“Săn” thực phẩm sạch cho người dân

Thứ ba, 20/11/2018 13:00

Mỗi ngày Đà Nẵng phải nhập khoảng 140 tấn rau củ quả từ các địa phương khác trên cả nước. Chính vì vậy, công tác truy xuất nguồn gốc được xem như là một biện pháp “đánh chặn” để từng bước hạn chế rau củ quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khi lên bàn ăn của người dân. Bên cạnh tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm tại chợ Đầu Mối, đích thân lãnh đạo và cán bộ của Ban Quản lý ATTP Đà Nẵng đã “khăn gói” tìm đến vựa cung cấp, vườn trồng tại các thị trường lớn để “săn” thực phẩm an toàn.

Cơ quan chuyên môn của Đà Nẵng và Vĩnh Long khảo sát quy trình trồng, chăm sóc và thu mua cam của một chủ vựa tại H. Tam Bình, Vĩnh Long.

Khảo sát tận gốc

Trong đợt công tác kéo dài gần một tuần vừa qua, ekip của Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng đã tìm tới tận nơi và làm việc với các chủ vườn, chủ vựa thu mua trái cây tại tỉnh Vĩnh Long mục sở thị quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển trước khi vào cổng chợ Đầu Mối Hòa Cường. Sau Tiền Giang, Vĩnh Long chính là thị trường cung cấp trái cây lớn thứ hai cho Đà Nẵng với sản phẩm thế mạnh là cam. Không chỉ làm việc khảo sát tại các cơ sở thu mua, đoàn còn xuống tận vườn của các hộ dân tại vựa cam Tam Bình để tìm hiểu về mối quan tâm hàng đầu đối với tiêu chí sạch là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Trực tiếp dẫn đoàn khảo sát ra tận vườn cam của mình, bà Đỗ Thị Phương Khánh, chủ vựa cam Khánh Nhân tại H. Tam Bình cho biết, để cây cam phát triển tốt, tránh dịch bệnh và cho quả đúng thời vụ thì phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng dùng nó ở thời điểm nào là vấn đề quan trọng nhất. Do yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, người thu mua bắt buộc chủ vườn cam kết lần phun thuốc cuối cùng phải đảm bảo không ít hơn một tháng cho đến khi thu hoạch. Nếu không đảm bảo thời gian này thì quả cam sẽ “ngậm” thuốc khi đến tay người tiêu dùng. Vừa là chủ vườn, vừa là vựa thu mua, bà Khánh là một trong số ít người mua sắm riêng cho mình hệ thống máy móc có thể thử nhanh được các chỉ tiêu cơ bản về sinh hóa để đảm bảo những lô hàng xuất đi đảm bảo an toàn. Còn rất nhiều vựa thu mua và nhà vườn hợp tác bằng thỏa thuận miệng và kinh nghiệm của mình.

Lãnh đạo Ban Quản lý ATTP Đà Nẵng trực tiếp xuống khảo sát quy trình trồng cam của người dân Tam Bình, Vĩnh Long.

“Do làm ăn lâu năm với nhau nên hầu hết chúng tôi tin tưởng nhau. Nhưng hiện tại nhiều cơ sở cũng đang lo lắng về nguy cơ vàng thau lẫn lộn khi cam chất lượng kém có thể len lỏi ảnh hưởng đến thương hiệu cam Tam Bình. Nếu chúng tôi đầu tư máy móc, thiết bị, quy trình để nâng cao chất lượng quả cam thì chắc chắn giá thành sẽ buộc phải nhích lên. Trong khi đó, có một số nơi sẵn sàng bỏ cam với giá thấp hơn mà không ai biết được họ có thực hiện đúng quy định về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay không. Chính vì vậy, mong các cơ quan nhà nước phải làm chặt để người trồng cam, kinh doanh cam cạnh tranh sòng phẳng mà người tiêu dùng thì được hưởng lợi”, bà Khánh kiến nghị.

Chia sẻ với những yêu cầu trong nhiệm vụ đảm bảo An toàn thực phẩm của Đà Nẵng, ông Liêu Cẩm Hiền – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, đến thời điểm hiện tại, qua quá trình lấy mẫu kiểm nghiệm theo quy định thì chưa phát hiện mẫu cam nào có lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Nhưng việc Đà Nẵng cử cán bộ đi thực tế đến tận nơi thể hiện sự cầu thị, mong muốn hợp tác với người dân để có thực phẩm an toàn. “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và ký biên bản thỏa thuận giữa hai bên để từng bước thiết lập cơ sở dữ liệu, cho dù là đơn giản nhất, của rau củ quả. Việc này hết sức cần thiết để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, qua đó từng bước thay đổi nhận thức, ý thức của người dân. Thực hiện được điều này sẽ nâng cao thương hiệu của sản phẩm, và đây cũng là lợi ích của người dân”, ông Hiền chia sẻ.

