Saudi Arabia “căng như dây đàn” vì vụ nhà báo mất tích bí ẩn

Thứ ba, 16/10/2018 11:44

Tính chất nghiêm trọng của vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích bí ẩn có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất giữa Saudi Arabia và các đồng minh phương Tây trong nhiều năm qua.

Biểu tình trước Đại sứ quán Saudi Arabia ở Washington, đòi điều tra rõ ràng về số phận của nhà báo Jamal Khashoggi.  Ảnh: AP

Áp lực quốc tế đang đè nặng trên vai Saudi Arabia khi Anh, Đức và Pháp ngày 15-10 yêu cầu cuộc điều tra đáng tin cậy về số phận của nhà báo Jamal Khashoggi bị mất tích bí ẩn gần 2 tuần qua.

Trong một tuyên bố chung, các ngoại trưởng của Anh, Pháp và Đức nêu rõ: “Cần có một cuộc điều tra đáng tin cậy để tìm chuyện gì đã xảy ra với nhà báo Jamal và quy trách nhiệm cho những kẻ đứng sau sự biến mất của Jamal Khashoggi. Chúng tôi khuyến khích các nỗ lực chung Saudi Arabia -Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này và mong Riyadh cung cấp câu trả lời chi tiết và trọn vẹn. Chúng tôi đã trực tiếp chuyển thông điệp này tới nhà chức trách Saudi Arabia”.

Trong khi đó, Mỹ liên tục có những tuyên bố cứng rắn về vụ việc.

Nguy cơ bùng nổ khủng hoảng quốc tế

Nhà báo Jamal biến mất bí ẩn khi ông đến Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul vào ngày 2-10 để làm giấy tờ kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ.

Và giờ đây, tính chất nghiêm trọng của vụ việc có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất giữa Saudi Arabia và các đồng minh phương Tây trong nhiều năm qua. Thậm chí, nó có thể bùng phát thành một cuộc khủng hoảng quốc tế khi nhiều lãnh đạo các nước trên thế giới đã theo dõi sát sự việc này và có những tuyên bố mạnh mẽ nhắm vào Riyadh. Trong tuyên bố mới nhất, khi trả lời phỏng vấn chương trình “60 phút” của đài CBS ngày 14-10 (sáng 15-10, giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết tiếp tục cảnh báo về “sự trừng phạt mạnh mẽ” nếu Saudi Arabia thật sự đã sát hại nhà báo Jamal. “Nếu là sự thật, đó thực sự là điều khủng khiếp và ghê tởm. Vì vậy, chúng ta sẽ phải chú trọng và sẽ có hình phạt mạnh mẽ”, ông Trump nói.

Saudi Arabia cũng phản ứng mạnh mẽ, cảnh báo sẽ đáp trả mọi “mối đe dọa” nhằm vào vương quốc này. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực đang bủa vây, buộc vương quốc này phải chịu trách nhiệm về số phận của nhà báo Jamal, Riyadh sau đó dịu giọng hơn. Thậm chí, một báo cáo mới cho thấy Riyadh đang chuẩn bị một danh sách các biện pháp ứng phó, trong đó có sự hòa giải với Iran, nhằm chống lại các lệnh trừng phạt có khả năng xảy ra.

Kinh tế bị ảnh hưởng như thế nào?

Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cuộc điều tra ngay sau khi có thông tin nhà báo nổi tiếng này mất tích. Đã có nhiều tuyên bố được đưa ra về số phận của ông Jamal, trong đó đều cho rằng, nhà báo mang hai quốc tịch Mỹ - Saudi Arabia này đã bị các giới chức của Riyadh sát hại. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo phát hiện 15 công dân Saudi Arabia tình nghi liên quan, trong đó xác định danh tính của 8 người. Một quan chức Mỹ giấu tên đã nói với CNN hôm 15-10 rằng, Washington từng chặn đứng kế hoạch của chính quyền Riyadh, đó là dụ ông Jamal trở về Saudi Arabia để bắt giữ nhà báo này.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, giới chức Saudi Arabia vẫn bác bỏ mọi cáo buộc dù chưa thể đưa ra lời giải thích rõ ràng về số phận của nhà báo Jamal. Và họ đang hứng chịu hậu quả. Thị trường chứng khoán Saudi Arabia đang giảm điểm trong bối cảnh lo ngại về lệnh trừng phạt. Sự sụt giảm của thị trường, khoảng 9% kể từ khi sau vụ việc này đã xóa sạch tất cả lợi nhuận của thị trường trong năm 2018, mặc dù nó vẫn tăng 8% so với 1 năm trước.

Các Cty quốc tế đã rút khỏi Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư  lớn có tên “Davos ở Sa mạc” diễn ra tại Saudi Arabia cuối tháng này, và do Thái tử Mohammed bin Salman của nước chủ nhà chủ trì. Đây là một trong những nỗ lực của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman nhằm hiện đại hóa nền kinh tế đất nước và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Những cái tên rút lui mới nhất là JP Morgan, Chase Dimon và Ford. Các Cty khác gồm Virgin Group, Uber, Viacom... cũng đã quyết định không tham gia. Nhiều hãng truyền thông, trong đó có CNN, cũng rút khỏi sự kiện này trong bối cảnh quan ngại về số phận của nhà báo Jamal ngày càng gia tăng.

KHẢ ANH