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo Luật Giáo dục 2019 nhằm phục vụ việc lựa chọn SGK bắt đầu từ năm học 2021-2022 về sau thay cho Thông tư 01. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện CT, SGK lớp 1, cần theo dõi, kiểm tra chặt chẽ mọi hoạt động dạy-học của các đơn vị trường học, kịp thời phát hiện những bất cập để có ý kiến với Bộ GD-ĐT nhằm điều chỉnh cho phù hợp.
Khánh Yên