Saudi Arabia – Iran ngày càng “khó kiểm soát”
Lực lượng Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite ở Yemen ngày 8-11 đe dọa tấn công các cảng biển và sân bay tại Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), làm dấy lên những quan ngại về khả năng bùng nổ xung đột giữa Iran và Saudi Arabia.
Phiến quân Houthi ở Yemen. Ảnh: Arabia Business |
Trong một tuyên bố, Văn phòng chính trị của nhóm phiến quân Houthi nêu rõ: “Tất cả các cảng biển, sân bay, cửa khẩu và những khu vực quan trọng của Saudi Arabia và UAE sẽ là những mục tiêu tấn công trực tiếp của các vũ khí của chúng tôi”.
Trước đó ngày 4-11, Houthi tuyên bố bất chấp chiến dịch ném bom kéo dài hơn 2 năm qua của liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu, lực lượng này vẫn giữ được các tên lửa có khả năng tấn công các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Saudi Arabia. Saudi Arabia và UAE là 2 nước chủ chốt trong liên quân Arab chiến đấu chống lại lực lượng Houthi ở Yemen kể từ năm 2015 nhằm hỗ trợ chính quyền được quốc tế công nhận ở Yemen.
Lời đe dọa trên của Houthi được đưa ra vài giờ sau khi Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia cáo buộc Iran “xâm lược quân sự trực tiếp” thông qua việc hỗ trợ cho nhóm Houthi. Trong cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, Thái tử Salman cho rằng, hành động cung cấp tên lửa cho Houthi của Iran được xem là một hành động chiến tranh chống lại Saudi Arabia.
Đại tá Turki Al-Maliki, phát ngôn viên của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen, hôm 6-11 khẳng định liên quân có đủ bằng chứng chứng minh sự đồng lõa của Tehran trong cuộc xung đột Yemen. Tại buổi họp báo ở Riyadh, ông đưa ra tên lửa, vũ khí và trang thiết bị quân sự do Iran cung cấp và bị lực lượng liên quân thu giữ. Ông nói, các loại tên lửa đạn đạo mà Houthi sử dụng không phải là từ kho vũ khí của quân đội Yemen mà đến từ Iran. Theo ông Al-Maliki, Iran cũng cung cấp cho Houthi máy bay không người lái. Các tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí khác được buôn lậu qua cảng Al-Hodeidah ở Yemen và tập hợp lại trong nước.
Ông Al-Maliki cho biết đã chặn được tên lửa đạn đạo tấn công sân bay quốc tế King Khalid ở Riyadh hôm 4-11. Houthi đã tuyên bố trách nhiệm vụ tấn công này. Theo ông Al-Maliki, Houthi đã phóng tên lửa một cách bừa bãi nhắm mục tiêu dân thường ở các khu vực đông dân, đó là một hành động khiêu khích.
Ông Al-Maliki cho biết, Houthi phóng 78 tên lửa nhằm vào Saudi Arabia kể từ khi liên minh bắt đầu chiến đấu khôi phục lại chính phủ hợp pháp ở Yemen vào tháng 3-2015. Ngoài ra, Houthi đã gài khoảng 50.000 quả mìn đất dọc theo biên giới với Saudi Arabia. Số mìn này đã được tìm thấy và vô hiệu hóa bởi các chuyên gia. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là LHQ, đánh giá việc Houthi vi phạm Nghị quyết 2216 của HĐBA LHQ. Nghị quyết được thông qua vào tháng 4-2015 kêu gọi chấm dứt bạo lực và yêu cầu Houthi rút lui khỏi tất cả các khu vực mà nhóm chiếm được trong cuộc xung đột, từ bỏ vũ khí, và chấm dứt tất cả các hành động thuộc thẩm quyền của chính phủ hợp pháp của Yemen.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bác bỏ cáo buộc Tehran cung cấp tên lửa cho Houthi, cho rằng cáo buộc này là “trái với thực tế”. Ông Zarif “cảnh báo các biện pháp khiêu khích của Saudi Arabia trong khu vực” và “cáo buộc nguy hiểm của Riyadh là vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ”. Căng thẳng ngày một leo thang giữa Saudi Arabia và Iran, hai nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt, đã đẩy giá dầu lên gần mức cao nhất trong vòng 2 năm qua hôm 7-11 và làm chao đảo các thị trường vùng Vịnh.
Kể từ sau vụ tấn công tên lửa hôm 4-11, liên quân Arab tăng cường phong tỏa các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen, động thái thậm chí đã gây cản trở các chuyến hàng cứu trợ nhân đạo tới nước này do LHQ giám sát. LHQ đã kêu gọi liên quân nới lỏng các hoạt động phong tỏa càng sớm càng tốt, vì việc kiềm tỏa mọi ngả đường vào Yemen tiếp tục đe dọa gần 7 triệu dân hiện đang bên bờ vực của nạn đói nghiêm trọng ở nước này.
AN BÌNH