Sát cánh bên dân trong bão lũ

Thứ hai, 13/09/2021 15:13

Hơn một tháng nay, cùng với lực lượng Công an toàn quốc, cán bộ chiến sỹ Công an các tỉnh miền Trung bám chốt, bám đường, thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch COVID- 19 hiệu quả. Dịch bệnh chưa kết thúc, lực lượng Công an khắp nơi lại tiếp tục hỗ trợ, bảo vệ  nhân dân ứng phó với mưa to, gió lớn do bão Côn Sơn gây ra. 

Công an xã Phước Thành (H. Phước Sơn, Quảng Nam) cùng các lực lượng tại chỗ hỗ trợ di dời các hộ dân bị sạt lở đến nơi an toàn.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ kép

Chiều 11-9, trong 9 ca mắc COVID-19 được công bố tại Đà Nẵng, có 2 ca cộng đồng được ghi nhận tại tổ 130, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu thông qua xét nghiệm đại diện hộ gia đình. Ngay khi nhận được thông tin, CAP Hòa Minh đã tổ chức lực lượng đến tổ 130. Theo Thiếu tá Hồ Duy Linh- Trưởng CAP Hòa Minh, 2 ca cộng đồng trong ngày được ghi nhận tại tổ 130 chưa xác định được nguồn lây. Vì vậy, CAP phân công cán bộ chiến sỹ phối hợp với các lực lượng dân phố, dân phòng… lập chốt phong tỏa. Ngoài kiểm soát chống dịch và hỗ trợ nhân dân khi cần đến, CAP phối hợp với cán bộ chiến sỹ Phòng Công tác Đảng và Công tác Chính trị về các khu dân cư để giúp nhân dân chèn chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, vận động đưa người dân đến nơi an toàn. Tại một số khu vực sơ tán, CAP bố trí nước sát khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế… chuẩn bị phòng cách ly tạm thời trong trường hợp phát hiện người có triệu chứng nhiễm bệnh.

Dù đã hơn 1 tháng tham gia chống dịch, nhưng khi bão đến, Đại úy Lê Tấn Dũng, cán bộ CAP Hòa Minh vẫn xung phong giúp dân. Qua lớp khẩu trang, đôi mắt Dũng thâm quầng. Anh tâm sự: "Trách nhiệm người lính chính là luôn sát cánh, kề vai với người dân trong những thời điểm như thế này. Chúng tôi không ngại khổ, không ngại thêm việc. Dân cần, chúng tôi sẽ có mặt".

Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước, TP Đà Nẵng làm nhiệm vụ phân luồng giao thông.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân chủ động ứng phó với bão số 5, các chốt kiểm dịch đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, ở cửa ngõ ra vào Đà Nẵng, 3 chốt kiểm soát liên ngành tại đường Tạ Quang Bửu (Q. Liên Chiểu), 2 Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) cửa ô Hòa Nhơn và Hòa Phước, cán bộ chiến sĩ vẫn túc trực. Đại tá Phan Ngọc Truyền- Trưởng Phòng CSGT cho biết, dù bão đổ bộ, lưu lượng phương tiện ra vào tại các cửa ngõ vẫn rất lớn. Vì vậy, lực lượng CSGT tăng cường điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện vừa kiểm soát, hướng dẫn tài xế xét nghiệm để dịch bệnh lây lan.

Tại quận ven biển Sơn Trà, CAQ Sơn Trà đã phân công lực lượng cơ sở tiến hành hỗ trợ người dân. Công an các phường nhanh chóng vào cuộc với nhiều cách thức như: khơi thông cống rút nước hạn chế ngập úng trong khu vực dân cư, hỗ trợ người dân gia cố mái tôn, chặt tỉa cây xanh phòng chống ngã đổ, vận động và đưa người dân sơ tán đến nơi an toàn… CAP An Hải Tây đã lên phương án hỗ trợ cho 2.512 hộ thường trú với 11.044 khẩu và tạm trú 751 hộ 2.062 khẩu. CAP An Hải Bắc phân chia tổ công tác hỗ trợ người dân, nhất là khu dân cư An Nhơn thường xuyên bị ngập nước về nhà văn hóa- thể thao phường tránh bão.

Công an quận Sơn Trà hỗ trợ người dân gia cố mái tôn.

