Sau Hy Lạp là Ukraine?

Thứ năm, 23/07/2015 10:20

(Cadn.com.vn) - Nhiều người Ukraine đang cảm nhận được những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nghiêm trọng tại đất nước mình. Cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy ở khu vực phía đông cũng góp phần khiến nền kinh tế Ukraine đang bị thu hẹp lại. Kiev đang trên bờ vực vỡ nợ, điều khiến nước này bị so sánh với tình hình ở Hy Lạp hiện nay.

Sự bất mãn với Tổng thống Petro Poroshenko (giữa) và Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk (phải) tăng mạnh gần đây. Ảnh: BBC

Cuộc sống khó khăn

Trong tuần này, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã đến Mỹ để trấn an Washington rằng, chính phủ đang có những tiến bộ trong việc giải quyết nền kinh tế đang gặp khó khăn, xóa bỏ tham nhũng và giải quyết lệnh ngừng bắn với lực lượng nổi dậy.

Nhưng đối với nhiều người dân Ukraine, cuộc sống hiện đang rất khó khăn. Ở vùng ngoại ô thủ đô Kiev, vợ chồng Andrei và Yulia Burda đang điều hành một trung tâm trị liệu bằng ngôn ngữ, một tổ chức phi lợi nhuận dành cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Đó là một trung tâm nhỏ chỉ với hai phòng nằm ở góc một trường học, hoạt động dựa trên sự đóng góp của 20 gia đình có con em cần giúp đỡ. Gia đình 5 người của họ phải thuê căn hộ một phòng ngủ nhỏ gần trung tâm Kiev. Họ cùng nhau làm những con búp bê vải để bán tại một hội chợ nghệ thuật địa phương. Ngoài ra, Andrei cũng cung cấp thêm dịch vụ chăm sóc chó. Tuy nhiên, tất cả các khoản thu nhập này chỉ giúp họ đủ ăn uống hàng ngày. “Chúng tôi không đủ khả năng để đi đến trung tâm mua sắm, vườn thú hoặc rạp xiếc bởi vì nó rất đắt tiền”, Yulia cho biết.

Với sự rớt giá của đồng Hryvnia sau khi ngân hàng trung ương đưa ra những tín hiệu cho biết sẽ không can thiệp để tiếp tục hỗ trợ. Lạm phát cũng từ đó tăng vọt. Yulia cho biết họ thậm chí còn không có tiền để mua thuốc khi bị ốm. “Giá cả tăng vọt. Cũng với một số tiền, trước đây tôi có thể mua 1kg xúc xích hoặc pho mát thì hiện giờ tôi chỉ có thể mua 100g”, Yulia cho biết.

Rủi ro vỡ nợ

Những khó khăn mà gia đình Yulia đang gặp phải là tấm gương phản ánh tình hình trên khắp Ukraine. Nền kinh tế đang bị kìm kẹp trong một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Tổng sản phẩm trong nước được dự đoán sẽ giảm 10% trong năm nay, sau khi giảm 7,5% trong năm 2014. Lạm phát đang ở mức 57%, cao thứ ba thế giới, sau Venezuela và Nam Sudan.

Ukraine hiện đang phải đối mặt với việc đàm phán với các chủ nợ quốc tế. Ngày 24-7 là thời hạn cuối cho chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko trả khoản thanh toán lãi 120 triệu USD cho các tổ chức cho vay quốc tế. Nếu không làm được điều này, Ukraine sẽ vỡ nợ. Kiev hiện đang đàm phán với một nhóm các nhà cho vay quốc tế, những người nắm giữ 9 tỷ USD trong số nợ 19 tỷ USD của Ukraine. Kiev đang đề xuất giảm 40% số tiền này song nhóm chủ nợ này không muốn giảm nợ mà thay vào đó sẽ gia hạn thời gian thanh toán cho Kiev.

120 triệu USD không phải là lớn, song Ukraine không muốn trả để tránh suy giảm nguồn dự trữ ngoại tệ vốn đang lao dốc. Quốc hội Ukraine hồi tháng 5 đã bỏ phiếu cho phép chính phủ áp đặt “lệnh cấm” tất cả các khoản thanh toán quốc tế, nếu cần thiết.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Ukraine vỡ nợ? Bộ trưởng Tài chính Natalie Jaresko cho biết tác động vào nền kinh tế sẽ không quá lớn, và trong thực tế có thể giúp đẩy nhanh các cuộc đàm phán nợ. Bà Jaresko cũng phản đối những so sánh giữa Ukraine với Hy Lạp. “Chúng tôi không giống Hy Lạp. Tình hình của chúng tôi hoàn toàn khác. Hy Lạp có nhiều vấn đề phải giải quyết bởi họ từ chối cải cách”. Thật vậy, Quốc hội Ukraine tuần trước đã thông qua một loạt các quy định mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) yêu cầu, trước khi được nhận 1,7 tỷ USD trong chương trình cứu trợ 17 tỷ USD IMF dành cho Ukraine.

Nhưng với một nền kinh tế đang xấu đi, tức giận gia tăng trong dân chúng. Một cuộc thăm dò ý kiến mới đây cho thấy số người bất mãn với Tổng thống Petro Poroshenko và thủ tướng tăng mạnh. Bà Jaresko công nhận những khó khăn mà nhiều người đang trải qua nhưng tin rằng, tình trạng này sẽ nhanh chóng trôi qua.

An Bình