Saudi Arabia cho phép phụ nữ lái xe

Thứ năm, 28/09/2017 11:05

Quốc vương Saudi Arabia hôm 26-9 ra sắc lệnh cho phép phụ nữ nước này được lái ô-tô, động thái mang tính lịch sử chấm dứt truyền thống bảo thủ bị các nhà hoạt động nhân quyền xem là biểu tượng đàn áp phụ nữ ở vương quốc Hồi giáo này.

Nhà hoạt động Manal al-Sharif ngồi sau tay lái trong một động thái vận động chính phủ cho phép phụ nữ lái xe hồi tháng 10-2013.      Ảnh: AFP

Quyết định đúng đắn

Sắc lệnh của hoàng gia yêu cầu thành lập một cơ quan ngang bộ để tư vấn trong vòng 30 ngày và sau đó thực hiện lệnh trên vào ngày 24-6-2018. Theo sắc lệnh, thay đổi này phải "áp dụng và tuân theo các quy định cần thiết của luật Hồi giáo".

Ngay sau khi Saudi Arabia ra thông báo chính thức, Đại sứ nước này tại Mỹ, Hoàng tử Khaled bin Salman, cho biết, đây là "một ngày lịch sử, trọng đại của vương quốc chúng tôi". "Tôi nghĩ lãnh đạo của chúng tôi hiểu rằng xã hội đã sẵn sàng. Đây là quyết định đúng đắn tại thời điểm thích hợp", ông bin Salman nói. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Saudi Arabia Heather Nauert nói rằng Mỹ "chắc chắn sẽ hoan nghênh tin tức này", trong khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã viết trên Twitter cho rằng đó là "một bước đi quan trọng và đúng hướng".

Sắc lệnh của quốc vương Saudi Salman nhanh chóng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ bên trong vương quốc và trên toàn thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh động thái này. "Đó là bước đi đúng hướng tuyệt vời. Hôm nay chúng tôi rất vui. Một tín hiệu rất tích cực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan điểm trước báo giới.

Bước tiến lớn

Vương quốc Saudi Arabia - nơi khai sinh đạo Hồi, là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm phụ nữ lái ô-tô. Mặc dù cả luật Hồi giáo và luật giao thông Saudi Arabia đều không đề cập cụ thể về việc phụ nữ nước này không được phép lái xe, nhưng trên thực tế, họ không được cấp bằng lái và nếu cố tình điều khiển phương tiện, sẽ bị bắt giữ.

Các nhà hoạt động nhân quyền coi việc cấm phụ nữ lái xe là biểu tượng cho việc chèn ép phụ nữ. Trong hơn 25 năm qua, các nhà hoạt động nữ quyền cổ xúy cho quyền được lái ô-tô. Họ đã xuống đường biểu tình bày tỏ nguyện vọng, gửi các thỉnh nguyện tới nhà vua, đăng trên mạng xã hội các đoạn video ghi cảnh phụ nữ sau vô lăng. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động đã bị bắt vì những hoạt động như vậy. Nhà hoạt động Manal al-Sherif, người từng bị bắt vào năm 2011 sau khi lái xe, viết trên mạng xã hội Twitter: "Hôm nay, quốc gia cuối cùng trên thế giới cũng đã cho phép phụ nữ lái xe… Chúng tôi đã làm được điều đó".

Tại thủ đô Riyadh, thông báo bất ngờ của chính quyền được đón nhận trong cảm xúc pha trộn giữa sung sướng và ngờ vực. "Thật là một ngày tuyệt vời. Tôi không kìm được nước mắt - bà Latifah Alshaalan, thành viên hội đồng tư vấn Saudi, chia sẻ trên Twitter - Chúc mừng tất cả phụ nữ trên đất nước tôi".

Động thái giảm bớt các hạn chế đối với phụ nữ có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế Saudi và khả năng làm việc của phụ nữ nước này. Đây là sự kiện mới nhất trong một loạt những thay đổi quan trọng tại Saudi Arabia kể từ sau khi hoàng tử Mohammed bin Salman được phong thái tử. Thái tử Mohammed bin Salman đang tiến hành kế hoạch đầy tham vọng nhằm cải cách và biến đổi nền kinh tế Saudi Arabia vào năm 2030, và để đạt được mục đích đó, cần khuyến khích phụ nữ gia nhập lực lượng lao động.

Đại sứ bin Salman miêu tả bước đi này là "một phần của Tầm nhìn 2030, một bước tiến lớn hướng tới tương lai tươi sáng hơn". Đại sứ cho biết kế hoạch tái phát triển kinh tế dựa trên một số trụ cột, bao gồm nâng cao vị thế của thanh niên, tổ chức xã hội và trao quyền cho phụ nữ ", đó là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong những thay đổi ở Saudi Arabia.

AN BÌNH