Sáng tạo ấn tượng của học trò huyện nghèo

Thứ tư, 01/11/2017 10:46

Sinh sống và học tập tại 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước, điều kiện vô vàn khó khăn nhưng học sinh Trường THPT Đakrông (Quảng Trị) đã luôn biết vượt qua, không ngừng phấn đấu, tạo ra những sáng chế đầy ấn tượng. Kết quả tại Cuộc thi Sáng tạo trẻ Quảng Trị lần thứ VI diễn ra vào trung tuần tháng 10 - 2017 vừa qua đã minh chứng cho tinh thần và ý chí đó.

Em Hồ Văn Mượn (bìa phải) tại lễ nhận giải.

"Chuông chống trộm tự động" giá rẻ

Hưởng ứng sân chơi trí tuệ trên, thầy cô Trường THPT Đakrông đã động viên học sinh hưởng ứng tham gia để phát huy năng lực tư duy sáng tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục. Ý nghĩa cuộc thi đã thực sự lan tỏa và khơi dậy niềm đam mê trong học sinh vùng cao này. Thầy Nguyễn Văn Nam, Phó Hiệu trưởng nhà trường không giấu được xúc động khi học sinh của trường có đến 4 sản phẩm được xướng tên tại lễ trao giải.

Chúng tôi đặc biệt chú ý đến mô hình "Chuông chống trộm" của em Hồ Văn Mượn (HS lớp 12B6) được trao giải Ba. Đây là học sinh nghèo đồng bào Vân Kiều, nhà ở tận Làng Cát trên (xã Đakrông, H. Đakrông), cách trường 18km. Đường xa, Mượn vẫn chăm chỉ đến trường trên chiếc xe đạp cọc cạch. Những lúc nước sông Đakrông dâng cao, Mượn phải nghỉ học vì không thể qua đập tràn.

Hoặc có lúc xe hỏng, Mượn cũng không đủ tiền để đón xe đò về trường đành phải xin "quá giang", có lúc tới lớp đã muộn. Điều kiện khó khăn ấy đã ảnh hưởng phần nào đến kết quả học tập nhưng Mượn chưa từng nản chí và cũng là người rất tình cảm, có cái nhìn về xã hội sâu sắc. Đó là một trong những lý do Mượn nảy sinh ý tưởng làm "Chuông chống trộm tự động" giá rẻ. Thầy Bùi Văn Hợi, Chủ nhiệm 3 năm liên tục của Mượn cho biết, sau khi nghe cậu học trò trình bày đã ủng hộ ngay.

"Hầu hết những hệ thống đó đều đòi hỏi kinh phí lớn, kỹ thuật phức tạp do đó ít được sử dụng rộng rãi trong đời sống thường ngày của người dân. Em muốn sản phẩm này đến được từng nhà mà giá thành rẻ", Mượn chia sẻ mục tiêu cũng như mục đích sẽ triển khai với thầy giáo. Tuy nhiên, thầy Hợi cũng đặt ngay câu hỏi cho Mượn khi thực tế đã có nhiều hệ thống chuông báo động chống trộm được sử dụng, hiện đại, công nghệ cao thì em phải "giải quyết" giải pháp dự thi của mình như thế nào? Với sự hướng dẫn của thầy, Mượn tập trung nghiên cứu, tìm tòi, tận dụng tối đa những đồ dùng sinh hoạt, đồ chơi trẻ em đã bị hư hỏng để tái chế thành một hệ thống chuông báo động chống trộm rất đơn giản nhưng hiệu quả cao.

Sản phẩm được tạo thành gồm Hệ thống nguồn điện sử dụng pin tiểu loại 1,5V (2 viên); mô-tơ và thanh gạt (loại sử dụng trong các đồ chơi trẻ em); thanh gạt gắn vào trục mô-tơ làm từ tấm nhựa sim điện thoại và ốc vít con. Chuông báo thì Mượn tháo chiếc chuông xe đạp bị hỏng. Đối với vỏ hộp, Mượn đi xin hộp đựng ĐTDĐ bỏ đi. "Tính mới của sản phẩm là có thể cải tiến những đồ dùng đã hư hỏng thành một hệ thống báo động đơn giản mà hiệu quả, dễ làm, ít tốn kém, góp phần bảo vệ môi trường mang lại lợi ích cho người dân", Mượn thuyết trình. Nguyên lý hoạt động cũng đơn giản, dễ sử dụng, có thể đặt ở cửa, cổng nhà. Ngoài ra, tương lai nếu được đầu tư cải tiến thành hệ thống thông minh có thể được sử dụng để báo động trên các phương tiện như ô-tô, xe máy.

