Sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do virus Ebola

Thứ năm, 21/08/2014 09:28

(Cadn.com.vn) - Trước tình hình dịch bệnh do virus Ebola đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ xâm nhập vào Đà Nẵng cũng như có khả năng bùng phát dịch lớn tại cộng đồng, chiều 20-8, UBND thành phố tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống  dịch bệnh do virus Ebola. Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ dự và chỉ đạo hội nghị.

Đà Nẵng là thành phố công nghiệp, du lịch, có cảng hàng không quốc tế và cảng biển với lượng hành khách quốc tế nhập cảnh hàng ngày rất lớn. Trung bình mỗi ngày, sân bay quốc tế Đà Nẵng đón từ 12-15 chuyến bay quốc tế đến.

Chỉ tính từ ngày 15-8 đến nay đã có 115 chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng với hơn 153.210 du khách và có 7 chuyến tàu biển với 139 du khách. Nguy cơ bệnh có thể xâm nhập vào thành phố thông qua các khách du lịch, người lao động về từ các quốc gia vùng Tây Phi hoặc hành khách nhập cảnh có thời gian ở, đi qua các quốc gia vùng Tây Phi là rất lớn.

Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ phát biểu chỉ đạo hội nghị. 

Để ngăn chặn kịp thời dịch do virus Ebola có thể xuất hiện tại Đà Nẵng, từ ngày 15-8, Sở Y tế thành phố đã phối hợp với Cảng vụ hàng không, cảng biển triển khai thực hiện việc giám sát chặt chẽ tất cả các hành khách nhập cảnh vào Đà Nẵng qua các cửa khẩu thông qua việc theo dõi thân nhiệt bằng hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa.

Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên (nếu có) để kịp thời tổ chức cách ly và xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, điều trị tích cực (nếu có) nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan trong cộng đồng. Cũng như, áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu quốc tế đối với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch bệnh hoặc có đi ngang qua vùng dịch trong vòng 21 ngày theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

* Bệnh do virus Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A, có khả năng lây lan nhanh từ người với người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc. Thời gian ủ bệnh trung bình là 2-21 ngày và tỷ lệ tử vong đến 90%. Thế giới chưa có kháng thể điều trị sốt Ebola, chưa có điều trị đặc hiệu.

Tính đến nay, trên thế giới ghi nhận 2.127 trường hợp mắc bệnh do virus Ebola và đang tiếp tục gia tăng từng ngày, trong số này 1.145 người đã tử vong tại 4 quốc gia Tây Phi gồm: Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone. Hầu hết các bệnh nhân này đều có các triệu chứng: sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc, phát ban. Ngoài ra, các bệnh nhân kèm theo các biểu hiện xuất huyết như: đi ngoài phân đen, chảy máu nơi tiêm truyền, ho máu, chảy máu chân răng... Hiện tại, nước ta chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do virus  Ebola nhưng dịch bệnh vẫn có nguy cơ xâm nhập vào và bùng phát rất cao.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã tiến hành tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ về công tác giám sát, xử lý ổ dịch, phương pháp lấy mẫu, chẩn đoán, thu dung điều trị bệnh nhân. Đặc biệt, ngành Y tế thành phố đã sẵn sàng nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ y tế, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân.

Tăng cường giám sát trường hợp có các triệu chứng: sốt, đau đầu, nôn, tiêu chảy, xuất huyết. Theo đó, nếu xuất hiện ca bệnh là người lớn thì sẽ tổ chức cách ly, điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới (BV Đà Nẵng), còn đối với bệnh nhân nhi sẽ được điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới (BV Phụ sản - Nhi).

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân xuất hiện từ 36 ca bệnh trở lên (bệnh nhân người lớn vượt quá 30 và bệnh nhân trẻ em vượt quá 6) thì sẽ triển khai bệnh viện dã chiến điều trị bệnh tại BV Phục hồi chức năng Đà Nẵng.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã tập trung chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng thành phố và 7 trung tâm y tế quận, huyện và 56 trạm xá phường, xã giám sát chặt chẽ tình hình mắc bệnh đến tận tổ dân phố, thôn, xã, phường, hộ gia đình. Khi phát hiện có ca nhiễm virus Ebola thì tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm và gửi mẫu xét nghiệm về Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương.

Đồng thời, tiến hành lập danh sách những người đến từ vùng dịch, những người có tiếp xúc gần, tổ chức giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện có triệu chứng nghi ngờ cần đưa ngay đến bệnh viện để cách ly và điều trị kịp thời.

Tùy theo diễn biến của dịch, Sở Y tế sẽ huy động toàn bộ nhân lực, vật lực, trang thiết bị trong và ngoài ngành Y tế, thậm chí có thể lập bệnh viện dã chiến nếu cần. Người dân cần chủ động phòng tránh song không nên quá hoang mang.

Để dịch bệnh không thể phát sinh, Sở Y tế thành phố khuyến cáo mọi người dân nên tuân thủ những thực hành vệ sinh cơ bản để phòng ngừa nhiễm virus Ebola như: Sau khi chạm vào người bị sốt nghi do Ebola và đồ dùng của họ thì nên rửa tay bằng xà phòng. Nên nấu chín thật kỹ thức ăn có nguồn gốc từ động vật.

Bảo đảm vệ sinh và sinh hoạt cá nhân lành mạnh. Khi có các biểu hiện như: sốt, đau đầu, nôn, tiêu chảy, xuất huyết cần báo ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời; người trở về từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế ở địa phương để được theo dõi...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đề nghị: Các cấp, các ngành, địa phương cần phải thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố về công tác phòng chống dịch bệnh Ebola.

Đồng thời, phải tăng cường giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh vào Đà Nẵng. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus  Ebola cần được khám, cách ly và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế sự lây lan trong cộng đồng. Triển khai mạnh mẽ công tác giám sát nhằm phát hiện virus Ebola (nếu có) để tập trung xử lý sớm ổ dịch, không để bệnh lây lan.

Đặc biệt, ngay từ bây giờ phải chuẩn bị thật kỹ phác đồ điều trị và khu cách ly, giường bệnh, phương tiện điều trị để sẵn sàng vào cuộc khi có dịch xuất hiện. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh...

Hằng ngày Sân bay Đà Nẵng đón tiếp hàng ngàn du khách quốc tế, trong đó có nhiều du khách đến từ Tây Phi.

* Liên quan đến 2 trường hợp người Nigeria nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 19-8 nghi nhiễm dịch bệnh do virus Ebola, chiều 20-8, Văn phòng đáp ứng khẩn cấp Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết: 24 giờ qua theo dõi tại bệnh viện, 2 người này không sốt, không có biểu hiện gì bất thường cũng như không phát hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh do virus Ebola.

Bộ Y tế trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ thống nhất không tiến hành cách ly tại bệnh viện mà chuyển sang các biện pháp theo dõi giám sát tại cộng đồng trong vòng 21 ngày tại nơi lưu trú (TPHCM) đối với hai trường hợp này.

T.Dũng