Sắm Tết online

Thứ bảy, 23/01/2021 18:00

Cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao hơn so với ngày thường. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian ra chợ hay siêu thị chen lấn lựa những món đồ cần thiết cho gia đình rồi xếp hàng chờ thanh toán. Chính vì vậy, một hình thức thay thế trở nên nở rộ, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn những ngày cận Tết là mua sắm online.

Tranh thủ giờ nghỉ, chị Hải Như lên các trang thương mại điện tử sắm Tết cho chồng, con.

Dễ dàng, nhanh chóng

Thực tế, mua sắm online không còn là từ khóa xa lạ với những người tiêu dùng thông minh. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mua sắm trên các trang mạng điện tử cũng trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn. Chị Lê Ngô Hải Như (trú P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, nhân viên kế toán công ty xây dựng), là "tín đồ" của mua sắm online cho hay, từ khi có con nhỏ cùng với công việc bận rộn tối ngày chị đã "bỏ quên" hình thức mua sắm truyền thống, chuyển hẳn sang mua sắm online. "Sau giờ làm còn con cái và việc gia đình nên tôi không còn thời gian ra chợ để lựa mua hàng. Thay vào đó, chỉ cần bỏ ra vài phút lên các trang mạng điện tử là tôi có thể "rinh" được những món đồ ưa thích và còn được ship tận nhà. Mua sắm online thật sự tiện lợi và nhanh chóng. Những ngày cận Tết, nhu cầu mua sắm của các thành viên trong gia đình tăng cao nhưng tôi tự tin có thể "cân" tất cả chỉ cần vài cú đúp chuột", chị Như cho hay.

Chị Như phân tích thêm, mua sắm online ngoài những điểm lợi trên, người tiêu dùng còn có thể dễ dàng so giá giữa các món đồ được bày bán, qua đó có thể lựa mua với mức giá rẻ nhất. "Tôi lập rất nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội từ Lazada, Tiki đến Shopee. Cứ bên nào bán với giá ưu đãi hơn, chính sách khuyến mãi cao hơn cộng với việc vận chuyển nhanh chóng, cẩn thận là tôi "chốt đơn" ngay. Từ nay đến Tết, công việc cũng tương đối bận rộn nên có lẽ tôi còn mua sắm nhiều trên các sàn thương mại điện tử uy tín", chị Như tâm sự.

Mua sắm online nở rộ, đặc biệt trong dịp cận Tết.

Trước nhu cầu mua sắm tăng cao của người tiêu dùng, nhiều trang thương mại điện tử cũng đã bắt đầu tung ra các hình thức ưu đãi khác nhau. Từ nay cho đến Tết, các sàn này sẽ cạnh tranh nhau để "hút" khách hàng. Từ chính sách giảm giá hàng, miễn phí vận chuyển đến tặng quà kèm theo... đều hướng đến việc giúp khách hàng là người hưởng lợi khi lựa chọn mua sắm online.

Các đơn vị hợp tác vận chuyển những ngày này cũng hoạt động hết năng suất để những đơn hàng không bị gián đoạn mà phải đến tay khách hàng một cách nhanh nhất. Anh Sơn - nhân viên giao hàng của đơn vị J&T Express ở khu vực P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng tiết lộ, những ngày bình thường anh chỉ giao hàng vào ban ngày nhưng dịp cận Tết anh tăng ca cả ban đêm. Một phần để kiếm thêm thu nhập trang trải Tết, phần vì số lượng đơn hàng tăng cao, nếu chỉ giao ban ngày sẽ không kịp tiến độ. "Ngày thường tôi giao từ 50 đến 80 đơn thì nay mỗi ngày tăng lên đến hàng trăm đơn. Dự kiến trong những ngày tới, số đơn hàng khách đặt online sẽ còn tăng cao hơn nữa nên công việc của tôi sẽ hơi vất vả. Dù vậy, với nghề giao hàng, uy tín, cẩn thận và nhanh chóng phải đặt lên hàng đầu nếu không muốn khách hàng quay lưng với mình", anh Sơn nói.

Cẩn trọng tiền mất, tật mang

Không chỉ mua sắm qua các sàn thương mại điện tử, thời buổi mạng xã hội như Facebook, Zalo... phát triển, việc mua sắm qua các kênh này cũng trở nên phổ biến. Mặc dù vậy, hình thức nào cũng có những rủi ro nhất định mà nếu không tỉnh táo và thông minh, người tiêu dùng sẽ dễ dàng "sập bẫy" những kẻ lừa đảo. Việc các mặt hàng được bày bán trên mạng xã hội rất khó kiểm soát về chất lượng sản phẩm. Vì thế, chỉ cần những lời rao "có cánh'', người tiêu dùng nhẹ dạ rất dễ bị lừa mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

"Có nhiều kẻ lừa đảo lên mạng Facebook rao bán hàng dỏm nhưng tự "gắn mác" hàng xịn, bán hạ giá để "tri ân khách hàng", "xả hàng tồn, đón hàng mới''... Dịp cuối năm, những đối tượng này càng "chịu khó" hoạt động rầm rộ hơn để đánh vào nhu cầu mua sắm của khách hàng. Thực tế đã có lần tôi mua phải chiếc đồng hồ giả nhưng được rao là hàng của một thương hiệu uy tín. Khi nhận hàng, chủ quan không kiểm tra mà trả tiền trước, đến khi vỡ lẽ thì liên hệ với người bán không phản hồi. Những lần như thế chỉ biết ôm sự tức giận vào lòng chứ chẳng biết làm thế nào khi mình không đủ thông minh", Huy Hùng - khách hàng thường xuyên mua sắm online chia sẻ.

Trước những kẽ hở của việc mua sắm online, để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, thương hiệu mình chọn mua trước khi chốt đơn hàng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên chọn những trang bán hàng uy tín, được đánh giá cao, có đăng ký hoạt động kinh doanh với cơ quan chức năng và đã được cấp phép, có thông tin liên lạc rõ ràng như: địa chỉ, số điện thoại và có nhiều lượt mua để mua hàng, tránh tiền mất, tật mang.

THÀNH DANH

Năm qua, do sự hoành hành của dịch Covid-19, nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Song, với các trang thương mại điện tử được xem là năm "trúng đậm". Khi không thể ra ngoài trong những ngày cách ly xã hội, hạn chế đến nơi đông người, rất nhiều khách hàng đã lựa chọn mua sắm online. Cận Tết, theo các sàn thương mại điện tử, họ cũng đã liên kết với các đơn vị bán hàng tăng cường nhập hàng. Từ hàng may mặc, đồ gia dụng, điện tử, đến hàng tiêu dùng... đều được dự đoán sẽ được người tiêu dùng "săn đón" trong những ngày tới.