“Sách giúp trẻ thơ phát triển trí tưởng tượng, trưởng thành về cảm xúc và đạo đức”…
(Cadn.com.vn) - “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/Chẳng bằng kinh sử một vài pho” (Lê Quý Đôn). Nhằm góp phần giáo dục cho HS-SV niềm đam mê đọc sách, có khát vọng khám phá, tìm hiểu kho tàng tri thức của nhân loại, “Ngày đọc sách TPĐN” do Sở GD-ĐT TP phối hợp với Tạp chí Thế giới mới- Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 22-4 đã thu hút đông đảo HS, thầy cô và phụ huynh toàn thành phố tham gia. Đặc biệt là phần giao lưu với nhà văn chuyên viết về đề tài tuổi mới lớn-Nguyễn Nhật Ánh. Đối với thế giới tuổi thơ và tuổi mới lớn, sách đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hướng thế giới quan, nhân sinh quan. Nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (NV N.N.A)…
Thành công không ngờ
Hơn 10.000 lượt HS tham gia tại “Ngày đọc sách” lần đầu tiên được ngành GD-ĐT TP tổ chức là một minh chứng về sự thành công đó. Với cách trình bày đẹp, khoa học, sáng tạo cùng số lượng sách phong phú, các gian hàng trưng bày sách của các Phòng GD-ĐT, các trường THPT và các nhà tài trợ đã thu hút được đông đảo HS và quan khách tham quan, đọc sách và mua sách. Bên cạnh việc trưng bày, triển lãm sách, Ban tổ chức đã có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng các chương trình lồng ghép nhằm tôn vinh văn hóa đọc như: giới thiệu các cuốn sách “Mãi mãi tuổi 20”, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”; Đố vui về sách với 150 câu, trong đó có 15 câu hỏi về Hoàng Sa; Thi đọc diễn cảm các tác phẩm trong nhà trường; Thi ý tưởng hay về sách; Thi đọc tiếng Anh... 2 phần thi được đông đảo HS tham gia sôi nổi nhất là phần thi “Đố vui về sách” và “Thi đọc diễn cảm..”.
![]() |
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho các độc giả tuổi mới lớn tại buổi giao lưu. |
Ngoài ra, 10 thư viện của các trường học được BTC trao giải Thư viện đạt chuẩn. Trước sự thành công của “Ngày đọc sách”, ông Huỳnh Văn Hoa-Giám đốc Sở GD-ĐT xúc động phát biểu: “Vai trò của sách và việc đọc sách là vô cùng quan trọng đối với con người, nhất là đối với HS-SV. Tuy nhiên, dưới tác động của lối sống thực dụng, của sự phát triển như vũ bão của CNTT và các kênh truyền hình..., đã làm cho đa số giới trẻ không còn mê đọc sách như trước đây. Nói như Phó GS-TS Trần Hữu Tá, văn hóa đọc trong nhà trường đáng báo động, đó là điều dễ dẫn đến hiện tượng sa mạc hóa về ngôn ngữ, sự nghèo nàn về đời sống tâm hồn, vốn tri thức của giới trẻ đang ngày mai một... Đây chính là một trong những lý do, động lực để ngành GD-ĐT TP phối hợp cùng Tạp chí Thế giới mới-Bộ GD-ĐT tổ chức “Ngày đọc sách” này...”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bị giới hâm mộ học trò “bao vây”
Có lẽ, phần giao lưu với NV.N.N.A thu hút HS các cấp tham dự nhất. Có những cô bé, cậu bé tiểu học cũng đến dự giao lưu và xếp hàng chờ đợi xin bằng được chữ ký của nhà văn. Bị “bao vây” bởi sự hâm mộ của thế giới tuổi hoa niên, tuy mệt, nhưng nhà văn vẫn luôn cười tươi vì hạnh phúc được “độc giả” nhí hâm mộ. Báo Công an TPĐN trích đăng nội dung cuộc trò chuyện giữa phóng viên-học sinh với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại buổi giao lưu...
H.S: Thưa nhà văn! Cháu rất hâm mộ các tác phẩm của NV. Xin NV cho biết, đến khi nào thì các tác phẩm văn học của Việt
NV. N.N.A: Không phải đợi đến tương lai, mà trong quá khứ và hiện tại, có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng ở Việt Nam đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Nhật, Thụy Điển..., và được đánh giá rất cao. Tác phẩm “Mắt biếc” của tôi cũng đã được một NV người Nhật dịch ra tiếng Nhật cách đây mấy năm rồi...
