Sau một năm khó, đến năm hy vọng

Thứ sáu, 27/12/2013 09:59

(Cadn.com.vn) - Lâu lắm rồi ngư dân miền Trung mới gặp phải một năm chạy bão chóng cả mặt như năm 2013. Điệp khúc “chạy tàu gió”, tránh bão liên tục đã khiến nhiều đội tàu nóng mặt vì vào bờ “rỗng khoang” sau khi đã bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng vào tiền đá, tiền lương thực và nhiên liệu cho mỗi chuyến ra khơi.

Những ngư dân già dặn với nghề tiên lượng, sau một năm khó khăn sẽ là một năm thuận lợi với nghề đánh bắt. Cho nên những chuyến ra khơi cấp tập cuối năm vừa để chạy sản lượng vừa bắt đầu cho một năm mới bội thu.

Chưa kịp buông neo đã chạy

Nếu như khoảng đầu năm cho đến tháng 8, người đi biển trúng đậm với những chuyến ra khơi dài ngày, sản lượng vượt trội thì bắt đầu từ tháng 9, các đợt áp thấp, bão, rồi “siêu bão” đã rượt đuổi họ liên tục.

Có tàu vừa xuất bến đã phải quay đầu, có tàu được nửa hải trình phải rút lui, khổ nhất là những đội tàu lớn vừa ra đến ngư trường, chưa kịp buông neo đã phải tháo chạy. “Chưa năm nào ông trời chơi ác như năm ni. Cứ ra đến nơi, thăm dò được vùng cá ngon là đất liền gọi báo bão. Tiền đá, tiền dầu, tiền lương thực bay hết mà khoang tàu trống trơn. Tàu nào trên hành trình vớt được vài mẻ thì gỡ gạc được chút đỉnh chứ không thì lỗ chỏng vó” - ông Đỗ Chiêm Liễu (quê Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) - thuyền trưởng tàu QNg-94349 TS tâm sự.

Ông Liễu hạch toán, cứ mỗi chuyến đi ngốn hết khoảng 300 triệu đồng tiền vốn, đánh bắt thuận lợi thì 12 thuyền viên trên tàu kiếm được 3-4 triệu đồng. Còn trời không thương thì đang trúng đậm cũng phải chạy, thậm chí vừa thả lưới cũng phải gom, thua toàn tập.

Trong suốt 3 tháng ròng, tàu Đna 90249 TS của anh Đồng Ơn (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) chuyến nào cũng có cá, nhưng sản lượng bằng 1/10 những chuyến đầu năm. “Cứ đang vào trớn là nhận thông báo bão qua Icom, lại từ quần đảo Hoàng Sa tháo chạy lên Vịnh Bắc Bộ. Liên tục mấy tháng trời. Vài mẻ cá chỉ đủ tiền rau, tiền đá. Đầu tư tàu tiền tỷ mà làm ăn như năm ni thì có mà sạt nghiệp” - anh Ơn thở dài.

Dù đã quen với cảnh chạy đua với ông trời nhưng ông Huỳnh Văn Tâm, thuyền trưởng tàu QNg 94329 TS cho biết, gần như chưa năm nào phải chơi trò ú tìm liên tục với những diễn biến thất thường của thời tiết như năm nay. Thường thì chỉ sau cơn bão số 12 là hầu như các tàu thảnh thơi nhổ neo ra các ngư trường xa nhưng năm nay kỳ lạ đến mức có cả bão số 13 rồi số 14, mà toàn là “siêu bão” với những hướng đi chóng cả mặt. “Hết Wutip rồi đến Nari. Vừa nhổ neo thì Krosa xuất hiện. Nghĩ thế đã là quá lắm rồi, ai ngờ vừa được vài tạ cá lại chạy trối chết vì hung thần Haiyan. Biết lỗ nặng, nhưng nó quét Philippines như rứa, mình ham thì toi luôn. Thế là cuốn gói, một mạch chạy thẳng vào đất liền” - anh Tâm kể lại.

Những ngư dân đi tàu khủng cho rằng năm nay đi xa thua mấy tàu đánh bắt gần bờ, chi phí ít, có diễn biến phức tạp của thời tiết cũng “rút quân” nhanh hơn, chuyến nào có lỗ thì cũng không nhiều. Còn đã ra xa, lỗ chuyến nào là “ăn đòn” chuyến đó.

Ngư dân Đà Nẵng sửa sang ngư lưới cụ chuẩn bị ra khơi. Ảnh: C.K

Hy vọng “1 tích, 1 tè”

Những người đi biển lâu năm đúc rút kinh nghiệm rằng: thường sau một năm làm ăn khó khăn thì sẽ là một năm khấm khá. Họ gọi vui đó là quy luật “1 tích, 1 tè”. Năm 2013 đã là năm “tè” rồi thì hy vọng năm tới sẽ thuận lợi để “tích”.

Ông Lê Thanh Tính, chủ tàu QNg 94349 TS nói: “Tui đi biển mấy chục năm rồi, không phải nhất nhất là như rứa nhưng thường thì ông trời vẫn không làm khó ngư dân bằng mọi cách. Sau một năm đầy biến động thường là một năm mưa gió thuận hòa. Có như rứa nghề biển mới sống được chớ”.

Tại âu thuyền Thọ Quang, rất nhiều con tàu mới đã căng cờ. Sau khi kể về một năm khốn khó, ngư dân các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đang rất phấn chấn ra khơi và tin tưởng về một năm bội thu.

Ông Ngô Văn Quang - Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho hay, những cơn bão lớn vào cuối năm phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt của bà con ngư dân nhưng trước đó, trong vụ cá Nam (từ tháng 4 đến tháng 10), các tổ đánh bắt xa bờ đã trúng lớn nên sản lượng vẫn tăng so với năm 2012.

Cụ thể, đến cuối năm 2013, tổng sản lượng khai thác thủy sản của ngư dân Đà Nẵng nói riêng và ngư dân các tỉnh miền Trung qua cảng âu thuyền Thọ Quang đạt 34.600 tấn. Trong số này, ngư dân Sơn Trà chiếm đông đảo và là đội tàu đóng góp sản lượng lớn nhất. Ông Quang cũng cho biết, ngoài những chính sách hỗ trợ đóng mới tàu công suất lớn, mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên thì ngành chức năng thành phố cũng đang tìm các phương án để đảm bảo sự ổn định về giá, đảm bảo quyền lợi cho bà con ngư dân. “Việc thành lập chợ đầu mối ngay tại âu thuyền cũng là một cách để ổn định, tránh sự phập phù về giá cả thu mua. Chính vì vậy, giá thu mua hải sản tại Đà Nẵng có thể chưa thực sự cao nhưng vẫn đứng đầu trong các tỉnh miền Trung” - ông Quang cho biết.

Hy vọng rằng, sau một năm “tè”, ngư dân miền Trung sẽ có một năm “tích” để vươn khơi bám biển. Không chỉ làm giàu cho bản thân, cho quê hương mà họ còn như những cột mốc chủ quyền kiên định trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Đông A