Sẽ phát huy giá trị di sản ma nhai xứng tầm

Thứ sáu, 23/06/2023 14:36
Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản đầu tiên của Đà Nẵng vừa được UNESCO công nhận, vinh danh ở tầm khu vực. Xung quanh câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị đặc biệt của di sản này đối với sự phát triển của địa phương trong thời gian tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Cao Thị Huyền Trân - Bí thư Quận ủy quận Ngũ Hành Sơn.
Ma nhai (văn khắc trên vách đá) tại danh thắng Ngũ Hành Sơn mới được UNESCO công nhận là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bà Cao Thị Huyền Trân

P.V: Sau khi được công nhận là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì địa phương đã có giải pháp nào để bảo tồn di sản ma nhai Ngũ Hành Sơn, thưa bà?

Bà Cao Thị Huyền Trân: Ma nhai Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm, được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Đây là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi những giá trị về lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục. Ma nhai Ngũ Hành Sơn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là sự kiện rất tự hào, góp phần tôn vinh một trong những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn trong hành trình nỗ lực giữ gìn, phát huy.

Nhằm bảo tồn di sản ma nhai, quận đã xây dựng kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt các hành vi tác động đến ma nhai, hạn chế tác động trực tiếp của con người trên ma nhai, đặc biệt là sự xâm hại, xuống cấp của ma nhai đối với sự tác động theo thời gian. Trong đó, có phương án bảo tồn ma nhai nguyên hiện trạng và khôi phục, tái tạo những nội dung văn tự bị phong hóa. Quận cũng sớm biên soạn và xuất bản các thành tựu nghiên cứu về ma nhai Ngũ Hành Sơn; làm tất cả các bản dập ma nhai, dịch đầy đủ và số hóa dữ liệu phục vụ công tác lưu trữ, quảng bá… Trong thời gian tới, quận sẽ nghiên cứu đầu tư hệ thống chiếu sáng lên di sản ma nhai, xây dựng bài thuyết minh điện tử bằng mã QR Code.

P.V: Để phát huy hết được giá trị to lớn của di sản ma nhai thì phải giúp người dân, du khách hiểu rõ về nó, nhưng đây là việc không dễ. Vậy địa phương có giải pháp gì?

Bà Cao Thị Huyền Trân: Ngũ Hành Sơn đã xây dựng phương án quảng bá di sản ma nhai với nội dung chủ yếu là xây dựng phim TVC (Television Commercials) để quảng bá trên các kênh truyền hình quốc tế, sách ảnh song ngữ Việt - Anh, tổ chức hội thảo quốc tế, triển lãm… UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng đã chỉ đạo BQL Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn xây dựng thuyết minh di sản ma nhai bằng mã QR Code offline và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI; xây dựng phương án thuyết minh tự động phục vụ du khách tham quan trên nền tảng công nghệ 4.0 cho toàn di tích và chú trọng vào quảng bá ma nhai mới được UNESCO công nhận. Tóm lại, phải đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để người dân, du khách trong và ngoài nước nhận rõ giá trị của di sản này từ đó tìm hiểu, yêu mến, góp phần lan tỏa di sản.

Ma nhai (văn khắc trên vách đá) tại danh thắng Ngũ Hành Sơn mới được UNESCO công nhận là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

P.V: Xin bà cho biết một số giải pháp để gắn việc phát huy di sản ma nhai với du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương?

Bà Cao Thị Huyền Trân: Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn lâu nay đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Hiện nay, với việc có thêm ma nhai được UNESCO công nhận là di sản tầm khu vực, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo thêm sức hấp dẫn, thu hút du khách nhiều hơn. Du lịch là lĩnh vực kinh tế quan trọng với quận Ngũ Hành Sơn, vì vậy địa phương đã tập trung nhiều giải pháp phát triển du lịch, trong đó có khai thác, phát huy các giá trị di tích, di sản. Dự kiến trong năm 2023, sau khi Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn được Thủ tướng phê duyệt, quận Ngũ Hành Sơn sẽ tham mưu cho thành phố đầu tư tu bổ, triển khai các hạng mục đã được phê duyệt để phát huy giá trị di tích, tạo ra các sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách. Trong đó, địa phương sẽ đưa vào khai thác tour du lịch phía Tây danh thắng Ngũ Hành Sơn, đảm bảo hài hòa hoạt động du lịch giữa phía Đông (ngọn Thủy Sơn) và các điểm tham quan phía Tây gồm: Động Tam Thanh - Huyền Vy - Quán Thế Âm - Tàng Thư - Bảo tàng Phật giáo - Chứng tích hang Núi Ghềnh và Đình Khuê Bắc. P.V: Việc ma nhai được UNESCO công nhận di sản tư liệu khu vực sẽ khởi đầu cho việc khai phá tiềm năng di sản tư liệu đặc biệt giá trị trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, lan tỏa các giá trị Việt Nam còn đang tiềm ẩn đối với thế giới.

Vậy sứ mệnh, trách nhiệm của Ngũ Hành Sơn, địa phương vinh dự sở hữu di sản này như thế nào thưa bà?

Bà Cao Thị Huyền Trân: Quận Ngũ Hành Sơn sẽ phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, Hán Nôm để trùng tu, bảo quản, nghiên cứu di sản ma nhai; làm tốt hơn nữa hoạt động hợp tác nghiên cứu về Ngũ Hành Sơn nói chung và về thư tịch cổ, văn khắc Ngũ Hành Sơn nói riêng, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, học giả, công chúng tiếp cận với di sản này theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, có thể tham gia nhóm các cơ quan có di sản tài liệu được công nhận bởi UNESCO; trở thành đối tượng của những nỗ lực toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho việc bảo quản di sản tài liệu. Trước mắt quận đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm giải tỏa dứt điểm các hộ dân còn lại phía Bắc đường Huyền Trân Công Chúa để cải tạo cảnh quan. Sau khi quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng phê duyệt sẽ tham mưu cho thành phố triển khai đầu tư, tu bổ, tôn tạo các hạng mục theo quy hoạch nhằm bảo vệ nguyên trạng của di tích, phát huy các giá trị di sản để danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến không thể thiếu đối với người dân, du khách trong và ngoài nước. Hơn hết là gìn giữ một di sản vô giá mà thiên nhiên, cùng với bàn tay tạo tác của con người đã ban tặng cho người dân Ngũ Hành Sơn nói riêng Đà Nẵng nói chung.

P.V: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

THÀNH NAM

(thực hiện)