Sắp xếp "nhân sự" trên lưng đèo Cả
(Cadn.com.vn) - Đèo Cả (ranh giới Phú Yên - Khánh Hòa) phải "cõng" thêm cuộc sống của hơn 25 hộ gia đình làm nghề rửa xe, nương rẫy, từ cách đây khoảng 20 năm. Trên đường đèo luôn tồn tại nhiều nguy cơ về ANTT và an toàn của các hộ dân. Sau Hải Vân quan, đèo Cả sẽ là vị trí thứ 2 xuất hiện hầm đường bộ tại Việt Nam. Dù mới chỉ khởi công xây dựng nhưng vấn đề "nhân sự", và chuyện tương lai, đã bắt đầu tạo nên những cuộc tranh luận lớn và nóng bỏng nơi lưng đèo.
Rửa xe bên đèo |
Lo cho sau này
Buổi chiều, lao xe máy vượt đèo Cả từ Phú Yên trở về Nha Trang, tôi ghé, nghỉ ngơi tại một quán nước bên đường nằm gần Cua Đá Đen, đoạn nổi tiếng về TNGT. Thật bất ngờ, chủ đề được bàn luận sôi nổi tại đây không phải là vấn đề tăng lương, giá xăng tăng hay điều gì đó lớn lao mà lại là "bài toán nhân sự" trên đèo. Anh Quang, cư dân đèo Cả, thở dài: "25 - 26 gia đình tụi mình sống dựa vào nương rẫy và nghề rửa xe, sửa xe trên này sẽ thế nào giờ? Sau khi hầm hoàn thành, gia đình tôi tính chuyển xuống chân núi ".
Xóm lưng đèo luôn theo sát tin tức về việc xây dựng hầm đèo Cả. Thời gian tới, hầm đèo Cả sẽ trở thành hầm đường bộ thứ 2 của Việt Nam sau hầm Hải Vân. "Nghe nói là hầm đang xây với mức đầu tư là 15.603 tỷ đồng. Nhưng mà không rõ khi nào xong, hầm xây xong chắc chúng tôi giải tán luôn, trở về dưới chân đèo sinh sống. Nhà xây dựng kiên cố chưa rõ thế nào? chứ lều trại như thế này thì định xuống đèo thôi", một người làm rẫy chuyên trồng bạc hà tâm sự.
Cách đây hơn 10 năm, khi đường lớn được xây dựng xong gần giống với hiện nay, cuộc sống bắt đầu trở nên nhộn nhịp hơn. Người dân bên dưới đã tự lên đèo sống dựa vào nương rẫy, nghề rửa xe, và buôn bán nước giải khát, hàng hóa nhỏ. Vào mùa nắng có khoảng 25 hộ gia đình làm nghề rửa xe, sửa xe hoặc cùng hợp tác làm nghề khác. "Tùy theo xe, xe 2 chân, 3 chân và 4 chân, chúng tôi sẽ tính toán thành tiền công. Nếu mà khách tự rửa xe thì chỉ mất 15 ngàn đồng thôi. Chân tức là cầu xe ấy mà, bọn tôi hay gọi thế. Nếu mà xe 4 chân, thì có thể lấy tới 150 ngàn đồng nếu người ta thuê mình làm, còn họ tự làm thì chỉ lấy tiền vòi phun và tiền nước thôi", ông Nguyễn Văn Quang, người có hơn 20 năm sinh sống bằng nghề rửa xe trên đèo cho biết.
Việc hầm đèo Cả khởi công là biến động lớn nhất với các hộ gia đình, cá nhân sinh sống và làm việc khu vực đèo Cả. "Xây hầm chui qua đèo là điều mà trước kia chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến cả. Giờ thì chuyện không tưởng thành sự thật rồi. Chúng tôi cũng không biết tình hình thế nào", ông Thành Vinh, người có nhà kiên cố trên đèo thuộc địa phận Khánh Hòa, nói chuyện với vẻ lo lắng. Từ trước đến nay, chuyện lớn nhất về sự thay đổi của đèo Cả là... sửa và làm rộng mặt đường. Khi cơ quan chức năng bàn thảo xây dựng hầm đường bộ Hải Vân, cư dân "xóm đèo" đã đặt câu hỏi: Liệu có làm hầm đèo Cả? Và giờ đây, câu hỏi đó được trả lời bằng hành động và hiện hữu như điều bình thường hiển nhiên.
