Sáng mãi ký ức Trường Sơn
(Cadn.com.vn) - Ngày 18-5, tại Hội trường Nhà Văn hóa Quân khu 5, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn tại Đà Nẵng đã tổ chức gặp mặt Kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 – 19-5-2014). Đồng Chí Nguyễn Xuân Anh, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Thiếu tướng Tạ Nhân, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 cùng hơn 400 cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đang sinh sống tại Đà Nẵng đã về dự.
Cuộc hội ngộ diễn ra trong không khí cảm động, thắm tình đồng đội. Những năm chống Mỹ gian khổ, ác liệt, họ là những chàng trai, cô gái phơi phới tuổi đôi mươi, bây giờ tất cả tóc đã hoa râm, nhiều người đang mang trên mình thương tật, di chứng chất độc màu da cam, những căn bệnh nan y... song được gặp nhau, ai cũng như trẻ lại, cùng khơi dòng ký ức hào hùng của những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Đã ở cái tuổi “cổ lai hy”, vậy mà với ông Bùi Trung Trắc, Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn tại Đà Nẵng, những địa danh như Bãi Đá Đường 9, Cổng Trời, Cha Lo... luôn hằn sâu trong trái tim. Thời trai trẻ của ông là những chuyến xe ngang dọc Trường Sơn. Theo ông, cánh lái xe Trường Sơn gan góc không ai bằng. Giữa khói bom mù trời, những chiếc xe vẫn dũng mãnh tiến lên, đưa hàng ra tiền tuyến. Nhiều người bị thương nặng vẫn quyết không rời tay lái. Còn ông Nguyễn Tiến Đệ, người chỉ huy vận tải của Tiểu đoàn 734 năm xưa bảo rằng, những chiếc bi đông là vật bất ly thân của cánh lái xe Trường Sơn, nhất là trong mùa khô khốc liệt. Trước mỗi chuyến đi, ngoài việc kiểm tra xe, hàng hóa, đơn vị không quên kiểm tra các bi đông nước của bộ đội... Trên đường hành quân, những giọt nước ấy đôi khi quý hơn vàng.
Thiếu tướng Tạ Nhân, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 trò chuyện với CCB Trường Sơn. |
Ông Nguyễn Đức Hữu, một chiến sĩ giao liên ở Trường Sơn hào hứng nói về những con đường kín. Để máy bay trinh sát của địch không phát hiện được, ngoài những đoạn qua rừng già có hai, ba tầng cây to che khuất hoàn toàn, ở nơi rừng thưa, rừng tái sinh, rừng khộp, nhất là đoạn qua đồi đá trống trải, quân ta chặt cây to, cây vừa trong rừng già chở về, dựng lên làm giàn ngụy trang... đẩy mạnh các biện pháp nghi binh, bộ đội công binh, cao xạ phối hợp xây dựng phương án tác chiến, làm mục tiêu giả, khiến cho kẻ địch bị lừa, sa vào bẫy, bị tiêu diệt.
Trên tuyến đường Trường Sơn, những năm 1968-1972, có một Tiểu đoàn vận tải đặc biệt, từ cán bộ đến chiến sĩ đều là nữ. Đó là Tiểu đoàn 232 trực thuộc Cục Hậu cần Quân khu 5, vang danh với tên gọi “Tiểu đoàn Bà Thao”. Trải qua 4 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, dấu chân đơn vị đã in khắp vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, đường 9 Nam Lào, từ dốc Lò Xo đến Hòn Kẽm, Đá Dừng, đèo Le, đèo Phượng Tổng...
Anh hùng LLVTND Phạm Thị Thao, Tiểu đoàn trưởng 232 ngày ấy tâm tình: “Chúng tôi luôn tâm niệm, cứ mỗi chuyến hàng ra tiền tuyến là kéo ngày giải phóng miền Nam gần thêm một ít. Niềm tin mãnh liệt ấy đã thôi thúc và tiếp sức cho mỗi người vượt lên gian khổ, vượt lên chính mình”. Chị Lê Thị Cúc, Đại đội trưởng Đại đội 2 Tiểu đoàn 232 chưa bao giờ quên cái thời “Bom thù, mưa dội, đường trơn/ Hàng em vẫn xẻ Trường Sơn đi về”. Giọng chị trầm xuống: “Ngày ấy điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trăm bề. Áo quần mỗi năm hai bộ bằng vải tám ú, đồ mặc ngoài rách chắp vá thành đồ lót trong. Mùa mưa đi gùi, chị em dành tấm ni-lon cá nhân che hàng nên cả người ướt sũng, đêm đến phải tranh thủ giặt bằng nước tro (do không đủ xà phòng) rồi hong lửa cho kịp khô... Năm 1972, được lệnh hành quân sang Trà Ôn để đưa hàng ra mặt trận. Đang mùa mưa, chị Trần Thị Lâu, Chính trị viên phó Đại đội 3 vừa lội đến giữa dòng suối Nước Chè thì một cơn lũ từ đầu nguồn tràn xuống, nước chảy xiết, cuốn phăng cả người cùng gùi hàng nặng suýt soát một tạ. Chị ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn đơn vị”.
Tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trên dải Trường Sơn một thời lửa đạn, ngày 19-5, Ban Liên lạc bộ đội Trường Sơn tại Đà Nẵng tổ chức một đoàn đại biểu viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn. Buổi gặp mặt hôm nay là dịp để những đồng đội Trường Sơn năm xưa cùng “ôn cố tri tân”, động viên nhau sống xứng đáng với quá khứ vẻ vang của những người lính Cụ Hồ trên đường Trường Sơn huyền thoại.
Bài và ảnh: Đỗ Thị Ngọc Diệp