Samantha Power- nữ chính khách quyền lực tại HĐBA LHQ
(Cadn.com.vn) - Tỷ lệ nhà ngoại giao nữ tại LHQ luôn ở mức rất thấp. Trong vòng 70 năm qua, có rất ít nữ chính khách nắm giữ ghế trong HĐBA LHQ. Năm 2014, HĐBA LHQ ghi nhận số nữ đại diện cho các nước thành viên đạt kỷ lục là 6 người, nhưng con số này giảm xuống còn 4 người vào năm ngoái. Và năm nay chỉ còn một người duy nhất, đó chính là nữ Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power.
Năm nay, 3 nữ đại diện của 3 nước thành viên HĐBA LHQ là Lithuania, Jordan và Nigeria kết thúc nhiệm kỳ và được thay thế bằng 3 nam đại sứ đến từ Nhật, Ukraine và Senegal. Hai nước thành viên mới trong HĐBA LHQ năm nay là Ai Cập và Uruguay cũng có đại diện là nam. Vì vậy, hiện tại, bà Samantha Power là nữ đại sứ duy nhất đảm nhận vai trò trong ban HĐBA.
Nhà hoạt động vì nhân quyền
Bà Power là nữ phái viên thứ 4 đại diện của Mỹ tại LHQ, sau những người tiền nhiệm Jeanne Kirkpatrick (1981-1985), Madeline Albright (1993-1997) và Susan Rice (2009-2013).
Sinh ra ở Dublin, Ireland năm 1970, khi còn trẻ, bà Power ấp ủ tham vọng trở thành phát thanh viên thể thao. Nhưng sau đó, những mong muốn đấu tranh vì nhân quyền cho các quốc gia trên toàn thế giới trong bà trỗi dậy. Tốt nghiệp Đại học Yale và trường luật Harvard, bà Power từng làm việc tại Văn phòng Chính sách Đối ngoại của Tổng thống Barack Obama. Nguyên nữ phóng viên chiến trường này cũng từng làm trợ lý đặc biệt cho Chủ tịch và Giám đốc cấp cao về các vấn đề đa phương và nhân quyền tại Hội đồng An ninh Quốc gia. Bà từng đoạt giải Pulitzer, một trong các giải thưởng báo chí cao quý nhất ở Mỹ, nhờ cuốn sách nói về điều mà bà gọi là sự ứng phó yếu ớt, rụt rè của Mỹ đối với những vụ khủng hoảng nhân quyền.
Năm 2013, bà Power nhậm chức Đại sứ Mỹ tại LHQ thay cho bà Susan Rice, hiện là người đang giữ chức cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama.
Bà Samantha Power |
Đề cao vai trò phụ nữ
Mới đây, nữ chính khách quyền lực này thổ lộ, lần đầu tiên bản thân cảm thấy cô độc với tư cách là người phụ nữ duy nhất trong HĐBA LHQ là trong một cuộc tranh luận hôm 10-3 về lạm dụng tình dục giữa các nhà hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, nơi bà đấu tranh mạnh mẽ vì quyền lợi của phụ nữ.
“Trong lúc đang nỗ lực đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ thì tôi cảm nhận thái độ không hợp tác của một vài người”, bà nói. Bản thân bà cho rằng, mình dường như đọc được suy nghĩ trong đầu của họ như: “Đó là do bà cũng là phụ nữ thôi”, hay “Bà đang làm trầm trọng hóa vấn đề”. Tại khóa họp thường niên của Ủy ban địa vị Phụ nữ LHQ tại trụ sở LHQ vào tuần trước, các thành viên của HĐBA nhấn mạnh sự cần thiết của việc đảm bảo bình đẳng giới và sự tham gia tích cực của phụ nữ để giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.
Giám đốc chính trị của LHQ Jeffrey Feltman cho biết, sự hiện diện của phụ nữ trong ban hội đồng nói riêng và các tổ chức quốc tế nói chung là yếu tố đảm bảo “cam kết duy trì” bình đẳng giới trong việc đối phó với khủng hoảng và xung đột thế giới. Ông Feltman cho biết, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tăng số lượng các phụ tá và trợ lý ngoại trưởng làm việc ở nước ngoài lên 20%, và số lượng nữ đại sứ tại LHQ cũng tăng từ 7 người cách đây 20 năm đến 37 người hiện nay, tương đương 20%. “Nhưng như thế vẫn chưa đủ”, ông nói thêm.
Mặc dù trong tình hình hiện nay phụ nữ có nhiều vai trò hơn trong LHQ song nam giới vẫn còn chiếm số đông áp đảo tại tổ chức quốc tế này. Hơn 70 năm qua, tất cả tổng thư ký LHQ đều là nam giới. Nhiều ý kiến thăm dò cho rằng, khi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm 2016, cần lựa chọn 1 người phụ nữ để thay thế. Vì sao mọi người đều mong muốn Tổng Thư ký LHQ là phụ nữ? Đơn giản, điểm khởi đầu trong công việc của người phụ nữ là chấm dứt chiến tranh để duy trì sự bình yên, an toàn và ổn định bởi thế giới cũng như là gia đình thu nhỏ.
Tuệ Khanh
(Theo ABC, Tribute)