Lều tạm và cũng là nhà ở của người dân trên đèo. |
Không quên chuyện an ninh
ANTT đèo Cả từng có thời điểm diễn ra phức tạp, lực lượng an ninh Phú Yên - Khánh Hòa nhiều lần vào cuộc. Anh Thắng, vừa rửa xe cho khách vừa kể lại: "Trước đây, trên đèo thỉnh thoảng có vụ cướp, giật đồ của người đi đường, giờ thì có điện thoại di động rồi, có vụ gì alô là công an dưới chân đèo chặn lại ngay, người bị cướp không gọi thì chúng tôi ở đây cũng gọi thôi. Thấy được chuyện cướp giật là gọi điện báo". Nhiều người tự hỏi, sau này, tình hình ANTT sẽ diễn ra như thế nào? Có lực lượng an ninh thường trực hay không? Những câu hỏi đó sẽ được trả lời trong tương lai gần, khi "mặt ngoài" đèo Cả sẽ tương tự như đèo Hải Vân trở thành địa điểm chủ yếu phục vụ tham quan du lịch.
Hiện nay, đèo có đường lớn, an ninh khác xưa nhưng Cua Đá Đen vẫn là vị trí gây ám ảnh với những người sống trên đèo vì an toàn giao thông. "Trước đây, trên đèo hay có TNGT, có khi nhiều người chết trong một ngày. Đường lớn làm cách đây khoảng 10 năm, nhưng mà tai nạn vẫn nhiều, giờ thì ít. Trong tương lai nếu có hầm đường bộ thì sẽ đi lại dễ dàng hơn, bớt đi tai nạn", 1 người dân nơi đây nêu suy nghĩ. Chuyện TNGT vẫn diễn ra ngày một, với ai không biết, nhưng với họ thì quá quen, nếu có ai hỏi, họ sẽ trả lời rất rành mạch. Họ nhớ lâu, vì tai nạn diễn ra trước căn lều ọp ẹp của họ, nơi mà chỉ cần một tay lái say rượu, lao xe vào là... đổ sập ngay.
Đèo Cả lại mưa to, cuộc sống càng không hề yên ả được! Quy luật mưa nắng bất chợt làm người đời thêm phần khiếp sợ vực thẳm và biển cả bao la khi đưa mắt nơi lưng đèo. Số hộ gia đình làm nghề rửa xe không cố định mà dao động tùy theo mùa mưa nắng. Đèo cao, mưa gió lớn hơn đặc biệt là khi có bão. Những căn lều tạm bợ dễ bị... cuốn theo chiều gió, rơi xuống vực thẳm mà trôi ra biển hoặc bị những đoàn tàu hỏa xuyên núi nghiến nát dễ dàng. Ông Quang chia sẻ thêm: "Căn lều của cháu trai tôi mới bị cuốn bay trong đợt gió vừa rồi, gió ở đây có thời điểm thổi mạnh lắm, chuyện bị thổi sập lều cũng là chuyện thường. Nghèo mới lên đây, chứ giàu lên đây ở làm gì? Cũng nhờ quen biết nhau, láng giềng nên có gì xin ở nhờ vẫn được".
Trước năm bảy ngả đường, nhiều gia đình nghĩ đến việc bám trụ lại trên đèo, thay vì rửa xe sẽ kinh doanh hàng hóa du lịch và tiếp tục làm nương rẫy. Lựa chọn này nhận được sự ủng hộ của đám đông tranh luận. Nhưng, liệu chính quyền có đồng tình hay không? Họ đoán là: Không hoặc có nhưng phải đăng ký kinh doanh rồi... nộp thuế. Biết rằng, hầm xây xong thời thế sẽ đổi thay, cũng vì vậy, họ nuôi hy vọng làm giàu với những việc làm nằm trong quy định pháp luật.
Đức Thọ