Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025:

Sẽ giảm số lượng cơ quan báo in

Thứ bảy, 26/09/2015 10:52

(Cadn.com.vn) - Ngày 25-9, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chủ trì Hội nghị phổ biến Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đây là đề án được cộng đồng báo chí và bạn đọc, khán – thính giả cả nước  rất quan tâm trong thời gian qua.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, cần quán triệt quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng trong phát triển sự nghiệp báo chí, đó là:  “không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng; không để cho lợi ích nhóm chi phối; báo chí không cần nhiều mà cần tinh, chất lượng, thực sự có khả năng chi phối, định hướng thông tin trong xã hội...”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn giới thiệu nội dung Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh

Trình bày Đề án, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, để tạo điều kiện cho báo chí phát triển vừa đủ về số lượng, lành mạnh về thông tin, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của các tầng lớp nhân dân, là công cụ tư tưởng sắc bén của Đảng, từ năm 2003 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác quản lý báo chí trong tình hình mới, trong đó quy hoạch báo chí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vấn đề quy hoạch báo chí luôn được Đảng ta quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện cho báo chí phát triển, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng hệ thống báo chí, đó là: lành mạnh về nội dung, tinh gọn về đầu mối, số lượng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên cơ quan báo chí; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của công tác thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới.

Mục tiêu quy hoạch báo chí từ nay đến năm 2025 là sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí, xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên mạng viễn thông, Internet. Việc sắp xếp này khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí trong tình hình mới.

* Theo đánh giá, thời gian qua, hoạt động báo chí ở nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng và loại hình, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người đọc. Tuy nhiên, cùng với những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí trong giai đoạn hiện nay cũng đã bộc lộ một số xu hướng thông tin đáng lo ngại như: thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, sai sự thật diễn ra nhiều; thông tin tập trung quá nhiều vào các vụ việc tiêu cực; cái tốt, cái thiện chưa phải là thông tin chủ đạo ở một số sản phẩm báo chí; thông tin xâm phạm đời tư cá nhân, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của người dân...

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, yếu kém của báo chí như trong thời gian vừa qua, trong đó có nguyên nhân từ công tác quy hoạch báo chí chưa được triển khai rốt ráo theo định hướng, chỉ đạo của Bộ Chính trị. Số lượng báo chí hiện nay phát triển nhiều, không có bản sắc, đối tượng bạn đọc cụ thể dẫn đến hiện tượng trùng lắp thông tin, gây lãng phí lớn; có hiện tượng thương mại hóa và cạnh tranh không lành mạnh trên các loại hình báo chí. (website Bộ TT&TT)

Về phương án sắp xếp

Quy hoạch thực hiện theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, có thể chuyển sang phiên bản điện tử. Theo Đề án, Ban Chấp hành T.Ư có Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản và giữ nguyên số ấn phẩm hiện có. Mỗi Ban của Đảng có 1 cơ quan tạp chí in làm chức năng chỉ đạo, thông tin lý luận, khoa học và nghiệp vụ. Văn phòng Quốc hội có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in.

Bộ, cơ quan ngang Bộ có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Cơ quan thuộc Chính phủ có 1 cơ quan tạp chí in. Quân khu, quân chủng có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Tổng cục thuộc Bộ có 1 cơ quan tạp chí in. Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện đủ điều kiện theo quy định được có 1 cơ quan tạp chí in khoa học chuyên ngành.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có 1 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí in thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí in chuyên ngành. Các sở, ngành không có cơ quan báo in. Mỗi tổ chức chính trị - xã hội T.Ư có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in.

Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 1 cơ quan báo in trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên. Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Mỗi tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội Trung ương có 1 cơ quan tạp chí in. Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước có thể có 1 cơ quan tạp chí in. Cơ quan Trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam có 1 cơ quan tạp chí in.

Các cơ quan, tổ chức dưới cấp bộ ngành, tỉnh có báo điện tử thì chuyển cơ quan báo điện tử sang trực thuộc cấp bộ ngành, tỉnh. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước không có báo điện tử mà chỉ có tạp chí điện tử. Đối với phát thanh, truyền hình, việc sắp xếp thực hiện theo hướng tập trung sản xuất chương trình, bảo đảm chương trình trong nước chiếm 70% tổng thời lượng phát sóng, còn lại không quá 30% nội dung là khai thác chương trình truyền hình nước ngoài. Số lượng kênh truyền hình nước ngoài được phép khai thác nguyên kênh không quá 30% tổng số kênh khai thác...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, Đề án sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể. Trước mắt, các cơ quan báo chí, chủ quản báo chí thống nhất quy hoạch của mình gửi đến Bộ TT&TT trước ngày 20-10-2015 để Bộ tập hợp, trình Chính phủ. Từ nay tới năm 2017, một số cơ quan báo chí có đủ điều kiện sẽ được chọn làm thí điểm. Trên cơ sở kết quả thí điểm, các cơ quan chủ quản rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các cơ quan báo chí thuộc quyền để triển khai rộng mô hình, trong đó chú ý đến tính đặc thù của cơ quan báo chí có số lượng phát hành, số lượng công chúng lớn, có ảnh hưởng xã hội rộng. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho biết: Việc sắp xếp có lộ trình, bước đi cụ thể, chặt chẽ, theo tinh thần việc dễ làm trước, việc khó làm sau; đảm bảo đến năm 2020, về cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo mô hình đã đề ra.

T.Thủy – M.Bình – TTXVN