Lễ hội Quán Thế Âm - dấu ấn đặc sắc

Thứ năm, 09/03/2023 10:57
Tối qua (8-3, nhằm 17-2 năm Quý Mão), tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm, Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng năm 2023, một trong 15 lễ hội lớn nhất nước, đã chính thức khai mạc. Lễ hội đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn người, gồm cộng đồng Phật tử theo đạo Phật, người dân địa phương, cùng du khách từ khắp nơi về tham dự, chiêm bái và lễ Phật.
Hàng chục ngàn du khách về dự lễ hội.
Ông Nguyễn Hòa-Chủ tịch Q. Ngũ Hành Sơn, phó ban tổ chức đánh trống khai mạc lễ hội.

Sau 2 năm phải tạm hoãn vì đại dịch COVID-19, Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng năm 2023 được tổ chức quy mô hơn, hoành tráng hơn với nhiều hoạt động đặc sắc cấp TP…

Theo các nhà nghiên cứu, Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn là một trong những lễ hội dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo gắn liền với di tích Quốc gia đặc biệt - Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và đời sống tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng địa phương. Ngoài cầu cho quốc thái dân an, mọi người có cuộc sống no đủ, bình yên và may mắn, Lễ hội còn là dịp để người dân, du khách trong, ngoài nước tìm hiểu kỹ hơn về giá trị văn hóa, hệ thống di tích dày đặc trong Ngũ Hành Sơn, bao gồm hàng chục ngôi chùa, am, tháp, miếu thờ, hàng trăm di vật, cổ vật quý hiếm, chứa đựng tín ngưỡng của người Việt, người Hoa và cả người Chăm bản địa như: Phật giáo, Đạo giáo, đạo Mẫu… Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đó, năm 2021, Lễ hội Quán Thế Âm đã được Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ rước tôn tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.

Hòa thượng Thích Huệ Vinh - Phó Trưởng Ban tổ chức cho biết, Lễ hội Quán Thế Âm- Ngũ Hành Sơn có 6 lễ nghi quan trọng, đó là: Lễ rước ánh sáng bao gồm các hoạt động: rước đuốc, rước kiệu, múa lân, múa rồng,… Đây là các hoạt động mang ý nghĩa cầu mong ánh sáng của Đức Phật soi đường, tỏ lối cho chúng sinh. Theo văn hóa Phật giáo, ánh sáng chính là biểu tượng của trí tuệ. Khi có trí tuệ thì tấm lòng sáng, đạo đức trong sáng dẫn đường, chỉ lối cho mỗi người làm được nhiều việc thiện, giúp ích cho đời. Lễ khai kinh cầu mong cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc. Lễ trai đàn chẩn tế với mục đích cầu siêu, cúng thập loại chúng sinh. Lễ thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và dân tộc nhằm ngợi ca tấm lòng từ bi, nhân đạo của đức Phật Bồ Tát Quan Thế Âm và cầu nguyện bình an, thịnh vượng cho dân tộc. Lễ rước tượng Quán Thế Âm được thực hiện theo nghi thức 4 người khiêng kiệu có tượng Phật bà từ chùa Quan Âm đến con thuyền đậu trên sông Cầu Biện với mục đích cầu nguyện cho đồng bào, chúng sinh đi biển, làm ăn ở môi trường sông nước được bình an, thuận lợi… Lễ tế xuân để cầu quốc thái dân an với sự tham gia của đông đảo các bô lão và người dân địa phương. Ngoài ra, lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023 còn có lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công chúa- người có công lớn trong việc giúp quốc gia Đại Việt mở mang bờ cõi về phương Nam.

Ngoài phần lễ, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023 được tổ chức với phần hội vô cùng phong phú về nội dung lẫn hình thức. Trong ngày đầu khai mạc Lễ hội (8-3), đã diễn ra các hoạt động như: mở cửa cho khách tham quan bảo tàng văn hóa Phật giáo, khai trương thư viện Vạn Hạnh, triển lãm tranh, ảnh thắng cảnh Ngũ Hành Sơn; trang bày và biểu diễn chế tác đá mỹ nghệ Non Nước nhằm quảng bá hình ảnh về một làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn. Cạnh đó là những màn trình diễn khinh khí cầu, biểu diễn nghệ thuật dân gian, hô hát bài chòi khu V, tổ chức giao lưu nghệ thuật của các đoàn quốc tế, như: Ấn Độ, Lào…, khai trương Thư viện Vạn Hạnh, biểu diễn thả diều nghệ thuật. Trong ngày 9 và ngày 10-3, phần hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, trình diễn nghệ thuật nấu ăn món chay tuyệt phẩm, đua thuyền truyền thống trên sông Cổ Cò… Đặc biệt, tại lễ hội các du khách sẽ được nghe ông Bùi Hữu Dược-nguyên Vụ trưởng vụ Phật giáo diễn thuyết về Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn-Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Bà Bùi Thị Thìn, một Phật tử, bày tỏ: "Đến với lễ hội lần này, ngoài việc được thưởng thức những chương trình nghệ thuật mang tính truyền thống, chúng tôi học được nhiều điều về Phật pháp. Qua đó, giúp con người gần gũi nhau hơn để cùng sống trong sự hòa thuận, sẻ chia cũng như văn hóa, lich sử của người dân Đà Nẵng".

Hàng chục ngàn du khách về dự lễ hội.

Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch UBND Q.Ngũ Hành Sơn, cho hay: Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức hàng năm theo hướng ngày càng quy mô, hoành tráng hơn để xứng tầm với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Đà Nẵng. Đây cũng là lễ hội đánh dấu sự kiện đặc biệt khi vừa qua Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn chính thức được UNESCO ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Qua đó để du khách trong, ngoài nước hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, con người Ngũ Hành Sơn nói riêng, TP Đà Nẵng nói chung và góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn sau thời gian gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Ngô Thị Kim Yến- Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban tổ chức lễ hội nhấn mạnh: Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn gắn liền với lịch sử, văn hóa… của đất và người Đà Nẵng. Cùng với các giá trị văn hóa, hệ thống di tích dày đặc trong Ngũ Hành Sơn, Lễ hội đã góp phần nâng tầm giá trị, vị thế của di tích quốc gia đặc biệt - Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đây cũng là dịp để TP Đà Nẵng giới thiệu những nét đẹp về lịch sử-văn hóa… của đất và người Đà Nẵng đến bạn bè trong, ngoài nước. Phó Chủ tịch TP hy vọng, qua lễ hội sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về những giá trị còn tiềm ẩn để có biện pháp bảo vệ và phát huy những thế mạnh của danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn…

M.T