Sau "lạm thu", trường quốc tế Singapore bị tố trốn thuế

Thứ bảy, 21/09/2019 12:15

Thời gian gần đây, tại Chi nhánh Cty Cổ phần KinderWorld Việt Nam - đơn vị quản lý, điều hành Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (đóng tại P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn) liên tiếp xảy ra những vụ việc "lình xình" giữa nhà trường và các bậc phụ huynh. Không tìm được tiếng nói chung, sau vụ làm đơn khởi kiện Cty này ra tòa với lý do "lạm thu" và đơn phương "dừng cung cấp dịch vụ giáo dục" đối với học sinh, phụ huynh tiếp tục có đơn "tố" Cty có dấu hiệu trốn thuế...

Dù đã xác nhận phụ huynh nộp tiền nhưng khi phụ huynh yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng, Cty không chấp nhận.

Như Báo CATP Đà Nẵng đã thông tin, cuối tháng 8-2019, ông Nguyễn Văn Tuấn, trú TP Hồ Chí Minh có con theo học tại Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng đã kiện Cty Cổ phần KinderWorld ra Tòa án nhân dân Q. Ngũ Hành Sơn do đơn phương chấm dứt hợp đồng, "dừng cung cấp dịch vụ giáo dục" đối với con của mình. Lý do dẫn đến khởi kiện và Cty ngưng cung cấp dịch vụ là do các bậc phụ huynh trước đó đã "tố" Cty và nhà trường "lạm thu", tự ý đặt ra khoản phí gọi là phí đặt cọc năm học 2019-2020 với mức 8 triệu đồng/học sinh. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, khoản tiền đặt cọc này nhà trường dùng để làm gì trong khoảng thời gian sẽ trả lại cho học sinh sau khi chuyển cấp?

"Không xuất hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định"

Sau đơn khởi kiện, trao đổi với phóng viên ngày 19-9, ông Tuấn cho biết vừa có đơn tố cáo Cty Cổ phần KinderWorld có dấu hiệu trốn thuế gửi Phòng CS kinh tế CATP, Cục Thuế Đà Nẵng và Chi cục Thuế Q. Ngũ Hành Sơn.

Cụ thể, đơn vị này đã không xuất hóa đơn chứng từ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân ông nói riêng và gây thất thoát nguồn thu ngân sách của Nhà nước. Theo trình bày của ông Tuấn, ông là người có 3 cháu đã theo học Trường Quốc tế Singapore thuộc hệ thống giáo dục của Cty cổ phần Kinderworld Việt Nam - Chi  nhánh Đà Nẵng từ cấp mẫu giáo lên cấp tiểu học. Bản thân nhà trường và Cty này có sự liên kết với nhau về một số chương trình giáo dục. Từ thông báo của trường về trách nhiệm nộp tiền học phí cho các cháu năm học 2019 - 2020, ông đã nộp cho cháu lớp 1 nộp số tiền hơn 215 triệu đồng; cháu lớp 6 hơn 259 triệu đồng và cháu lớp 3 hơn 209 triệu đồng.

Nêu cụ thể về việc Cty này trốn thuế, ông Tuấn cho biết, như cháu Nguyễn Xuân B. (lớp 1), sau khi ông đã chuyển khoản đủ số tiền trên vào tài khoản của chi nhánh Cty và nhận được 2 tờ phiếu thu số 012225 và 001602 ghi ngày 15-5-2019 để xác nhận ông đã nhận đủ số tiền theo quy định. Tuy nhiên, khi ông Tuấn yêu cầu họ phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật thì Cty nhất quyết không chấp nhận. Theo luật sư Hoàng Anh, Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp Đà Nẵng, Cty Kinderworld có dấu hiệu trốn thuế rất rõ ràng, được quy định tại điểm c, khoản 1 điều 200 BLHS năm 2015. Cụ thể, Cty cổ phần Kinderworld Việt Nam đã không xuất hóa đơn khi bán hàng, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.

Cáo buộc "thoái thác trách nhiệm"

Không chỉ chuyện "lạm thu", có dấu hiệu trốn thuế, nhiều phụ huynh còn tỏ ra bức xúc cho rằng, trường Quốc tế Singapore có ý thoái thác trách nhiệm nếu xảy ra sự cố khi đưa đón học sinh.

Theo phụ huynh X., đầu năm học mới đây trường này yêu cầu cha mẹ học sinh ký vào bản cam kết ủy quyền đón con tại địa điểm trả xe buýt. Cụ thể, trong phần đầu bản cam kết nhà trường yêu cầu phụ huynh ghi đầy đủ họ tên, số điện thoại và chứng minh thư của người được gia đình ủy quyền đón học sinh tại địa điểm quy định và nêu rằng: "Trong trường hợp một người khác không phải là người đã được phụ huynh ủy quyền đến đón học sinh, xe buýt sẽ không trả học sinh cho đến khi nhận được sự đồng ý từ phụ huynh". Tiếp theo, bản cam kết thể hiện rõ rằng: "Bằng việc ký xác nhận này, tôi (phụ huynh) xác nhận miễn trừ trách nhiệm đối với đội ngũ quản lý và nhân viên xe buýt trường Quốc tế Singapore trong mọi trường hợp rủi ro có thể xảy ra". Sau khi đọc nội dung này, phụ huynh bức xúc cho rằng, dòng chữ "miễn trừ trách nhiệm khi rủi ro xảy ra" thể hiện rõ nhà trường rất vô trách nhiệm đối với học sinh.

Cũng từ câu chuyện này, phụ huynh còn nhắc lại vụ tai nạn ở trường Gateway và đặt câu hỏi: Trường hợp nhân viên của trường bỏ quên học sinh trên xe buýt thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Trong khi buộc gia đình ký vào bản cam kết như đã nói ở trên! Theo tìm hiểu của chúng tôi, bản cam kết này là do nhà trường ban hành với mục đích đưa đón học sinh chu đáo hơn và được nhà trường gửi đến phụ huynh qua email. Tuy nhiên, sau khi xem kỹ và tham khảo ý kiến, phụ huynh được các luật sư khuyến cáo rằng, không nên ký bản cam kết, bởi nội dung không thể hiện ai là người chịu trách nhiệm khi đưa đón học sinh. Cũng vì không rõ ràng, nên nếu có rủi ro, sự cố xảy ra mà nhà trường sử dụng bản cam kết này để né tránh trách nhiệm thì phụ huynh sẽ là bên thiệt thòi!

Cũng như những lần trước, chúng tôi cố gắng liên lạc nhiều lần với bà Trần Công Minh Hữu, Giám đốc chi nhánh Cty CP Kinderworld Việt Nam tại Đà Nẵng qua điện thoại, nhưng bà Hữu không nhấc máy. Trong khi đó, phục huynh học sinh khẳng định, những vấn đề nêu trên liên quan đến hóa đơn giá trị gia tăng và nội dung bản cam kết ủy quyền đón con tại địa điểm trả xe buýt nhà trường và Cty Kinderworld cũng chưa có bất kỳ câu trả lời nào thỏa đáng!

CÔNG HẠNH