Sao lại "bêu tên" học sinh trong họp phụ huynh?
(Cadn.com.vn) - Ngày chủ nhật 17-1, tôi đi họp phụ huynh cho đứa cháu học lớp 7. Tôi có mấy băn khoăn xin trao đổi chân tình với những người làm giáo dục.
1. Cháu tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi nhưng tôi không cảm thấy vui vì lo ngại đó là kết quả của căn bệnh thành tích đã ăn sâu trong ngành Giáo dục. Lớp cháu tôi có 40 học sinh thì có đến 2/3 đạt danh hiệu học sinh giỏi, chỉ 2 học sinh trung bình, còn lại là học sinh khá. Phải thẳng thắn thừa nhận điều này: Xã hội có người thế này, người thế kia, lớp học cũng vậy, sẽ có em học giỏi có em học yếu. Thế nhưng kết quả lớp cháu tôi hầu như chỉ học sinh khá, giỏi, trong khi không phải lớp chọn thì thật khó tin đó là kết quả được đánh giá thực chất.
Tôi không hiểu sao ngành Giáo dục đã triển khai cuộc vận động "hai không" từ lâu rồi mà sao vẫn không xóa được căn bệnh thành tích? Và nhiều phụ huynh cũng đã bày tỏ mong muốn biết được năng lực thật sự của con em nhưng sao nhà trường cứ "phù phép" để làm đẹp lòng phụ huynh và lãnh đạo? Đến mức có phụ huynh đã tỏ ra vui mừng khi con chỉ đạt học sinh trung bình, vì như thế phụ huynh biết được khả năng của con để không quá kỳ vọng rồi tạo áp lực cho con, đồng thời có được sự định hướng đúng đắn cho tương lai. Vậy mà giáo viên vẫn không dám dạy thật và đánh giá thật là sao?
Giáo viên có nhất thiết phải bêu tên học sinh ở buổi họp phụ huynh? (ảnh minh họa). Ảnh: Internet |
2. Tôi cũng không hiểu là do non kinh nghiệm hay coi đó là một biện pháp giáo dục mà trong họp phụ huynh giáo viên lại "bêu tên" học sinh có hạnh kiểm chưa tốt? Trước toàn thể phụ huynh, cô giáo đã nêu tên và "kể tội" học sinh vi phạm như: đi trễ, lười học, ngủ trong lớp, sử dụng điện thoại, quay cóp, đánh nhau... khiến phụ huynh xấu hổ muốn khóc. Nói thật, nếu tôi là phụ huynh em học sinh đó tôi chỉ mong sàn nhà có chỗ nứt để chui xuống hoặc bỏ về.
Phải chăng cô giáo coi đó là biện pháp giáo dục, làm thế phụ huynh sẽ quan tâm đến con hơn? Cô giáo có biết rằng như thế là không tôn trọng, là làm mất thể diện phụ huynh trước tập thể? Cô giáo có biết rằng sau khi bị "bêu tên" ra về phụ huynh có thể trút giận lên con với những trận đòn kinh hoàng? Có em uất ức quá mà bỏ học, có phụ huynh nóng giận quá không cho con đến trường nữa...
Tôi chỉ mong rằng đó là sự non kinh nghiệm chứ đó là một biện pháp giáo dục thì thật là tai hại. Bởi nếu non kinh nghiệm, cô giáo chỉ cần trau dồi, học hỏi là được. Như trong trường hợp này, cô giáo nên tế nhị không "bêu tên" học sinh mà nên mời phụ huynh những em chưa ngoan, quậy phá ở lại cuối buổi gặp riêng. Khi đó, cô giáo nêu những điểm yếu, điểm chưa tốt của học sinh và đề nghị phụ huynh quan tâm, phối hợp với giáo viên, nhà trường để cùng giáo dục con em chắc chắn sẽ tốt hơn. Sự tế nhị này khiến phụ huynh dù buồn với kết quả học tập của con em nhưng lại vui vì được thầy cô giáo tôn trọng, không làm mất mặt trước tập thể. Với sự ứng xử khéo léo đó phụ huynh tin tưởng, quý trọng thầy cô giáo hơn và chắc chắn sẽ có sự hợp tác tốt để cùng giáo dục con em.
3. Mục đích của những cuộc họp phụ huynh là để tăng cường mối liên hệ giữa gia đình học sinh và nhà trường nhằm thảo luận, lấy ý kiến, tìm ra các giải pháp phối hợp, nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện đối với học sinh. Thế nhưng cuộc họp phụ huynh gần như là màn "độc diễn" của cô giáo. Diễn biến của một cuộc họp phụ huynh thường là: ổn định tổ chức, điểm danh mất khoảng 10 phút; giáo viên chủ nhiệm thông báo tình hình, nề nếp dạy và học của trường, lớp trong thời gian qua, phương hướng, kế hoạch trong thời gian tới; phương hướng, chỉ tiêu về học lực, hạnh kiểm của học sinh. Phần "thông báo" này của giáo viên chủ nhiệm thường mất khoảng 1 tiếng. Phần tiếp theo là công bố những khoản thu theo quy định chung của nhà trường cùng những khoản xã hội hóa khác, phần này cũng mất khoảng 30 phút vì giáo viên còn phải giải thích cho phụ huynh hiểu cặn kẽ về nội dung các khoản thu, đặc biệt là những khoản thu "tự nguyện" không nằm trong "phần cứng". Cuối mỗi buổi họp, giáo viên chủ nhiệm lại phải dành ra một khoảng thời gian nhất định để trực tiếp thu các khoản tiền.
Với chừng ấy nội dung công việc, khoảng thời gian giáo viên chủ nhiệm trao đổi về tình hình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi học sinh nhằm phối hợp với phụ huynh có biện pháp giáo dục thích hợp là rất hạn chế. Tình trạng cuộc họp chỉ diễn ra một chiều, tức là chỉ có giáo viên truyền đạt còn phụ huynh chỉ biết ngồi nghe là khá phổ biến.
Thiết nghĩ, để những cuộc họp phụ huynh học sinh thực sự phát huy hiệu quả, cần cải tiến hình thức trình bày nội dung trong các cuộc họp theo hướng tập trung vào việc thảo luận, bàn bạc các giải pháp, đặc biệt là sự phối kết hợp giữa gia đình với giáo viên, nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.
Thu Thủy