Chỉ đạo lực lượng phòng chống bão, Đại tá Trần Phòng- Phó Giám đốc Công an TP nhấn mạnh, trong điều kiện Đà Nẵng đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID19, việc tiến hành các biện pháp phòng chống lụt bão cũng đặt ra nhiều nảy sinh cần tập trung xử lý với tinh thần phải bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng tài sản của người dân. Đại tá Trần Phòng yêu cầu Công an các đơn vị địa phương triển khai các phương án phòng, chống bão, mưa lũ, tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, thường trực 100% quân số trực chiến với 24/24 giờ trong ngày, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão để kịp thời ứng phó. Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương kiểm tra hệ thống thông tin, liên lạc phục vụ phòng chống lụt bão, đảm bảo phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ huy và chế độ thông tin báo cáo; tích cực triển khai các phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông; bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, phân luồng; triển khai cano về các địa phương có nguy cơ ngập lụt để kịp thời cứu, sơ tán nhân dân khi có yêu cầu; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống bão, lũ, di dời sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn. Công an các đơn vị, địa phương đều tổ chức lực lượng xung kích ứng cứu khẩn cấp đồng thời huy động cán bộ, chiến sĩ về các tổ dân phố, khu dân cư, kiểm tra các điểm có nguy cơ xảy ra úng ngập, sẵn sàng phương án cứu hộ khi xảy ra sự cố do mưa bão.

Công an xã Phong Xuân và Công an huyện Phong Điền (Thừa Thiên- Huế) giúp dân địa phương khắc phục hư hỏng nhà cửa do mưa bão gây ra.

Sát cánh bên người dân 

Do ảnh hưởng của bão, liên tục trong các ngày 11 và 12-9, địa bàn H. Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) mưa rất to, nước sông tại các xã dâng cao. Một số khu dân cư không thể tiếp cận được như thôn 5A, 6 và 7 cũ, xã Phước Lộc; thôn Trà Văn A cũ, xã Phước Kim. Một số tuyến đường các xã Phước Công, Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc bị sạt lở, cầu ĐăkMet (xã Phước Lộc) bị ngập. Tại xã Phước Thành có 2 ngôi nhà bị sạt lở đất và một số ngôi nhà khác tại thôn 4 bị nước lũ đe dọa. 

Nắm bắt nhanh tình hình, Công an huyện Phước Sơn đã chỉ đạo Công an các xã trên địa bàn bám sát cơ sở, phối hợp tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ĐH bị sạt lở, không cho người dân qua lại. Công an xã Phước Kim phối hợp lực lượng địa phương làm cáp dây tại thôn Trà Văn A cũ bị cô lập để tiếp tế nhu yếu phẩm cần thiết. Công an xã Phước Thành hỗ trợ tháo dỡ, chuyển tài sản có giá trị giúp đỡ các hộ dân nằm trong vùng sạt lở.

Tại H. Tây Giang (Quảng Nam), mua lũ gây sạt lở đất, đá… xuống đường ĐT606 đi các xã vùng cao Tr'hy, A Xan, Ch'ơm, Gari. Lãnh đạo Công an huyện Tây Giang đã chỉ đạo Công an 4 xã trên tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thông báo người dân và chốt chặn không cho người, phương tiện lưu thông nhằm phòng ngừa thiệt hại do thiên tai gây ra đồng thời đề xuất các ngành điều động nhân sự, phương tiện khắc phục các điểm sạt lở để người dân lưu thông an toàn.

Trên địa bàn Thừa Thiên- Huế, tính đến sáng 12-9 có 29 nhà dân bị tốc mái, trong đó nhà dân tốc mái tập trung ở H. Phong Điền 24 nhà và H. Quảng Điền 5 nhà. Ngoài Công an các xã nhanh chóng cử lực lượng giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả, trong chiều 11 và sáng 12-9, Công an huyện Phong Điền đã triển khai lực lượng phối hợp với Công an cơ sở đến từng nhà dân bị thiệt hại giúp dân lợp lại mái nhà. CBCS còn giúp dân dọn dẹp, sửa chữa đường sá hư hỏng sau bão.

Tại xã Phong Xuân có 5 nhà bị tốc mái. Công an xã Phong Xuân đã cắt cử CBCS vừa ứng trực tại các điểm ngập sâu để đảm bảo ATGT và giúp dân đi qua một số điểm ngập nhẹ vừa phối hợp với các đơn vị, chính quyền địa phương giúp dân lợp lại mái nhà hư hỏng. Với 10 nhà dân tại thôn 11 xã Điền Hòa (H. Phong Điền) bị bão thổi tốc mái, Công an xã Điền Hòa, chính quyền địa phương, Quân sự xã đã khẩn trương hỗ trợ lợp lại 5/10 nhà, 5 gia đình còn lại được di dời qua nơi khác ở tạm.

 Người dân đã khó khăn trong hơn một tháng giãn cách để chống dịch, giờ đây lại tiếp tục đối mặt với mất mát do bão lũ gây ra. Trong chồng chất khó khăn ấy, sự sát cánh, hỗ trợ kịp thời của lực lượng Công an các địa phương hy vọng sẽ khiến họ yên tâm hơn, tiếp tục vượt qua thách thức, sớm ổn định cuộc sống.

VIỆT THÀNH-L.A.T-CTV