Các chủ vựa tại Vĩnh Long cũng đề xuất cơ quan chức năng quản lý chặt về nguồn gốc rau củ quả để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng.

Rau củ quả cũng phải có “giấy khai sinh”

Ngay sau chuyến khảo sát thực tế, lãnh đạo Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng và Sở NN&PTNT Vĩnh Long đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác về sản xuất, cung ứng trái cây an toàn giai đoạn 2018-2020 giữa 2 địa phương. Theo ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng, ngoài nhiệm vụ chính là phối hợp kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với nguồn trái cây sản xuất tại Vĩnh Long đến cửa hàng bán sản phẩm cho người tiêu dùng Đà Nẵng, thỏa thuận hợp tác cũng đồng thời hướng đến việc làm cầu nối thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của hai bên cung ứng trái cây an toàn theo chuỗi một cách bền vững. Bước đầu, hai bên sẽ bắt tay xây dựng cơ sở dữ liệu đơn giản, thiết lập thông tin kèm theo của các loại trái cây Vĩnh Long vào thị trường Đà Nẵng như tên chủ hộ, chủ vựa, ngày thu hoạch, ngày phun thuốc theo đúng chu kỳ, đúng danh mục, thời gian vận chuyển… Nghĩa là một người ở Đà Nẵng mua trái cây xuất xứ từ Vĩnh Long có thể biết được đó là của hộ dân nào, bón phân như thế nào, phun thuốc ra sao, có nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có tuân thủ chế độ chăm sóc hay không. Tựa như một “giấy khai sinh” đơn giản của trái cây!

“Chúng tôi chủ động đề xuất nhiệm vụ này để vừa tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao giá trị của sản phẩm, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho các bên tham gia đồng thời mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Đây cũng là cơ sở để truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm không an toàn. Sẽ còn nhiều việc phải làm nhưng bản thân các hộ dân trồng cam, các chủ vựa và cơ quan chức năng của Vĩnh Long rất ủng hộ”, ông Hải cho biết.

Trong buổi làm việc mới đây với Ban Quản lý ATTP, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải thiết lập được cơ chế kiểm soát nguồn thực phẩm nhập từ các địa phương vào thị trường Đà Nẵng. Ngoài rau củ quả thì các loại thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm bao gói sẵn cũng phải có các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng. Việc này không chỉ đặt yêu cầu cao để nguồn cung thực phẩm cho người dân thành phố ngày càng chất lượng mà khi kiểm tra nhanh nếu thấy không đảm bảo an toàn thì có thể nhanh chóng truy xuất được nguồn gốc. Nếu đánh giá quá trình sản xuất, cung ứng vi phạm những quy định về ATTP thì lập tức các cơ sở nuôi trồng, thu gom sẽ bị bêu tên. Sau khâu tuyên truyền, đây chính là chế tài buộc thị trường cung cấp phải tuân thủ các quy định, coi trọng sức khỏe người tiêu dùng nếu muốn vào thị trường Đà Nẵng. Là người ra đề bài cho Ban Quản lý ATTP, đích thân ông Dũng đã đi khảo sát các mô hình sản xuất của người dân, làm việc với chính quyền nhiều địa phương tại Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để phối hợp làm cầu nối thị trường đồng thời thiết lập “chuẩn” cho các loại thực phẩm tiêu thụ tại thị trường 1 triệu dân và đón hơn 6 triệu khách du lịch mỗi năm.             

CÔNG KHANH

Đà Nẵng cần sớm có trung tâm kiểm nghiệm

Theo ông Nguyễn Tứ - Phó trưởng Ban Quản lý ATTP Đà Nẵng, mỗi ngày thị trường thành phố tiêu thụ khoảng 140 tấn rau củ quả nhưng sản xuất tại chỗ chỉ chiếm chưa tới 10% trong số này. Việc lấy mẫu thử nghiệm trước khi cho rau củ quả vào chợ Đầu Mối Hòa Cường hay chợ Hòa Khánh vẫn thường xuyên được tiến hành nhưng chỉ thực hiện theo xác suất hoặc diện nghi ngờ chứ không thể làm đại trà vì kinh phí quá lớn. Từ chỗ có khoảng 10% mẫu thực phẩm được kiểm tra không đạt yêu cầu vào năm 2010 thì đến nay tỷ lệ này chỉ còn khoảng 2,9%. “Song song với việc thực hiện kê khai nguồn gốc thực phẩm, thành phố cần nhanh chóng có một Trung tâm kiểm nghiệm để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực tế là việc này hiện tại đang rất tốn kém về chi phí và thời gian vì sau khi lấy mẫu phải gửi đến nhiều địa phương khác để kiểm tra”, ông Tứ cho biết.