Sau 2 tháng, người Đà Nẵng tắm biển theo giờ, đặt lịch cắt tóc

Thứ sáu, 01/10/2021 16:55

Sau 2 tháng thực hiện giãn cách phòng chống dịch ở mức độ cao, ngày 30-9, nhiều hoạt động nơi công cộng, cơ sở dịch vụ được mở lại để đáp ứng nhu cầu của người dân Đà Nẵng. Dù chưa được mở hoàn toàn, phải tuân thủ một số quy định nhưng đa số người dân đều rất hào hứng sau thời gian dài phải “gồng mình”. Mọi người đều tự giác chấp hành và mong muốn các hoạt động khác cũng từng bước được nới dần.

Người dân Đà Nẵng được tắm biển theo giờ buổi sáng sau 2 tháng thực hiện giãn cách.

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 30-9, Đà Nẵng áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới với việc nới lỏng nhiều hoạt động, trong đó cho phép người dân được phép tắm biển trong khoảng thời gian từ 4 giờ 30 đến 6 giờ 30. Như vậy, sau hơn 2 tháng phong tỏa, giãn cách để phòng chống dịch COVID-19, người Đà Nẵng được thỏa sức tắm biển, tập thể dục.

Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 30-9 tại khu vực biển quận Sơn Trà có rất đông người dân tập trung tắm biển và tập các môn thể dục ngoài trời. Trước khi vào khu vực bãi giữ xe, tất cả đều được nhân viên thuộc BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng yêu cầu quét QR Code, nhắc nhở tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Ngoài khu vực bãi biển cũng có nhiều nhân viên có mặt từ sớm làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT, công tác cứu hộ, đồng thời phát loa nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu an toàn với người xung quanh. 

Anh Nguyễn Văn Trường Trung (38 tuổi, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết: “Sau hơn 2 tháng ở nhà thực hiện các quy định phòng, chống dịch hôm nay là ngày chúng tôi cảm thấy rất vui khi được tắm biển trở lại. Tôi hy vọng những ngày sắp tới, khi tình hình dịch được kiểm soát ổn hơn, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục nới lỏng thêm một số hoạt động mới để người dân thực sự trở lại cuộc sống bình thường mới”. Chị Lê Thị Ái Nhi (31 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn) rất đồng tình với việc quét mã QR Code kiểm soát người xuống biển để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên chị Nhi cho rằng lực lượng chức năng cần mở rộng phạm vụ quét mã QR Code không chỉ ở bãi giữ xe mà còn ở khu vực bãi biển và dọc khu vực người dân tập thể dục, đi bộ. “Đặc biệt, có nhiều người lớn tuổi vẫn chưa quen việc dùng điện thoại thông minh có QR Code, hoặc quên mang theo. Chính vì vậy, lực lượng chức năng cần nhắc nhở, hướng dẫn và yêu cầu phải có QR Code thì mới được gửi xe, xuống biển. Nếu không sẽ khó mà kiểm soát được”, chị Nhi kiến nghị.

Trong buổi sáng đầu tiên được tắm biển trở lại, hầu hết người dân tự giác chấp hành 5K. Tuy nhiên vẫn còn một số người chủ quan, thiếu ý thức mang khẩu trang không đúng quy định, thậm chí một số người cầm theo nhưng chỉ đeo... ở tay do tắm biển bất tiện. Ngoài ra, một số nơi người dân vẫn còn tập trung đông, không giữ đúng khoảng cách tối thiểu. Đến 6 giờ 30, nhiều nhân viên BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đồng loạt phát loa yêu cầu người dân ngừng tắm biển và hoạt động thể dục tại khu vực bãi biển. Do chưa được tắm nước ngọt tập trung nên người tắm biển đều tự giác lên bờ về nhà, trả lại bãi biển Đà Nẵng bình yên. 

Tiệm cắt tóc tại 71 Mai Am mới chỉ cắt cho khách quen đã kín lịch từ nay đến hết tuần.

Cũng trong sáng 30-9, thành phố Đà Nẵng cho phép các cơ sở cắt tóc, gội đầu hoạt động trở lại sau hơn 2 tháng đóng cửa để thực hiện giãn cách chống dịch. Điều kiện để các cơ sở này “sáng đèn” là chủ cơ sở, nhân viên đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 qua 14 ngày và phục vụ không quá 3 người cùng một thời điểm.
Để đảm bảo không phải chờ đợi cũng như tuân thủ các quy định mà cơ quan chức năng đưa ra, hầu hết các tiệm cắt tóc đều đã chốt lịch, hẹn giờ cho khách quen qua điện thoại, khi đến là ngồi vào cắt hoặc chờ đợi trong khoảng thời gian ngắn. Không chỉ là các salon lớn, có thương hiệu mà ngay cả những tiệm cắt tóc, gội đầu nhỏ cũng đều đặn khách ra vào do phần đông người dân đều có nhu cầu làm đẹp hoặc ít ra cũng gọn gàng hơn sau 2 tháng. Tại salon tóc Huyền Trang trên đường Hoàng Diệu (Q. Hải Châu), chủ cơ sở liên tục nhận điện thoại đặt lịch và gọi cho khách hàng. Khi người đang được cắt gần xong thì người ngồi chờ chuẩn bị và người đang ở nhà được thông báo đến theo hình thức cuốn chiếu. “Theo lịch đã đặt thì hôm nay tiệm sẽ làm tóc cho 20 người. Ai chốt trước thì làm trước, nếu xong sớm thì có thể thông báo thêm cho những người đặt sau. Nhu cầu của người dân là rất lớn nhưng cũng không ham được vì phải đảm bảo người ra vào không quá đông”, chị Trang – chủ cơ sở chia sẻ. 

Cũng trong cảnh làm không được nghỉ tay, anh Tuấn - chủ salon tóc Tuấn Model tại 71 Mai Am cho biết, từ đầu tuần đã có nhiều khách quen hỏi rồi nhưng chưa dám nhận vì phải theo dõi chủ trương của thành phố. Đến giữa tuần tiệm bắt đầu đặt lịch cho khách quen để khi được hoạt động thì vào làm ngay. Anh cũng không mở cửa hoàn toàn vì sợ người đi đường sẽ dừng lại tạt vào sẽ dồn ứ, không đảm bảo giãn cách phòng dịch. “Nếu phục vụ tối đa 3 người trong cùng một thời điểm thì lịch đã kín đến ngày chủ nhật. Theo thứ tự ưu tiên, nếu xong sớm thì sẽ nhận thêm. Bạn bè, người quen gọi điện “cháy máy”, mình ghi chú rồi xong tới đâu sẽ gọi lại tới đó”, anh Tuấn cho hay.

CÔNG KHANH – NGỌC QUỐC

Từ ngày 30-9, Đà Nẵng áp dụng Chỉ thị mới, cho phép nhiều hoạt động mở cửa trở lại sau 2 tháng giãn cách ở mức độ cao. Đây là biện pháp chống dịch mà thành phố áp dụng sau khi đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn và chờ hướng dẫn chung của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Các hoạt động được nới lỏng chủ yếu là việc mở lại chợ truyền thống, tiệm cắt tóc, gội đầu, hoạt động tập thể dục ngoài trời... Người tham gia các hoạt động nơi đông người phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19.