Sáu Nam

Thứ hai, 19/08/2013 10:16

Giữ kho thóc

(Cadn.com.vn) - Kháng chiến chống Pháp (còn gọi kháng chiến 1), Sáu Nam làm Chi sở trưởng Chi sở kho thóc Quảng Nam- Đà Nẵng. Đầu năm 1954, khi ta đẩy mạnh các hoạt động để chuẩn bị "tổng tiến công" thì Sáu Nam được Tỉnh ủy cử ra T.Ư dự Đại hội kho thóc toàn quốc, tổ chức tại Sơn Dương, Tuyên Quang. Đi ra 40 ngày, họp 10 ngày, về mất 40 ngày. Tóm lại, đi dự một cái đại hội mất ba tháng trời! Họp xong về, vừa leo lên Dốc Bút, ranh giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam thì nghe tin Hội nghị Genève vừa được ký kết (21-7-1954). Lệnh đình chiến vừa ban ra. Mừng hết chỗ nói!

Ông Sáu Nam (bìa trái) với ông Hồ Nghinh trên Hòn Tàu.

Vội vã về đến nơi, thì nhiệm vụ chính vô cùng cấp bách của Sáu Nam là xuất các kho thóc. Bấy giờ toàn tỉnh còn trong các kho 17.000 tấn thóc. Có tất cả 20 kho thóc nằm rải rác ở các xã vùng tự do từ quốc lộ 1 trở lên, lớn nhất là các kho thóc Thăng Lâm, Tam Thái, Tam Dân, Trung Phước. Tỉnh chủ trương nhanh chóng phân phát hết thóc cho dân nghèo, cho gia đình thiếu đói, trước khi quân của Liên hiệp Pháp đến tiếp quản. Huy động cấp tốc được 300 cán bộ, nhân viên, phải làm việc cật lực suốt ngày suốt đêm. Riêng dân xã toàn đất cát Duy Nghĩa và xã nhiều ruộng nhiễm phèn Duy Vinh rất thiếu gạo, nghèo nhưng ở quá xa không lên nhận được. Xuất xong tất cả các kho thóc thì chỉ giữ lại số kế toán, tài vụ lo thống kê, làm báo cáo để vào Khu nộp báo cáo, còn lại thì giải tán tất cả, có hơn 700 cán bộ, nhân viên, có 200 người trong biên chế, còn là hợp đồng.

Ông Phạm Đức Nam, thường gọi là Sáu Nam, từng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thời xây dựng hòa bình từ sau năm 1975.

Là một chiến sỹ cách mạng có một cuộc sống và chiến đấu vô cùng phong phú. Bài viết này chỉ phác họa hoạt động của ông trên lĩnh vực "Cơm, áo, gạo, tiền".

 

Đến tháng 9-1954, mới xong các thủ tục báo cáo công việc xuất kho thóc cho Ban kinh tế Khu V, thì Sáu Nam nhận quyết định bổ sung làm ủy viên Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước, nơi Đào Đắc Trinh đang làm Bí thư. Rời Quảng Ngãi, ra đến Sông Vệ, thì thấy anh em cán bộ đi vào Bồng Sơn, Bình Định để đi tập kết và nghe được tin địch đã đến tiếp quản Duy Xuyên, Thăng Bình.Thế là, Sáu Nam liền đóng vai người đi buôn, gánh đôi bầu chen chân vào đám người đi ra. Đến ga Quảng Ngãi, Sáu Nam gặp bà Hoàng là vợ của ông Hồ Liên (sau này có tên Hoàng Bích Sơn, em trai của ông Hồ Nghinh), cũng trên đường đi ra, bà Hoàng về quê chuẩn bị tạm biệt cha mẹ đi tập kết theo chồng. Ra đến Bình Sơn thì thấy địch đang đón bắt cán bộ Quảng Nam đi vào. Nếu cứ tiếp tục đi theo đường xe lửa sẽ không đảm bảo, Sáu Nam theo dân đi làm củi nhằm đường núi đi ra, hỏi thăm, bà con nói có đường ra đến xã Tam Hiệp. Đi giữa trời nắng chang chang ra đến Tam Hiệp thì hỏi đường ra chợ Cà Đó, nơi Sáu Nam từng công tác, vào nhà anh Huề, Trưởng kho thóc Tam Hiệp, ngủ một ngày, nghe ngóng tình hình rồi đi ra An Tân thì bà Hoàng đi theo đường số 1, còn Sáu Nam nhờ anh Huề chỉ đường ra Trường Đồng, Đức Bố, ra Tam Xuân, ra Tam Thái, đến nhà Giáo Mai người Trường Xuân nhà ở gần sân bay Ngọc Bích nghỉ lại một đêm.

Rời nhà Giáo Mai đi lên đến Tam Dân thì nghe tin Nguyễn Viết Liệu, Trưởng chi nhánh Ngân hàng tỉnh và Hồ Ché bị địch bắt ở ngoài Cẩm Khê. Sau này kể lại, Sáu Nam mới biết rằng, ngay ngày hôm đó, ông Hồ Nghinh, ông Trần Thận cũng đang cùng có mặt trên đất Tam Dân, Tam Kỳ. Sáu Nam cách ông Hồ Nghinh trong gang tấc không gặp nhau, vậy mà sau đó một thời gian thì duyên nợ đưa đẩy thế nào họ cùng gặp nhau tại một khách sạn ở trong thành phố Đà Nẵng, bốn bề là tay sai của Diệm- Nhu, ngày nào chúng cũng cho tay chân chọc giận, không dám làm liều bắt bớ, nhưng chúng muốn tống khứ các ông ra khỏi thành phố Đà Nẵng!

Hồ Duy Lệ
(còn nữa)