Sẽ quán triệt nhà xuất bản để tái sử dụng sách giáo khoa

Thứ bảy, 22/09/2018 15:18

“Về quan điểm chỉ đạo, Bộ GD-ĐT xác định: Sách giáo khoa (SGK) cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể sử dụng lại được khi cần thiết, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ về vấn đề lãng phí khi sử dụng SGK đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, trong SGK có yêu cầu nhắc nhở học sinh không viết vào sách để SGK có thể sử dụng được nhiều lần.

Ngay từ năm học đầu tiên (2002-2003) triển khai thay SGK mới ở lớp Một, cùng với việc quán triệt trong các khóa bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý chuẩn bị cho việc thực hiện SGK mới, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 6176/TH ngày 19-7-2002 về việc Hướng dẫn thực hiện mục tiêu, kế hoạch dạy học lớp Một theo chương trình và SGK mới. Tại mục 4 về Thiết bị dạy học của công văn này có nêu: “Các trường cần xây dựng tủ sách dùng chung để tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách. SGK cần được luân chuyển sử dụng trong nhiều năm”.

Năm học 2004-2005, Bộ GD-ĐT tiếp tục ban hành Công văn số  7590/GDTH ngày 27-8-2004 về việc Hướng dẫn giảng dạy các môn học ở lớp 3 cho các vùng, miền và các lớp dạy học 2 buổi/ngày. Trong mục 4 về Sử dụng sách của Công văn có yêu cầu: “Giáo viên căn cứ vào văn bản phân phối chương trình môn Tiếng Việt để thực hiện các bài dạy trong sách giáo khoa Tiếng Việt 3, hướng dẫn học sinh sử dụng SGK một cách có hiệu quả (tận dụng cả kênh hình và kênh chữ) nhằm đạt được các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của môn học. Cần nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn (không được viết, vẽ,... vào sách) để sử dụng SGK được lâu bền”.

Về vấn đề dư luận phản ánh SGK có kèm bài tập nên khi học sinh làm bài tập thì sách không tái sử dụng được, gây lãng phí, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước phát triển. Do đó ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)...

Cũng theo ông Độ, do đặc thù của môn học, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), đối với một số SGK, nhất là sách Toán 1, Tiếng Anh (do đặc trưng của các môn học này), các tác giả có đưa vào các dạng bài tập trắc nghiệm và các dạng bài tập khác với “câu lệnh” ngắn gọn, dễ hiểu và rõ ràng như: điền/viết vào chỗ chấm hoặc ô trống, lựa chọn đúng/sai, nối, khoanh, vẽ, đánh dấu, tô màu...

“Các SGK Toán 1 xuất bản giai đoạn 1976-1979; sách Toán 2 xuất bản giai đoạn 1980-1989; sách Toán 1 xuất bản giai đoạn 1990-2002, đều có các dạng câu hỏi, bài tập trên. Các SGK Toán của các nước tiên tiến trên thế giới cũng đều thiết kế các dạng bài học với hình thức như trên. Tuy không yêu cầu học sinh làm bài hay viết trực tiếp vào SGK mà cần làm vào vở viết hoặc vở bài tập nhưng nếu giáo viên không hướng dẫn ngay từ đầu năm học và nhắc nhở thường xuyên thì các em sẽ có thói quen viết trực tiếp vào SGK, gây lãng phí dư luận phản ánh”, ông Độ phân tích.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, để khắc phục tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí như phản ánh của dư luận, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, các nhà trường hướng dẫn học sinh không nên viết vào sách và giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận để có thể sử dụng được lâu dài. Giáo viên trong quá trình dạy học cần hướng dẫn học sinh làm bài tập, viết kết quả, trả lời câu hỏi vào vở viết, vở bài tập.

VN+