H.S: Nguồn cảm hứng nào để NV viết hay về lứa tuổi mới lớn, về tuổi học trò như “Mắt biếc”, “Hạ đỏ”?
NV.N.N.A: Các tác phẩm viết về tuổi mới lớn, đặc biệt là tác phẩm “Mắt biếc”, “Hạ Đỏ” của tôi đều xuất phát từ kỷ niệm. 14 tuổi tôi đã xa quê hương. Do đó, nỗi nhớ quê hương cùng nỗi nhớ về tuổi thơ lúc nào cũng hằn sâu trong tôi... Có lẽ thế mà tôi rất muốn được quay về với thế giới ấy bằng nghệ thuật viết...
H.S: Đã lớn tuổi, nhưng sao NV lại viết về thế giới trẻ thơ rất tinh tế, trong sáng và hồn nhiên như vậy. Bí quyết đó là gì ạ?
NV N.N.A: Câu hỏi này thật khó trả lời. Tôi viết từ rất bé, 13 tuổi đã làm thơ... người lớn, trong đó có câu “Kềnh càng chân bước vào đời/Bỏ thơ ngây lại cái thời thơ ngây”. 14 tuổi, tôi viết truyện ngắn gửi vào Sài Gòn dự thi và đạt giải ba với tác phẩm “Đoạn kết một cuộc tình”, mặc dù chưa biết gì về tình yêu. ...Điều đó nói lên rằng: khi còn trẻ ta rất thích làm người lớn, muốn mau chóng trở thành người lớn, học đòi làm lớn. Nhưng càng lớn, lại có khuynh hướng muốn trở về thời thơ ấu... Đó là... quy luật tâm lý của tôi.
H.S: Thưa nhà văn, tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, NV viết rất dí dỏm, hồn nhiên, vui tươi, nhưng đa số các tác phẩm chuyện dài, văn phong lại rất buồn, kết thúc thường không có hậu. Vì sao NV có 2 quan điểm, cách nhìn khác nhau như vậy?
NV.N.N.A: Hầu hết các tác phẩm về thiếu niên của tôi đều vui vẻ, hồn nhiên như Kính vạn hoa chẳng hạn. Còn các tác phẩm dành cho tuổi mới lớn, viết về những rung động đầu đời của bạn gái, bạn trai..., nên thường kết thúc với cảm giác buồn man mác để phù hợp với tâm lý của lứa tuổi học trò...
P.V: Dưới sự tác động của CNTT và các kênh truyền hình... khiến đa số giới trẻ hiện nay không còn say mê đọc sách như trước nữa. Theo NV, làm thế nào để đưa giới trẻ quan tâm và trở về với Văn hóa đọc?
NV.N.N.A: Theo tôi, thứ nhất, chương trình giáo dục phải được giảm tải. HS bây giờ học nặng nề quá, không có thời gian để thư giãn, trong đó có đọc sách. Thứ đến, các thầy cô, đặc biệt là thầy cô dạy văn phải yêu sách, đọc sách nhiều, từ đó truyền tải những điều hay, ý đẹp của sách đến HS. Hồi nhỏ tôi cũng vậy thôi, thích đọc sách là do nghe thầy cô kể hay quá những tác phẩm đã được đọc, từ đó tìm kiếm sách để đọc. Còn vai trò của bố mẹ cũng vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến việc định hướng cho các em...Và bản thân các NV cũng phải nỗ lực để viết được nhiều tác phẩm hay cho các em. Có thể nói, sách giúp cho con người, cho thế giới trẻ thơ phát triển trí tưởng tượng, trưởng thành về mặt cảm xúc và đạo đức. Thấy người xấu thì ghét, thấy người tốt thì yêu quý.
P.V: Bí quyết để anh viết khỏe và viết rất hay về thế giới tuổi thơ?
NV.N.N.A: Bí quyết là không... có bí quyết gì hết. Theo tôi, nó tuỳ thuộc vào tâm hồn của mỗi người. Có những người sống rất lâu với tuổi 30, 40, hoặc 50...Với tôi, tôi nhớ vanh vách lứa tuổi ấu thơ đến 15 tuổi, đặc biệt, nhớ mãi mãi tuổi 15...
Bài và ảnh: A.Hào