Sài Gòn trên đôi quang gánh
Bạn có thể đã sống ở Sài Gòn lâu, vài năm, cả chục năm hoặc hơn thế nữa. Nhưng chắc chắn rất hiếm khi bạn bỏ một ngày thong dong đi bộ trên những con phố. Đi chậm từ con phố này sang con phố khác, đi trong cái nắng rất... Sài Gòn loang lổ xuống những hàng cây. Đi lang thang như thế sẽ bắt gặp một Sài Gòn trên những đôi quang gánh. Một Sài Gòn... nhà quê trong lòng đô thị với những chiếc ô-tô đắt tiền nhẹ nhàng lướt qua con phố. Những đôi quang gánh ấy đôi khi đã biến mất ở những đô thị lớn, giờ đây trở thành nét rất riêng trong lòng thành phố Sài Gòn, trở thành tâm điểm tò mò của khách du lịch, trở thành hình ảnh ghi nhận của du khách nước ngoài khi rong chơi trong lòng thành phố này. Và điều thú vị hơn nữa, theo ghi nhận của chúng tôi là cuộc mưu sinh trên đôi vai với chiếc đòn gánh, hai chiếc thúng hoặc nồi niêu đựng thức ăn ấy dễ chừng chỉ riêng quận 1 và quận 3 có gần 100 người. Lý do dễ hiểu là những gánh hàng là điểm đến của khách du lịch ghé qua.
Khách mua hàng. |
Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ ngã tư Trương Định- Võ Văn Tần, ghé hồ Con Rùa, rồi lần lượt đến Dinh Thống Nhất, thong thả đi dọc theo công viên đến Nhà thờ Đức Bà. Chúng tôi thong dong trên một khoảng đường 10 cây số và bắt gặp những cuộc mưu sinh linh hoạt, đầy thú vị. Vừa ngang qua đường Phạm Ngọc Thạch đã gặp một quang gánh được che bọc ni lon rất kỹ. Gánh hàng rong ấy của một phụ nữ rất trẻ, nói rặt tiếng miền Nam. Chỉ trong không gian chật hẹp, chị đã có thể vừa pha bột với thùng bột mang theo, chiếc lò nướng được che bằng thùng đựng bia 333. Còn đầu gánh bên kia là những chiếc bánh thành phẩm đã chiên xong. Chị đã thức dậy từ rất sớm ở một con hẻm nhỏ tận quận 10, thong dong quang gánh tới địa điểm quen thuộc của mình bắt đầu hành trình mưu sinh từ sáng sớm. Còn trên đường Lê Duẩn, ngay khu công viên là gánh hàng rong của một người phụ nữ khác. Chị bán cơm chiên Dương Châu, có hộp xốp cho khách đi đường mua hàng. Gánh hàng rong của chị đặt ngay bên vệ đường, nằm lọt xuống lòng đường. Thoáng chốc, chị lại để cả gánh hàng lên vai, thoăn thoắt bước chân đến một địa điểm đông người khác.
Du khách nước ngoài chụp ảnh người bán hàng trên đôi gánh trên phố Sài Gòn. |
Tại Công viên Bạch Đằng là nơi rất nhiều du khách dừng chân cũng là điểm đến của những đôi quang gánh. Những cụ già và cả nhữg cô gái trẻ dừng ở điểm này rồi đến một điểm kia một cách mau chóng. Cách chọn lựa địa điểm bán hàng tạo thuận lợi cho khách, còn đôi chân của họ thì mỗi ngày đi không biết qua bao nhiêu con phố Sài Gòn, từ khi mặt trời mới bắt đầu ló dạng cho đến khi chúng hào phóng ném những tia nắng nóng nung người.
Một người đàn ông với gánh nước giải khát di động. |
Con phố Lê Lợi là điểm có rất nhiều du khách dạo chơi, cũng là điểm của những nghề nho nhỏ tồn tại trong cuộc mưu sinh. Đó là bán tiền cổ, hộp quẹt xưa, áo, mũ có cờ Việt Nam, và có cả một ông thợ ngồi yên gần góc chợ Bến Thành chỉ với công việc là khắc chữ lưu niệm cho du khách trên những vật dụng như hộp quẹt, cây viết hoặc thứ gì đó có thể khắc lên được mà khách mới mua cũng ngay trên con phố Lê Lợi. Và tất nhiên, tại đường Lê Lợi này cũng mang đậm nét quang gánh Sài Gòn. Bà cụ Tin, 67 tuổi, quê ở một tỉnh tận miền Bắc cho biết, cụ đã quang gánh như thế hơn 8 năm, và thường chỉ ở đường Lê Lợi. Cụ mặc chiếc áo xanh lốm đốm họa tiết. Cụ cần mẫn nướng những chiếc bánh bột bằng chiếc lò đặt ngay trong quang gánh. Hình ảnh cụ nướng bánh giữa phố phường náo nhiệt ấy gây sự tò mò của nhiều du khách đang rong chơi trên con đường chộn rộn nhất Sài Gòn. Bên cạnh đó là hàng trái cây của một phụ nữ rất trẻ. Ngồi bên cạnh đôi quang gánh ấy, người phụ nữ chống cằm nhìn con phố đang trôi qua.
Nướng bánh. |
Sáng, chiều, sớm, tối và cả ngày nắng hay ngày mưa, phố Sài Gòn điểm xuyết những đôi quang gánh của đủ mọi con người từ mọi vùng miền đất nước vào cuộc mưu sinh tạo ra cái hồn của phố. Có ai đã từng nói là sống ở Sài Gòn, chỉ cần chịu khó là có thể sống được. Với chiếc đòn gánh trên vai, sự biến tấu của gánh hàng thành một “cửa hàng” bằng vốn liếng đôi khi chỉ vài trăm ngàn, những người phụ nữ ngược xuôi trong lòng phố ấy vào cuộc mưu sinh nhẹ nhàng. Nhà văn Mỹ E.Shillue đã viết trong “Đất nước”-NXB Đại học Massachusetts – 1997: “Bà bán hàng rong mang trên vai một vật lãng mạn nhất ở phương Đông - cái đòn gánh. Bà nhẹ nhàng nhún nhảy bên phải bên trái đi ra khỏi ngõ”. Từ nông thôn, đôi quang gánh đã ra phố trong rộn ràng của những tiện nghi, và tồn tại một cách hài hòa trong lòng Sài Gòn. Họ không quan tâm đến việc các nhà nghiên cứu đặt vấn đề chiếc đòn gánh ra đời khi nào? Và văn minh cây tre của làng gắn liền sự ra đời của chiếc đòn gánh kia.
Khuê Việt Trường