Nước giặt chiết xuất từ quả găng gai

Nếu như Mượn hướng giải pháp của mình đến người nghèo, thu nhập thấp thì nhóm nữ sinh Nguyễn Hiếu Kiên và Hồ Thị Thiên Thảo (hiện học lớp 11B1) cũng đạt giải Ba lại khai thác thế mạnh tự nhiên của vùng rẻo cao Đakrông với sản phẩm: Nước giặt chiết xuất từ quả găng.

Đôi bạn cùng lớp, cùng đội tuyển môn Sinh học này cho biết trong một lần học ngoại khóa đến bản Khe Xom (TT Krôngklang, H. Đakrông) đã trực tiếp thấy người dân dùng quả găng để làm sạch quần áo vướng mủ, đất trên rẫy về. "Đồng bào gọi là quả căng, chúng em thấy tò mò nên về tìm hiểu thì biết tên khoa học là găng gai. Trong quả này có thành phần tạo nhiều bọt, giặt đồ tơ lụa cực tốt", Kiên chia sẻ.

Với mục đích có thể tạo ra loại nước giặt thân thiện với môi trường, Kiên và Thảo quyết định "hợp sức" mang đến cuộc thi. "Ban đầu chúng em chiết xuất nước tự nhiên bằng việc giã hạt tươi, sau đó lọc lấy nước, nhưng nhận thấy thời hạn sử dụng ngắn do vi sinh vật khác tác động", Thảo nhớ lại trong quá trình sáng chế. Hai em lại tiếp tục thử nghiệm bằng việc nấu nước chiết xuất đó lên thì cho thời hạn sử dụng dài thêm. Không dừng lại, các em nghiên cứu, sấy hạt khô rồi chiết xuất và nhận kết quả bất ngờ, nước giặt có thể để đến vài tuần. "Đồng bào lên nương, lên rẫy dùng thuận tiện và phù hợp", đôi bạn phấn khởi khi nghĩ đến mục đích của sản phẩm mình.

 Đôi bạn Hiếu Kiên (trái) và Thiên Thảo.

Máy gắp tái chế

Lớp 11B1 cũng được các bạn khóa khác trìu mến gọi là "lớp nhân tài" khi còn có nhóm tác giả Lê Công Cường, Đặng Lê Văn Quốc, Trần Công Huỳnh được trao Giải Khuyến khích với sản phẩm Máy gắp tái chế. Đây là mô hình máy cẩu, sử dụng lực nén của nước để điều khiển. Nhóm bạn trên học lực khá, giỏi, trong đó Cường là học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh. Cường cũng là người lên ý tưởng. Quá trình thực hiện, Quốc và Huỳnh còn luôn đưa ra nhiều ý kiến hay.

Cường cho biết mô hình để nghiên cứu, chế tạo ra các loại máy móc tương tự phục vụ đời sống xã hội, có thể dùng làm đồ chơi trẻ em, vật liệu sử dụng cũng đều là đồ dùng tái chế như bìa mica, ống tiêm khử trùng... "Hiện tại chỉ dừng lại ở mô hình nhưng chúng em nghĩ đến việc sử dụng máy móc này để gắp các thiết bị nguy hiểm", cả nhóm chia sẻ hy vọng.

Thầy Nguyễn Phương Nam, Bí thư Đoàn trường cũng cho biết một Giải Khuyến khích khác đã thuộc về học sinh Hồ Thị Hương với sản phẩm Thuốc trừ sâu sinh học từ cây gừng dại, lá khế, lá ổi. Thời điểm dự thi, Hương là học sinh lớp 12B4 của trường, hiện Hương đã tốt nghiệp. Đây là sản phẩm thân thiện với môi trường được Ban tổ chức cấp huyện và tỉnh đánh giá rất cao ý nghĩa xã hội và kinh tế.

Chúng tôi vui lây trước nỗ lực dạy và học của thầy trò Trường THPT Đakrông. Mong những "hạt giống đỏ" trên vùng cao này tiếp tục phấn đấu, đạt thêm nhiều kết quả sáng tạo trong tương lai.

BẢO HÀ